Hướng tới kỷ niệm 44 năm chiến dịch bảo vệ biên giới phía Bắc (2/1979-2/2023), Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam ấn hành cuốn sách "Tiếng vọng đèo Khau Chỉa" của tác giả Nguyễn Thái Long - người lính trực tiếp tham gia chiến đấu trên mặt trận Khau Chỉa, Cao Bằng.
Từ hồi ức cá nhân và những tư liệu quý giá của các đồng đội, tác giả đã tái hiện cuộc chiến biên giới năm xưa qua những câu chuyện chân thực và sinh động, làm sống dậy những trang sử vẻ vang của cuộc chiến bảo vệ biên cương phía Bắc Tổ quốc.
[Đi tìm tiếng gọi từ lòng đất: Hành trình chưa kết thúc]
Rạng sáng ngày 17/2/1979, tiếng súng bùng lên dữ dội trên phòng tuyến đèo Khau Chỉa, mở ra cuộc chiến đấu chống quân xâm lược oanh liệt nhưng cũng đầy bi thương trên mặt trận phía Đông tỉnh Cao Bằng.
Tác giả Nguyễn Thái Long khi đó là y sĩ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 567 (Trung đoàn Phục Hòa-Khau Chỉa).
Không đơn thuần là người ghi lại các thông tin, sự kiện khô cứng theo cách thức của một người viết sử, tác giả chia sẻ rằng ông muốn kể câu chuyện của mình, câu chuyện của những đồng đội mình, qua đó tái hiện lịch sử trong tâm thế của một người trong cuộc dạt dào cảm xúc: Nỗi nhớ thương đồng đội, niềm đau đáu của người ở lại, lòng yêu nước thiết tha…
Nhìn tức góc độ này, cuốn sách "Tiếng vọng đèo Khau Chỉa" có khả năng chạm đến cảm xúc của người đọc một cách trực diện và vì thế có một ý nghĩa đặc biệt với thế hệ trẻ hôm nay khi nhìn về cuộc chiến của thế hệ cha anh.
Sách dày 369 trang, chia làm 5 phần: Cao Bằng, một dải biên cương; Khau Chỉa mười hai ngày đêm khói lửa; Trở lại Tà Lùng; Vị Xuyên-Lời thề trên đá; Những người lính trở về.
Trong lời giới thiệu sách, Phó giáo sư, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Công an Việt Nam cho hay cuốn sách không chỉ đem đến cho ông những ký ức cảm động trào nước mắt, mà còn cung cấp những tư liệu lịch sử đặc sắc và độc đáo.
“Tôi không khỏi rùng mình kinh hoàng về sự tàn bạo của quân Trung Quốc xâm lược qua cách chúng bức hại chiến sỹ và nhân dân ta,” Thiếu tướng Lê Văn Cương chia sẻ.
Theo ông Cương, nói về cuộc chiến tranh biên giới, người dân hầu hết mới chỉ tiếp cận các bản tổng kết đề cập đến những vấn đề chung như bối cảnh, lý do dẫn đến chiến tranh xâm lược; các chiến lược, sách lược; đường lối lãnh đạo; các bài học rút ra…
Đó là những tri thức lịch sử rất đáng quý, nhưng hạn chế là ở chỗ thế hệ sau sẽ không hoặc rất khó cảm nhận được cụ thể “độ nóng” của cuộc chiến, không hiểu được cha ông họ đã vượt qua những đau thương tận cùng ra sao để đi đến chiến thắng. Thậm chí, cuộc chiến tranh này còn được nhắc đến hết sức sơ lược trong các sách giáo khoa, giáo trình và một số công trình nghiên cứu lịch sử Việt Nam.
Thiếu tướng Lê Văn Cương trăn trở: “Như thế thử hỏi thế hệ sau làm sao hiểu được cha ông họ đã sống, chiến đấu như thế nào để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc?”
Nhà phê bình Ngô Văn Giá nhận xét rằng đây là một cuốn sách được viết bởi một người lính trực tiếp cầm súng; quan sát, hồi tưởng và ghi chép trong một cái nhìn gần, cận cảnh, chân thực, không né tránh.
”Cuốn sách đã đáp ứng một phần nào nguyện vọng cháy bỏng của các cựu chiến binh và nhân dân, nhất là đồng bào các tỉnh biên giới phía Bắc được nói lên sự thật tàn khốc của cuộc chiến, để ghi ơn những hy sinh to lớn của các chiến sỹ và đồng bào đã ngã xuống, để ghi dấu tội ác của kẻ xâm lược,” nhà phê bình nhận định.
Tác giả sẽ có buổi ra mắt sách và giao lưu với độc giả vào lúc 9h30, ngày 12/2 tại Manzi, 14 Phan Huy Ích, Hà Nội./.
Tác giả Nguyễn Thái Long sinh năm 1955, quê tại phường Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Năm 1972, ông nhập ngũ rồi học y sĩ trong quân đội. Năm 1975, ông ra trường, được điều về Trung đoàn 567. Năm 1976, ông cùng đơn vị được điều lên Cao Bằng làm kinh tế và tham gia chiến đấu trong cuộc chiến tranh đấu bảo vệ biên giới Tổ quốc ở phía Bắc năm 1979. Năm 1987, ông chuyển ngành làm bác sỹ chuyên ngành Tâm thần, sau làm Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bắc Giang. Ông nghỉ hưu năm 2015. |