Tiếp cận thủ tục pháp lý phức tạp làm cản trở hoạt động M&A

“Tiếp cận thủ tục pháp lý với các doanh nghiệp Việt Nam khá phức tạp và khó hiểu. Điều này đã cản trở chúng tôi thực hiện các thương vụ mua bán-sáp nhập."
Dịch vụ công nghệ là một trong những lĩnh vực được nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm. (Ảnh minh họa. Nguồn: PV/Vietnam+)

“Tiếp cận thủ tục pháp lý với các doanh nghiệp Việt Nam khá phức tạp và khó hiểu. Điều này đã cản trở chúng tôi thực hiện các thương vụ mua bán-sáp nhập (M&A.) Theo kinh nghiệm cá nhân, đây là thị trường khó khăn nhất mà tôi đã trải qua khi thực hiện các hoạt động M&A quốc tế.”

Đây là nhận định của ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc điều hành cấp cao Công ty RECOF (một trong những công ty tư vấn độc lập M&A hàng đầu của Nhật Bản) tại cuộc trao đổi với báo chí bên lề Họp báo trước thềm Diễn đàn M&A Việt Nam 2014.

- Ông đánh giá như thế nào về sự quan tâm của nhà đầu tư Nhật Bản về thị trường M&A Việt Nam?

Ông Masaraka “Sam” Yoshida:
Kể từ khi đặt quyết tâm vào thị trường Việt Nam vào năm 2011 đến nay, chúng tôi nhận thấy sự quan tâm của các công ty Nhật Bản vào thị trường M&A Việt Nam đang tiếp tục tăng lên nhanh chóng, với nhiều lĩnh vực hơn và  bao trùm các lĩnh vực chính trong công nghiệp sản xuất, phi sản xuất.

Hiện, Việt Nam đang là thị trường M&A đứng thứ hai của Nhật Bản trong khu vực châu Á. Cụ thể, các nhà đầu tư Nhật Bản đã thực hiện M&A tại Việt Nam là 18 thương vụ M&A (2011), 17 thương vụ (2012), 20 thương vụ (2013), tuy nhiên sáu tháng của năm 2014 thì có giảm xuống với 4 thương vụ.

Các công ty Nhật Bản rất quan tâm tới việc mở rộng hoạt động tại Việt Nam với rất nhiều lý do và chúng tôi đang chủ động duy trì, thúc đẩy các giao dịch M&A giữa hai nước. Một nửa trong các danh mục thông tin của chúng tôi là các thương vụ tại Việt Nam.

Hiện nay, chúng tôi đang có hơn 10 thương vụ với các công ty Việt Nam trong danh mục, bao gồm các lĩnh vực tài chính phi ngân hàng, vận tải, dịch vụ công nghệ, khách sạn, dịch vụ marketing và ngành hàng bán lẻ.

- Các cải cách của Chính phủ Việt Nam đã tạo ra những cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài nói chung, nhà đầu tư Nhật Bản như thế nào?

Ông Masaraka “Sam” Yoshida: Một số ngành chính tại Việt Nam đang được chi phối bởi các công ty Nhà nước, do đó các cơ hội hiện hữu cho các công ty nước ngoài xâm nhập vào thị trường Việt Nam trở nên hiếm hoặc gần như không có.

Song, sự cải cách của Chính phủ tới đây sẽ cung cấp nhiều cơ hội cho những nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Nhật Bản tại nhiều lĩnh vực, có thể phát triển kết nối với các công ty Nhà nước hoặc thậm chí là thâu tóm các công ty này.

Về phía nhà đầu tư Nhật Bản, nhu cầu đầu tư vào các nền kinh tế đang phát triển vẫn đang được duy trì và không đổi. Bên cạnh đó, các điều kiện kinh tế nội địa đang được duy trì vững chắc dưới Chính sách Abe.

Câu hỏi về nơi đầu tư vẫn còn bỏ ngỏ, nhưng chúng tôi tin rằng Việt Nam đang ở vị thế tốt hơn so với nhiều nước Đông Nam Á khác, khi mà sự tập trung chủ yếu của các công ty Nhật đều hướng về thị trường ASEAN vào năm 2015.

Với “làn sóng thứ hai” M&A tại Việt Nam trong giai đoạn mới cùng các nhu cầu của những thương vụ đang thực hiện, chúng tôi sẽ không ngạc nhiên khi mật độ của các thương vụ thường niên sẽ khôi phục lên mức 30 thương vụ ở năm 2016.

- Tiếp cận thị trường M&A Việt Nam, các nhà đầu tư Nhật Bản có gặp trở ngại nào không?

Ông Masaraka “Sam” Yoshida: Tiếp cận thủ tục pháp lý với các doanh nghiệp Việt Nam khá phức tạp và khó hiểu. Điều này đã cản trở chúng tôi thực hiện các thương vụ mua bán-sáp nhập (M&A.) Theo kinh nghiệm cá nhân, đây là thị trường khó khăn nhất mà tôi đã trải qua khi thực hiện các hoạt động M&A quốc tế

Kinh nghiệm trong những năm qua, chúng tôi có thể liệt kê một vài khó khăn tiếp cận thị trường M&A Việt Nam, như sự thiếu hụt thông tin về các công ty mục tiêu tại các bước khởi đầu; sự thiếu chính xác trong các thông tin sẵn có tại các ngành, lĩnh vực công nghiệp mục tiêu; sự thay đổi đột ngột của những người bán hoặc các vấn đề đột xuất phát sinh từ phía người bán; sự kỳ vọng giá cao của người bán mà không được hỗ trợ giải thích…

- Các công ty Việt Nam cần lưu ý gì trong quá trình đàm phán với đối tác Nhật Bản?

Ông Masaraka “Sam” Yoshida: Chúng tôi nhận thấy, các công ty Nhật Bản cần một quá trình lâu hơn trong thời điểm ban đầu tại các cuộc đàm phán, cộng với các yêu cần lớn hơn về số lượng thông tin đưa ra.

Tuy nhiên, chúng tôi thường khuyên khách hàng của mình cần phải kiên nhẫn, bởi sau đó các công ty Nhật Bản thường không cần quá nhiều thời gian một khi họ đã vạch rõ bước khởi đầu cho quá trình thâm nhập đồng thời lời nói của họ sẽ không dễ dàng thay đổi.

Bên cạnh đó cũng cần phải chú ý, các giao dịch với các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ khó thực hiện nếu thiếu một nhà tư vấn tài chính tốt (không nhất thiết là tư vấn Nhật Bản nhưng người đó cần hiểu sự khác biệt giữa Việt Nam và Nhật Bản ) hỗ trợ người bán trong việc chuẩn bị các thông tin cần thiết để thực hiện đàm phán. Yếu tố này sẽ tạo nên sự tin tưởng cho các nhà đầu tư Nhật Bản và chuẩn bị tạo bước đệm cho các thương vụ M&A với giá hợp lý./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục