“Tiếng vọng ngàn năm”: Mang chèo xưa về với ngày nay

Không gian chèo cổ sẽ được tái hiện trong chương trình “Tiếng gọi ngàn năm” diễn ra vào tối 30/11 tại Đình Kim Liên (Hà Nội).
(Ảnh minh họa: TTXVN)

Không gian chèo cổ sẽ được tái hiện trong chương trình “Tiếng vọng ngàn năm” diễn ra vào tối 30/11 tại Đình Kim Liên (phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội).

Thông tin từ ban tổ chức cho hay, chương trình sẽ tái hiện lại toàn bộ không gian diễn xướng của chèo truyền thống thông qua việc đưa khán giả về với sân đình, ngồi khoanh chân trên chiếc chiếu cói đỏ, để cùng thưởng thức những trích đoạn chèo cổ như: “Xúy Vân giả dại,” “Thị Mầu lên chùa,” “Lưu Bình-Dương Lễ..."

Trong âm thanh của tiếng trống, tiếng sáo và tiếng đàn bầu... hòa cùng một nhịp, công chúng ngày nay sẽ được gặp lại hình ảnh, nghe lại câu chuyện của những nhân vật thuở xưa như: cái lúng liếng đưa tình của cô Thị Mầu, nỗi đau của Thị Kính khi bị đổ oan hay "dở khóc dở cười" với cảnh cả làng phạt vạ nàng Thị Mầu lẳng lơ...

“Tiếng vọng ngàn năm” có sự tham gia biểu diễn của nghệ sỹ ưu tú Thanh Ngoan cùng đoàn nghệ sỹ đến từ Nhà hát Chèo Việt Nam.

Cùng với đó, tiến sỹ Trần Đình Ngôn - người được mệnh danh là “vua chèo đất Bắc” sẽ có những chia sẻ, mang tới cho công chúng những kiến thức cơ bản về loại hình nghệ thuật truyền thống này.

Nghệ sỹ ưu tú Thanh Ngoan chia sẻ, chèo là một loại hình nghệ thuật truyền thống, bước ra từ những sân khấu nhỏ nơi đình làng. Trình diễn chèo trong không gian đình cổ là cách để đưa chèo về lại với môi trường diễn xướng truyền thống của loại hình nghệ thuật này.

“Không chỉ có vậy, đây còn là cách để kéo khán giả hiện đại về gần hơn với các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Sân đình là một không gian mở. Các tiết mục chèo cổ được trình diễn ở đây sẽ tạo cảm giác gần gũi, xóa đi ranh giới, khoảng cách giữa diễn viên và khán giả so với khi diễn ở sân khấu trong các nhà hát,” nghệ sỹ ưu tú Thanh Ngoan bày tỏ.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục