Tiếng Pháp đã trở thành một “nạn nhân” của đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) tại Canada, buộc Thủ tướng Justin Trudeau ngày 28/4 phải lên tiếng “bào chữa” cho việc chính phủ không giữ đúng quy định - vốn yêu cầu nhãn hiệu và dịch vụ ở Xứ sở lá phong phải được thể hiện bằng hai ngôn ngữ chính thức (tiếng Anh và tiếng Pháp).
Theo phóng viên TTXVN tại Canada, bình luận về quyết định của chính phủ cho phép các sản phẩm sát khuẩn nhập khẩu chỉ cần dán nhãn bằng tiếng Anh được bày bán chính thức tại quốc gia hai ngôn ngữ này, Thủ tướng Trudeau nói: “Trong một số trường hợp nhất định, chúng tôi sẵn sàng cho phép ghi biểu tượng và dãn nhãn bằng một ngôn ngữ.”
Động thái này của Chính phủ đã khiến nhiều đại diện của cộng đồng nói tiếng Pháp tại Canada bất bình và chỉ trích quyết định trên của Ottawa là “nguy hiểm” và “thiếu tôn trọng.”
[Sức khỏe tâm thần của một nửa dân số Canada xấu đi do COVID-19]
Theo những thống kê mới nhất, khoảng 1/4 trong tổng số 37 triệu dân Canada sử dụng tiếng Pháp là ngôn ngữ chính hàng ngày.
Theo Thượng nghị sỹ Rene Cormier, không có gì để biện hộ cho việc thiếu tôn trọng hai ngôn ngữ chính thức tại Canada. Đó còn là vấn đề liên quan đến sức khỏe và sự an toàn.
Ủy viên về ngôn ngữ của Canada, ông Raymond Theberge cũng tỏ ý thất vọng khi những thông báo về y tế tại hai tỉnh bang New Brunswick và Ontario, nơi cộng đồng nói tiếng Pháp khá đông, lại không được thể hiện bằng tiếng Pháp.
"Cộng đồng nói tiếng Pháp cần phải hiểu được những thông điệp của các cơ quan thuộc chính phủ, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch đã cướp đi sinh mạng của gần 3.000 người Canada," ông Raymond Theberge nói.
Do nguồn cung trang thiết bị y tế khan hiếm trên quy mô toàn cầu, Canada đã phải quay sang các nguồn nhập khẩu mới, nơi các nhà sản xuất có thể không tuân thủ quy định về nhãn mác của Canada.
Trên trang web của Chính phủ Canada, hiện số ca nhiễm virus SARS-CoV tại nước này đã lên tới 50.026 ca, với 2.859 trường hợp tử vong./.