Tiến trình Brexit phơi bày những mâu thuẫn giữa Pháp và Đức

Những mâu thuẫn giữa Paris và Berlin không phải là điều mới mẻ, và thỏa thuận về Brexit đạt được tại hội nghị cho thấy sự vụng về vẫn luôn có chỗ trong chính sách ngoại giao của EU.
Tiến trình Brexit phơi bày những mâu thuẫn giữa Pháp và Đức ảnh 1(Nguồn: DW)

Theo Reuters, "khoảnh khắc De Gaulle" mà nhiều người từng suy đoán trước hội nghị thượng đỉnh về Brexit đêm 10/4 đã không xảy ra, song Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thực hiện đúng tinh thần của lãnh đạo Pháp thời hậu chiến bằng việc gây ảnh hưởng đối với các cuộc đàm phán của Liên minh châu Âu (EU).

Ông Macron đã không sử dụng quyền phủ quyết của mình, nhưng quyết tâm bền bỉ của ông nhằm ngăn cản việc gia hạn thêm 1 năm cho các cuộc đàm phán "ly hôn" của EU với nước Anh, vốn được đa số các lãnh đạo châu Âu ủng hộ, cũng khiến khá nhiều lãnh đạo ở Brussels bực bội, điển hình là Đức.

Điều này có thể báo hiệu một nỗ lực mới nhằm thách thức vị thế thủ lĩnh tinh thần của bà Merkel ở châu Âu, trong bối cảnh thời gian cầm quyền của nữ thủ tướng Đức sắp kết thúc và Pháp đang ngày càng thiếu kiên nhẫn với cái mà họ coi là xu hướng trì hoãn của bà.

Theo giới ngoại giao, hai nhà lãnh đạo quyền lực nhất EU đã gây bất ngờ khi không thể đạt được một sự thỏa hiệp Pháp-Đức tại cuộc gặp song phương của họ ở Brussels trước khi hội nghị thượng đỉnh với các lãnh đạo EU khác bắt đầu. Vì vậy, ông Macron đã phải đơn độc trong cuộc đấu tranh nhằm thuyết phục các đồng nghiệp rằng việc trao cho Anh thêm 1 năm để thay đổi suy nghĩ là điều quá mạo hiểm với các thể chế EU, và sẽ gửi đi một thông điệp sai lệch về việc tôn trọng những lá phiếu của người dân.

Giới chức Pháp cho biết Bỉ, Luxembourg, Tây Ban Nha và Malta đều tán thành quan điểm của Macron, song một số khác lại âm thầm bày tỏ sự bất mãn với cái mà họ coi là giọng điệu kiểu Pháp. Một quan chức ngoại giao Đức nói: "Thực ra, việc ông ấy cần tập trung nhiều hơn chính là nội bộ chính trị Pháp. Có thể ông ấy coi việc đối đầu với người Đức hay khó khăn với người Anh cũng quan trọng không kém, nhưng cuối cùng nó sẽ chẳng giúp gì cho Macron."

Cuối hội nghị, một thỏa thuận mang tính đặc thù của EU nhằm kéo dài các cuộc đối thoại Brexit đến ngày 31/10 đã được hình thành. Tuy nhiên, ngay sáng hôm sau, sự bất mãn của Đức đã bùng nổ.

Nobert Roettgen, Chủ tịch ủy ban đối ngoại Quốc hội Đức và cũng là một thành viên trong đảng của bà Merkel, viết trên Twitter: "Một sự gia hạn dài hơn cho Brexit sẽ tốt hơn nhiều, nhưng Macron đã đặt chiến dịch bầu cử và những lợi ích của bản thân ông ta lên trên sự đoàn kết của châu Âu."

Không có "sự cô lập huy hoàng"

Phát biểu sau hội nghị, ông Macron cho biết ông đã sẵn sàng đứng một mình nếu điều đó có thể giúp bảo vệ được "lợi ích chung" của EU.

Ông nói: "Tôi không có gì hối tiếc vì đã làm như vậy. Tôi nghĩ trong những giai đoạn như thế này, vai trò của Pháp là nỗ lực và kiên trì với các nguyên tắc."

Trong một động thái được coi là nỗ lực nhằm giành lại vị thế thủ lĩnh tinh thần của EU, ông đã ám chỉ vai trò của Pháp trong việc xúc tiến kế hoạch thống nhất EU sau Chiến tranh Thế giới II mà không nhắc đến lá phiếu phủ quyết của Tổng thống Charles De Gaulle đối với việc Anh gia nhập EU năm 1963.

[Brexit bế tắc và 7 câu hỏi lớn cần sớm có lời giải]

Một nguồn tin ngoại giao Pháp cho biết Macron đã không hài lòng với những thỏa thuận chỉ nhằm giữ thể diện với Đức, song lại muốn thuyết phục các nước khác như là Hà Lan, Đan Mạch và Thụy Điển để có được sự ủng hộ của họ. Nguồn tin này nói: "Chúng tôi không theo đuổi một vị thế lãnh đạo đơn độc - một sự đơn độc huy hoàng nếu các bạn tạo ra - mà mong muốn một vị thế lãnh đạo có thể tập hợp được sự ủng hộ của các nước xung quanh."

Ông Macron cho rằng đường lối tránh đưa ra các quyết định cho đến tận phút cuối cùng của Merkel - điều mà Pháp cho là gây những tác động khủng khiếp trong cuộc khủng hoảng tại khu vực đồng euro - sẽ phản tác dụng đối với tiến trình Brexit.

Ông biện luận rằng các lãnh đạo EU không nên cố gắng giữ Anh ở lại - đồng nghĩa với viêc bác bỏ kết quả cuộc trưng cầu ý dân năm 2016, nhấn mạnh rằng điều này có thể gửi đi một thông điệp sai lệch với các cử tri trong các cuộc bầu cử Nghị viên châu Âu vào tháng tới, vốn đang bị các nhân tố dân túy xúi giục nhằm hất cẳng những nhà kỹ trị không được bầu lên, bất chấp mong muốn của người dân.

Một quan chức cấp cao EU cho biết đây là một đêm tồi tệ với ngành ngoại giao Pháp và Macron, người đã nỗ lực hết mình để có được một sự gia hạn ngắn, đã buộc phải thỏa hiệp. Quan chức này nói: "Ông ấy muốn thể hiện rằng tổng thống Pháp có tiếng nói mạnh mẽ. Có thể ông ấy lo sợ rằng các cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu sẽ phơi bày Pháp còn hoài nghi châu Âu hơn Anh. Dù thế nào, ông ấy cũng đã không có sự chuẩn bị tốt."

"Mối quan hệ rắc rối"

Pháp và Đức, những cựu thù đã mất đi hàng triệu sinh mạng trong các cuộc chiến tranh vào thế kỷ trước, đã cùng nhau tạo nên xương sống cho một nòng cốt thống nhất và mang tính lịch sử của Liên minh châu Âu và mối quan hệ này vẫn rất quan trọng đối với tương lai của khối.

Tổng thống Pháp cần sự hỗ trợ của Berlin nếu ông muốn duy trì sự hợp tác sâu rộng trong các vấn đề từ quản lý biên giới và người nhập cư cho đến chính sách quốc phòng và tài chính của châu Âu.

Trong bối cảnh quyền lực của bà Merkel đang giảm sút do bà sắp mãn nhiệm, bản thân ông Macron cũng trải qua nhiều tháng lo toan về các cuộc biểu tình "áo vàng" nhằm phản đối các chính sách kinh tế của ông, và châu Âu thì đang đau đầu với Brexit, động lực cho sự cải cách mà Macron đang tìm kiếm đã mất đi.

Thêm vào đó, Paris và Berlin cũng đang mâu thuẫn trong hàng loạt vấn đề khác.

Charles Grant, giám đốc Trung tâm Cải cách châu Âu, nhận định: "Mối quan hệ Pháp-Đức đang rơi vào một giai đoạn hỗn loạn."

Ông liệt kê những bất đồng trong các vấn đề cải cách khu vực đồng euro, mối quan hệ với Mỹ, chính sách quốc phòng EU và các quy định về thuế trong nền kinh tế kỹ thuật số.

Ông nói: "Rộng hơn, Pháp muốn châu Âu mạnh mẽ và vì vậy tin là khối này cần cải cách triệt để. Đức thì lại khá hài lòng với cách mà EU đang hoạt động hiện nay."

Thực tế, những mâu thuẫn giữa Paris và Berlin không phải là điều mới mẻ, và thỏa thuận về Brexit đạt được tại hội nghị cho thấy sự vụng về vẫn luôn có chỗ trong chính sách ngoại giao của EU. Quan chức EU nhấn mạnh: "Mọi thứ sẽ suôn sẻ hơn nếu Pháp và Đức đồng lòng. Sau tất cả, đó vẫn là một thỏa hiệp Pháp-Đức, theo truyền thống tốt đẹp của sự hợp tác Pháp-Đức"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục