Ngày 2/6, Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD) và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (SCI) tổ chức công bố báo cáo khảo sát “Tiếng nói trẻ em Việt Nam” nhằm thu thập ý kiến, suy nghĩ của trẻ em về những vấn đề liên quan trực tiếp tới trẻ em.
Trên cơ sở đó, hai tổ chức xem xét thực trạng thực thi quyền trẻ em tại Việt Nam dưới góc nhìn của trẻ; cung cấp thông tin cho các cơ quan thực thi quyền trẻ em ở Việt Nam và cho báo cáo bổ sung gửi tới Ủy ban về Quyền Trẻ em của Liên hợp quốc...
Khảo sát thể hiện tiếng nói trẻ em
Khảo sát “Tiếng nói trẻ em Việt Nam” có sự tham gia của gần 1.700 trẻ em Việt Nam từ 11-16 tuổi ở nông thôn và thành thị; trẻ em ở trong và ngoài nhà trường; trẻ em người dân tộc Kinh và dân tộc thiểu số tại 7 tỉnh, thành phố ở 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Kết quả khảo sát cho thấy hiểu biết của trẻ em về quyền trẻ em và Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em còn hạn chế. Hơn 53% trẻ em trong nhà trường chưa từng nghe nói đến Công ước; phần lớn trẻ được tiếp cận với quyền trẻ em qua mạng xã hội (61,3%); qua các phương tiện truyền thông như báo, đài, tivi (58,8%). Tỷ lệ trẻ em được tiếp cận với quyền trẻ em từ chính quyền địa phương rất thấp (11,6%).
Khảo sát cũng cho thấy hơn 50% trẻ em ngoài nhà trường đang phải lao động, nhiều em phải lao động 8-10 tiếng/ngày để phụ giúp gia đình.
Hơn 70% trẻ em tham gia khảo sát có ít nhất một nỗi lo lắng như việc học quá khó khăn; không đủ điều kiện tài chính để tham gia các hoạt động ngoại khóa và vui chơi, giải trí nơi trẻ sinh sống; đặc biệt có đến 80% trẻ em tham gia khảo sát cảm thấy lo lắng về biến đổi khí hậu và các vấn đề về môi trường...
Phần lớn trẻ em tham gia khảo sát đã từng trực tiếp chứng kiến tình trạng bạo lực, quấy rối, bị người lớn xử phạt khi mắc lỗi. Cứ 5 trẻ thì có 1 trẻ không biết tìm kiếm các nguồn trợ giúp từ đâu.
Kết quả khảo sát cho thấy mặc dù trẻ em cảm thấy an toàn nhất ở gia đình (4,42/5 điểm), nhưng nơi mà trẻ chứng kiến các hình thức xử phạt trẻ em nhiều nhất cũng là trong gia đình (74%).
Bên cạnh đó, cứ 10 trẻ em thì có 9 trẻ, tương đương 88,3% trẻ em tham gia khảo sát cho rằng mình có ít cơ hội hoặc không có cơ hội để bày tỏ ý kiến của mình với người có thẩm quyền ra quyết định.
Gần 90% trẻ em cho rằng việc người có thẩm quyền ra quyết định (lãnh đạo cấp cao ở Trung ương, tỉnh, huyện, phường/ xã, tổ dân phố, hiệu trưởng nhà trường, thầy, cô giáo, bố mẹ …) lắng nghe ý kiến của trẻ em là rất quan trọng.
Trong các vấn đề trẻ em muốn được bày tỏ ý kiến và được lắng nghe, việc học tập, trường học là hai nội dung trẻ quan tâm nhất (61,3%), tiếp đến là quyền bình đẳng giới (44,3%), sự an toàn của trẻ em ở nơi trẻ sinh sống-học tập (43,4%) và các hoạt động vui chơi cho trẻ em (43,2%).
Ba vấn đề trẻ em cho rằng Việt Nam cần hành động nhiều hơn để giải quyết là xâm hại trẻ em, bắt nạt qua mạng, trừng phạt thể chất và tinh thần với trẻ.
Lắng nghe để hiểu trẻ
Theo Điều 12 của Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em, trẻ em có quyền được bày tỏ ý kiến về tất cả mọi vấn đề liên quan đến trẻ em. Tuy nhiên, việc thực hiện quyền này trên thực tế còn khá hạn chế do người lớn chưa tạo cơ hội cho trẻ em tham gia hoặc trẻ em còn cảm thấy e ngại, chưa dám bày tỏ ý kiến.
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) chia sẻ trong 5 năm trở lại đây, quyền tham gia của trẻ em đã được Quốc hội, Chính phủ, nhiều bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội tham gia. Hiến pháp năm 2013 khẳng định trẻ em được tham gia vào các vấn đề về trẻ em.
Luật Trẻ em năm 2016 đã có một chương quy định trẻ em được tham gia vào các vấn đề về trẻ em mà quyền cao nhất là các em được tham gia ý kiến vào quá trình xây dựng văn bản pháp luật, chính sách, chương trình, đề án có liên quan đến các em.
Thời gian qua, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với một số bộ, ngành, tổ chức có liên quan thực hiện nhiều mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em rất cụ thể; nhiều bộ, ngành xây dựng các đề án liên quan đến trẻ em cũng đã lấy ý kiến của trẻ em... Tuy nhiên, báo cáo cho thấy sự nỗ lực của các bộ, ngành, tổ chức vẫn chưa đáp ứng được mong đợi của các em.
[Phòng ngừa xâm hại trẻ: Phát hiện nhanh, can thiệp tốt, xử lý nghiêm]
Bà Nguyễn Thị Nga cho rằng kết quả khảo sát sẽ giúp Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có thêm nhiều thông tin nghiên cứu; đưa thêm vào các mục tiêu, chỉ tiêu của các chương trình, kế hoạch 10 năm tới; đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em...
Phụ huynh học sinh Nguyễn Chiến Thắng chia sẻ báo cáo có thể là một lời cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh và xã hội. Việc lắng nghe và thấu hiểu trẻ rất quan trọng, giúp cha mẹ nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của con, đồng hành cùng con, giúp con phát triển và trưởng thành trong cuộc sống sau này.
Viện trưởng Viện Quản lý và Phát triển bền vững Nguyễn Phương Linh cũng cho rằng người lớn không phải lúc nào cũng đúng nên người lớn nên lắng nghe để biết được thực chất trẻ em muốn gì, giúp các em phát triển tốt nhất. Phụ huynh cần lắng nghe con, tôn trọng suy nghĩ của con và đồng hành cùng con để có giải pháp giúp trẻ phát triển tối đa./.