Tiếp cận và chia sẻ nguồn gen còn nhiều thách thức

Đối tượng về nguồn gen quá rộng, gồm tất cả các sinh vật và trong thực tế mọi hoạt động của con người khiến việc quản lý trở nên khó khăn.
Kiểm soát việc tiếp cận nguồn gen là một trong những ưu tiên cao nhất của chính sách bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học của Việt Nam.

Nhiệm vụ này được quy định trong Luật Bảo tồn và đa dạng sinh học tạo ra hành lang pháp lý quy định trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan phải chia sẻ lợi ích cho các bên hưởng lợi khi tiếp cận nguồn gen đã có chủ thể quản lý.

Tuy nhiên, chia sẻ lợi ích từ tiếp cận nguồn gen là thách thức lớn khi ở Việt Nam chưa có những kinh nghiệm thực tiễn cũng như chuyên gia trong lĩnh vực này.

Thạc sỹ Lê Thanh Bình, nguyên Cục trưởng Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học-Tổng cục Môi trường cho biết đối tượng về nguồn gen quá rộng, bao gồm tất cả các sinh vật và trong thực tế mọi hoạt động của con người đều là "tiếp cận nguồn gen." Đây chính là điểm mà Việt Nam quản lý cũng như không bởi đối tượng quá rộng, trong khi các công cụ để thực thi lại thiếu.

Việc điều tra, thu thập nguồn gen hầu như không được thực hiện ở quy mô hộ gia đình, các tổ chức. Đa số nguồn gen đều có chủ quản lý trực tiếp nhưng công cụ kỹ thuật để họ thực hiện nghĩa vụ lại đang bỏ ngỏ. Họ không biết lưu giữ nguồn gen như thế nào, nhất là đối với hai nhóm chủ thể là tổ chức, hộ gia đình và ủy ban nhân dân xã; Hợp đồng tiếp cận nguồn gen chưa có mẫu hoặc quy định cụ thể; Giấy phép tiếp cận nguồn gen cũng chưa được cơ quan có thẩm quyền xây dựng và ban hành...

Để kiểm soát tiếp cận nguồn gen, Việt Nam cần quy định thu hẹp lại đối tượng nguồn gen để quản lý, nên chăng chỉ quản lý những nguồn gen quý hiếm, có giá trị kinh tế cao và những nguồn gen có tiềm năng khai thác sử dụng.

Cơ quan quản lý sớm nghiên cứu, ban hành các hướng dẫn cũng như các biểu mẫu về hợp đồng, giấy phép để áp dụng. Các mô hình về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích cần được xây dựng thí điểm để tìm kiếm kinh nghiệm và thu thập cứ liệu cho việc luật hóa.

Cơ quan chuyên ngành cần đánh giá nhu cầu, khả năng của địa phương về thực thi các quy định tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, đồng thời phải nâng cao nhận thức cho cá nhân, tổ chức quản lý nguồn gen về quyền lợi từ chia sẻ lợi ích tiếp cận nguồn gen.

Chính phủ cần ban hành quy chế quản lý và bảo tồn nguồn gen, trong đó thống nhất cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm cấp phép tiếp cận nguồn gen, các cơ quan khoa học có đủ năng lực và thẩm quyền chịu trách nhiệm tư vấn chuyên môn./.

Minh Nguyệt (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục