'Tiếng loa biên phòng' - sáng tạo trong cách tuyên truyền phòng dịch

Các chiến sỹ đồn biên phòng Ia Nan, huyện Đức Cơ, Gia Lai đã cột chiếc loa di động phía sau xe máy rồi đi đến tất cả tuyến đường trong xã để người dân dễ dàng tiếp nhận thông tin.
'Tiếng loa biên phòng' - sáng tạo trong cách tuyên truyền phòng dịch ảnh 1Mô hình 'Tiếng loa biên phòng' đã được nhân rộng tại một số đơn vị lân cận. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Sáng tạo trong cách tuyên truyền phòng chống COVID-19 tại vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số nơi biên giới, các đồn biên phòng tỉnh Gia Lai đã, đang nhân rộng mô hình "Tiếng loa biên phòng," góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc chủ động phòng, chống dịch bệnh.

Mô hình “Tiếng loa biên phòng” được Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Gia Lai, chính quyền địa phương đánh giá cao và nhận được sự đồng tình, ủng hộ cũng như sự yêu mến của bà con nhân dân vùng biên giới.

Thượng tá Nguyễn Văn Nghị, Phó Chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Gia Lai, cho biết mô hình “Tiếng loa biên phòng” đáp ứng được Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, phù hợp với văn hóa địa phương nên đạt hiệu quả cao, quan trọng nhất là nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống dịch.

Mô hình cũng góp phần thực hiện nhiệm vụ kép về tuyên truyền bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biên giới, hỗ trợ người dân nâng cao ý thức phát triển kinh tế gia đình.

Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đánh giá cao cách làm sáng tạo này và đã chỉ đạo nhân rộng mô hình đến các đồn biên phòng khác trên địa bàn tỉnh.

Trước đây, chiếc loa di động của đồn biên phòng thường dùng để tuyên truyền phát thanh trong những dịp cần thiết.

Sau khi có Chỉ thị 16/CT-TTg, chiếc loa này được tận dụng thường xuyên cho mục đích tuyên truyền các thông tin phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Bắt đầu từ ngày 1/4, khi lệnh giãn cách xã hội có hiệu lực, các chiến sỹ Đồn biên phòng Ia Nan, đứng chân trên xã biên giới Ia Nan, huyện Đức Cơ (Gia Lai) đã sáng tạo ra mô hình “Tiếng loa biên phòng” để nội dung tuyên truyền đến được từng ngõ, từng nhà, từng người trên địa bàn.

Sau khi biên soạn lại các nội dung tuyên truyền cách thức phòng, chống dịch COVID-19 bằng cả hai thứ tiếng Kinh và Jrai, các chiến sỹ đồn biên phòng Ia Nan đã cột chiếc loa di động phía sau xe máy rồi đi đến tất cả tuyến đường trong xã để người dân dễ dàng tiếp nhận thông tin.

Hoạt động này diễn ra ngày 2 lần vào buổi sáng trước khi bà con đi làm rẫy và buổi chiều sau khi người dân lao động trở về.

Bà Bùi Thị Thanh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Ia Nan, huyện Đức Cơ (Gia Lai), cho biết xã Ia Nan có 9 thôn, làng với 1.925 hộ, gần 8.000 khẩu.

[Họa sỹ trẻ vẽ tranh tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19]

Trước đây, Đồn biên phòng Ia Nan đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tuyên truyền phòng, chống dịch với nhiều hình thức phong phú, linh hoạt, đa dạng, sáng tạo, kịp thời đến từng hộ gia đình, đến tận nương rẫy, như: cấp phát tờ rơi, tờ gấp, tuyên truyền qua hệ thống phát thanh của xã, tuyên truyền trực quan bằng pano, áp phích, biển bảng…

Mô hình “Tiếng loa biên phòng” mới được các cán bộ chiến sỹ Đồn Ia Nan thực hiện đã có kết quả tích cực hơn trong công tác tuyên truyền đến từng người dân, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm phòng, chống dịch cho nhân dân trên khu vực biên giới.

Trong tình hình nhân lực của các Đồn biên phòng dồn cho các chốt kiểm soát biên giới để đảm bảo an toàn công tác phòng, ngừa dịch nơi tuyến đầu, cán bộ chiến sỹ đồn biên phòng Ia Nan đã nghĩ ra cách tuyên tuyền bằng loa di động sẵn có của đơn vị để vừa tiết kiệm nhân lực, vừa đảm bảo thực hiện Chỉ thị 16/Ct-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

'Tiếng loa biên phòng' - sáng tạo trong cách tuyên truyền phòng dịch ảnh 2Chiến sỹ biên phòng chở theo thùng loa tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19 đã quen thuộc với người dân vùng biên giới. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Mô hình được Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Gia Lai đánh giá cao, biểu dương và đề nghị vận dụng phù hợp điều kiện thực tế vào các đơn vị lân cận. Nhiều đơn vị đã liên hệ học hỏi cách làm để nhân rộng mô hình, góp phần lan tỏa thông tin phòng, chống dịch đến với tất cả người dân vùng biên.

Hiện, đã có 5 Đồn biên phòng triển khai mô hình “Tiếng loa biên phòng” về đơn vị với nhiều cách làm sáng tạo, như đồn biên phòng Ia Mơ thực hiện tuyên truyền vừa bằng loa thùng di động kết hợp với loa tay.

Anh Rơ Châm Bat, làng Bua, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ (Gia Lai), cho hay sau khi nghe các thông tin tuyên truyền phát từ loa di động của bộ đội biên phòng, thời gian gần đây, bà con ý thức hơn trong việc phòng chống dịch COVID-19.

Người dân biết cách đeo khẩu trang khi ra ngoài làm việc, rửa tay thường xuyên và không còn tụ tập đông người như trước. Toàn xã đã vận động được 5 gia đình dời ngày đám cưới đến sau dịch, nhiều lễ hội thường niên cũng ngưng tổ chức để đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, mô hình “Tiếng loa biên phòng” của các Đồn biên phòng tỉnh Gia Lai là một biện pháp phù hợp với tình hình thực tế, mang lại hiệu quả trong việc nâng cao ý thức phòng chống dịch cho người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục