"Tiến trình Berlin" và triển vọng gia nhập EU của các nước Tây Balkan

Hội nghị thượng đỉnh Tây Balkan lần thứ 6 tại Poznan (Ba Lan) bàn biện pháp giải quyết các vấn đề chính sách kinh tế và sự gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của khu vực Tây Balkan.
Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Nguồn: THX/TTXVN)

Hội nghị thượng đỉnh Tây Balkan lần thứ 6 vừa diễn ra trong các ngày 4-5/7 tại Poznan (Ba Lan) để bàn biện pháp giải quyết các vấn đề chính sách kinh tế và sự gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của khu vực Tây Balkan.

Tham dự hội nghị có Thủ tướng Đức Angela Merkel, người sáng lập ra sáng kiến "tiến trình Berlin," cùng các nhà lãnh đạo của Tây Balkan gồm Albania, Bosnia-Herzegovina, Kosovo, Bắc Macedonia, Montenegro, Serbia, Croatia và Slovenia, cũng như đại diện của 10 quốc gia thành viên EU.

Giới quan sát Đức nhìn nhận hội nghị thượng đỉnh lần này là một định hướng cho chính sách của Tây Balkan trong 5 năm tới. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng hội nghị như là một phần của “Tiến trình Berlin” nhưng không có đột phá.

Những khó khăn trong khu vực

Trong một thông điệp gửi tới Hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Merkel mô tả con đường gia nhập EU của các quốc gia Tây Balkan "có rất nhiều căng thẳng phải vượt qua và vô số điều kiện vẫn phải được đáp ứng để tất cả các quốc gia ở Tây Balkan có thể đáp ứng các yêu cầu gia nhập EU."

[Đức kêu gọi mở đường cho các nước Tây Balkan gia nhập EU]

Trước hết, cuộc xung đột giữa Serbia và Kosovo đang là một gánh nặng đối với tiến trình hội nhập. Cho đến nay, có thể thấy sáng kiến Merkel-Macron tháng 4/2019 nhằm giải quyết cuộc xung đột này đã không mang lại kết quả.

Một cuộc họp cấp cao tại Paris dự kiến diễn ra vào ngày 1/7 vừa qua đã bị hoãn lại vì Kosovo không sẵn sàng nâng mức phí bảo hiểm 100% cho các sản phẩm của Serbia.

Điều này nhằm đáp trả chính sách ngoại giao của Chính phủ Serbia - chống lại tư cách thành viên của Kosovo trong các tổ chức quốc tế như Interpol hay UNESCO.

Trong khi đó, sáng kiến "Tiến trình Berlin" cố gắng tập trung vào sự hợp tác thiết thực giữa 6 quốc gia Tây Balkan và EU.

Hai bên xây dựng và triển khai các dự án với chủ đề “kết nối” nhằm trao đổi xã hội, kinh tế và chính phủ giữa các quốc gia Tây Balkan với các nước EU.

Điển hình là dự án thành lập Văn phòng Hợp tác Thanh niên Khu vực (RYCO) có trụ sở tại Tirana.

Dự án được ra mắt tại Hội nghị Paris-Tây Balkan hồi năm 2016, và từ đó đến nay đã nhận được 1,9 triệu euro tiền quỹ dự án để thúc đẩy trao đổi thanh niên giữa hai bên.

Kết quả là hơn 1.300 quan hệ đối tác đã được tạo ra. Tuy nhiên, các dự án gần đây cũng bị ảnh hưởng bởi những căng thẳng giữa Serbia và Kosovo. Cuộc họp RYCO vào tháng 3/2019 tại Prishtina - Kosovo cũng bị hoãn lại vì Serbia từ chối gửi phái viên đến dự.

Một yếu tố quan trọng khác của "Tiến trình Berlin" là hợp tác kinh tế. Kể từ năm 2015, EU đã chi gần 700 triệu euro cho các dự án cơ sở hạ tầng và năng lượng, đồng thời cấp khoản vay 2,4 tỷ euro cho khu vực này, tạo điều kiện cho các kết nối giữa mọi người và thúc đẩy thương mại.

Một bước đột phá lớn gần đây là việc giảm phí chuyển vùng kể từ ngày 1/7. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế của Chính phủ Đức cho rằng vẫn còn một số vấn đề cần giải quyết, chẳng hạn như bãi bỏ kiểm soát hải quan kép.

Những thay đổi cần thiết

Mục đích chính của Hội nghị thượng đỉnh Tây Balkan là nhằm cung cấp cho các quốc gia trong khu vực một lộ trình tốt và hiệu quả hơn để hội nhập EU. Đức “lạc quan” về việc gia nhập EU của các nước Tây Balkan, bất chấp những nghi ngờ của Pháp.

Tại hội nghị, Thủ tướng Đức Angel Merkel cam kết với các nước Tây Balkan rằng các cuộc đàm phán gia nhập EU là vì lợi ích của khối.

Ngoài ra, bà Merkel cũng tìm cách trấn an Bắc Macedonia và Albania cũng như các quốc gia Balkan khác rằng EU có "trách nhiệm chiến lược" trong khu vực và bà "lạc quan" về việc đàm phám gia nhập, đặc biệt là liên quan đến Bắc Macedonia, chậm nhất là vào tháng 10/2019.

Tuy nhiên, những phát biểu của Thủ tướng Merkel mâu thuẫn với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi ông Macron khẳng định rằng EU cần phải cải tổ chính mình trước khi kết nạp thành viên mới.

Ông Macron cho rằng cơ chế hiện tại khiến EU đang ngày càng khó khăn trong việc ra các quyết định. 

Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier cho rằng việc giải quyết nạn tham nhũng là tiền đề để các quốc gia này gia nhập EU và đưa ra khuyến nghị mạnh mẽ về những thay đổi ở Balkan, đặc biệt đối với những quốc gia muốn gia nhập EU.

Ngoài ra, Bộ trưởng Kinh tế Đức khuyến nghị, tiến trình trở thành thành viên EU phụ thuộc vào sự thành công của các cuộc đàm phán và phát triển dân chủ ở các quốc gia Balkan.

Kể từ khi các cuộc đàm phán gia nhập EU bắt đầu vào năm 2014, EU đã lo ngại về nạn hối lộ và tham nhũng ở tất cả các quốc gia ứng cử.

Báo cáo thường niên năm 2019 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế đánh giá tình trạng tham nhũng ở các quốc gia Balkan ở mức thấp, trong đó Albania có điểm số thấp nhất trong khu vực, tiếp đến là Kosovo và Bắc Macedonia.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Kinh tế Đức nhấn mạnh những lợi thế kinh tế từ việc gia nhập EU của các quốc gia mới, nói rằng EU muốn "giúp các quốc gia khác liên kết với các tiêu chuẩn thị trường của châu Âu và từ đó mở ra cơ hội cho thị trường Đức và châu Âu."

Bộ trưởng Altmaier khẳng định: "Chúng tôi cũng sẽ có được một sự thúc đẩy kinh tế to lớn." Trao đổi thương mại giữa EU và Serbia đã tăng gấp đôi trong bốn năm qua, và tăng 130% trong thập kỷ qua.

Tương lai tiến trình hội nhập

Tuy nhiên, giới quan sát cũng nhìn nhận quan hệ kinh tế với Tây Balkan rất phiến diện. Sau 5 năm, bảng cân đối kinh tế đã cho thấy sự thất vọng.

Về mặt kinh tế, khu vực Tây Balkan có mối liên hệ chặt chẽ với EU, nhưng chỉ là một chiều. Khu vực này luôn có thâm hụt thương mại cao với EU.

Theo truyền thông Đức, 10 quốc gia thành viên EU đã thảo luận về việc kết nạp các quốc gia Tây Balkan, với kết quả đáng thất vọng.

Hội nghị thượng đỉnh Tây Balkan tại Poznam diễn ra trong bối cảnh EU đang đối mặt với một loạt vấn đề và khủng hoảng: sự hỗn loạn của Brexit; mâu thuẫn Đông-Tây; những người theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu đang phát triển; những cuộc đấu đá khốc liệt sau đàm phán cho các vị trí lãnh đạo chủ chốt sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu; và hiến pháp nội bộ của EU trong 3 thập kỷ qua rất bất lợi cho việc mở rộng khối. 

Bên cạnh đó, tình hình chính trị ở Tây Balkan ngày càng tồi tệ. Mối quan hệ giữa Serbia và Kosovo căng thẳng hơn so với một thập kỷ qua.

Albania và Bosnia-Herzegovina đang rơi vào khủng hoảng nhà nước sâu hơn bao giờ hết còn Montenegro là một chế độ chuyên chế kiên định trong ba thập kỷ. 

Trong khi đó, EU thậm chí còn “mệt mỏi” hơn so với 5 năm trước. Điều này được chứng minh qua việc Brussels phải hoãn tiến trình đàm phán gia nhập với Bắc Macedonia và Albania vào tháng 6/2019 vì những hoài nghi ở Pháp, Hà Lan và thậm chí ở Đức - nơi ủng hộ nhiều nhất đối với nỗ lực hội nhập EU ở Tây Balkan.

Giới phân tích đánh giá Berlin được hưởng lợi từ quá trình đàm phán chậm chễ, khi thu hút được các chuyên gia và chất xám từ Tây Balkan. Một trong những thành công của “Tiến trình Berlin” đối với Đức là hàng nghìn học giả và công nhân lành nghề rời khỏi khu vực Tây Balkan mỗi năm.

Hầu hết trong số họ được tuyển dụng vào Đức. Do vậy, giới chuyên gia kêu gọi định hướng lại chính sách Tây Balkan của EU, bởi EU và Tây Balkan là một thực thể địa chính trị và Tây Balkan không phải là khu vực ngoại vi của EU.

Mặc dù chính sách mở rộng khối không được như trước đây nhưng EU phải mở quỹ kết cấu và gắn kết với khu vực này.

Tây Balkan cần các khoản tài trợ và chương trình phát triển khổng lồ để chống lại sự suy giảm kinh tế và làn sóng di cư từ các quốc gia trong khu vực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục