Thông tin Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết cả nước hiện có khoảng 660 bãi chôn lấp tiếp nhận khoảng 20.200 tấn rác thải mỗi ngày. Tuy nhiên, hầu hết các bãi chôn lấp đều không có hệ thống thu gom khí, xử lý nước rỉ rác hoặc hệ thống quan trắc môi trường và quản lý kém.
Để tăng cường năng lực cho công tác quản lý chất thải rắn này, Cục Viễn thám quốc gia đang triển khai xây dựng dự án “giám sát các bãi rác thải trên toàn quốc bằng công nghệ viễn thám.”
Chỉ có 30% bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh
Theo thông tin từ Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong số 660 bãi chôn lấp, địa điểm tiếp nhận và xử lý chất thải đang tồn tại ở trên cả nước, chỉ có 30% số điểm được xếp loại là bãi chôn lấp hợp vệ sinh có lớp che phủ hàng ngày trên rác thải.
Trong thời gian qua, việc đầu tư trong công tác quản lý chất thải nói chung tại các địa phương; trong đó có đầu tư cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt nông thôn chưa được quan tâm đúng mức. Việc lựa chọn công nghệ xử lý phù hợp với điều kiện, đặc điểm kinh tế xã hội từng địa phương còn nhiều khó khăn.
Thống kê cho thấy có khoảng 71% chất thải rắn sinh hoạt vẫn chủ yếu được xử lý theo hình thức chôn lấp; trong số đó chỉ có 16% được xử lý tại các nhà máy chế biến sản xuất phân compost, 13% được xử lý bằng phương pháp đốt.
Bên cạnh đó, hầu hết các bãi chôn lấp tại các địa phương không có máy đầm nén, hệ thống thu gom khí, xử lý nước rỉ rác hoặc hệ thống quan trắc môi trường và quản lý kém. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu kinh phí đã gây ra nhiều vấn đề về môi trường, đặc biệt ở những vùng có mức phát sinh chất thải lớn và mật độ dân số cao.
Đáng chú ý là số lượng và vị trí các bãi rác thải tại một số địa phương vẫn chưa được quản lý đầy đủ. Nhiều bãi chôn lấp, bãi rác nhỏ không được che phủ còn tồn tại, trong khi tình trạng vứt rác thải bừa bãi vẫn xảy ra, khiến chất thải nhựa bị gió thổi bay khắp cánh đồng, kênh rạch, sông ngòi, trôi ra cửa biển và ra đại dương.
[Lần đầu tiên công bố hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia]
Thực tế trên cũng đã được đề cập trong “Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016-2020” vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố ngày 11/8/2021. Theo đó, phần lớn các chất thải từ đất liền tác động gián tiếp đến môi trường nước biển và hải đảo thông qua các cửa sông ven biển; mức độ gia tăng tại các cửa sông chảy qua hoặc gần các thành phố biển.
Chỉ riêng năm 2019, kết quả thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy có 74% lượng chất thải rắn của các địa phương có biển được thu gom.
Cần thông tin đầy đủ về các bãi rác
Từ thực tế nêu trên, Cục Viễn thám quốc gia đã triển khai xây dựng dự án “giám sát các bãi rác thải trên toàn quốc bằng công nghệ viễn thám” với mục tiêu đưa ra các giải pháp hữu ích nhằm tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn ở trung ương và địa phương cũng như cập nhật, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thông tin chất thải rắn của Tổng cục Môi trường.
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ông Nguyễn Quốc Khánh, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia cho biết dự án giám sát các bãi rác thải được xây dựng dựa trên công nghệ viễn thám, dữ liệu từ trạm thu ảnh viễn thám của Đài Viễn thám Trung ương có khả năng cung cấp dữ liệu lâu dài, liên tục nên công tác vận hành hệ thống và cập nhật thông tin có tính lâu dài.
Bên cạnh đó, công nghệ viễn thám có tính đa thời gian, độ phủ rộng, độ phân giải không gian tốt sẽ là công cụ hữu hiệu để giám sát các bãi rác thải trên toàn quốc.
Cũng theo ông Khánh, với đặc thù của công nghệ viễn thám là có các “dữ liệu lịch sử,” thông tin các bãi rác tại các địa phương trên cả nước sẽ được cung cấp, cập nhật từ khi hình thành, quá trình hoạt động trong quá khứ cũng như hiện tại.
Đặc biệt, dữ liệu ảnh phủ trùm toàn quốc sẽ cho phép cung cấp rất nhiều thông tin giá trị phục vụ công tác quản lý chất thải như: Nhận diện vị trí bãi rác, bãi tập kết rác thải, biến động, trạng thái về diện tích của bãi rác, các bãi chôn lấp; giám sát thực hiện quy hoạch bãi rác, bãi chôn lấp chất thải rắn nhằm cập nhật cơ sở dữ liệu quản lý chất thải rắn của quốc gia và địa phương bằng công nghệ viễn thám tại khu vực nhạy cảm với môi trường, các khu vực dân cư, đô thị…
Ngoài ra, công nghệ viễn thám cũng cho phép theo dõi diễn biến, hiện trạng bãi rác chôn lấp, bãi thải, các nhà máy, khu vực khai thác khoáng sản sau khi đóng cửa phục vụ công tác quản lý quá trình cải tạo, xử lý môi trường.
Theo ông Khánh, sau khi dự án thực hiện, việc cập nhật thông tin dữ liệu sẽ có chi phí thấp nên mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài. Dự án cũng góp phần phục vụ đắc lực cho công tác quản lý, quy hoạch bãi rác, khu xử lý, bãi chôn lấp và các khu vực nhạy cảm với môi trường.
Tuy vậy, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia cũng lưu ý để triển khai hiệu quả dự án trên, điều quan trọng là cần phải có thông tin đầy đủ từ thực địa về các bãi rác (bãi rác do ai/đơn vị nào quản lý, chứa những chất thải gì…) do Tổng cục Môi trường cũng như Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố cung cấp./.