Tiến sỹ Nguyễn Chí Công và giấc mơ bảo tàng công nghệ của Việt Nam

Đằng sau hàng trăm linh kiện, máy móc được xếp bày trong căn phòng vỏn vẹn 25 mét vuông là những câu chuyện sống động về các dấu mốc phát triển của công nghệ thông tin tại Việt Nam.
Tiến sỹ Nguyễn Chí Công vẫn luôn đau đáu về việc thành lập một bảo tàng công nghệ thông tin đầu tiên của Việt Nam. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Dù chỉ mới thành lập hơn một năm nay nhưng bảo tàng công nghệ thông tin của tiến sỹ Nguyễn Chí Công đã sưu tập được rất nhiều hiện vật quý của ngành khoa học máy tính Việt Nam cũng như thế giới. 

Và, đằng sau hàng trăm linh kiện, máy móc được xếp bày trong căn phòng vỏn vẹn 25 mét vuông ấy là những câu chuyện sống động về các dấu mốc phát triển của công nghệ thông tin tại Việt Nam được ông Công “đem khoe” với “bàn dân thiên hạ.”

Kỹ sư tuổi Sửu tham gia chế tạo máy vi tính đầu tiên của Việt Nam

Ở cái tuổi 72, tiến sỹ Nguyễn Chí Công còn rất minh mẫn. Trong câu chuyện cởi mở, ông bảo rằng niềm đam mê với ngành công nghệ thông tin trong nước vẫn chưa bao giờ ngừng lại trong hơn năm mươi năm qua. 

Trong vai trò Trưởng tiểu ban mạng của Chương trình quốc gia về công nghệ thông tin, tiến sỹ Công đã trở thành một trong những người nỗ lực đưa mạng internet vào Việt Nam và ứng dụng thành công công nghệ mạng vào nhiều lĩnh vực trong đời sống.

Cũng ít ai biết rằng vào năm 1975, khi chiếc máy vi tính đầu tiên của thế giới Altair 8800 Computer được sản xuất tại Mỹ thì vào năm 1977, Việt Nam đã chế tạo thành công chiếc máy vi tính đầu tiên mang tên VT80.

Ở tuổi 27, chàng thanh niên Nguyễn Chí Công chính là một trong các thành viên của nhóm cán bộ kỹ thuật của Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển (nay là Viện Công nghệ Thông tin thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam) đã chế tạo nên chiếc máy VT80 huyền thoại đó.

Ảnh chụp tiến sỹ Nguyễn Chí Công cùng các cộng sự của ông trong suốt thời gian làm việc. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Tiến sỹ Công cho biết quá trình thực hiện chế tạo chiếc máy tính đầu tiên của Việt Nam gặp phải khó khăn lớn nhất chính là nhận thức. Lúc ấy, người ta nghe nhưng chưa hiểu, cũng chẳng mấy ai hình dung được hết chiếc máy tính ấy sẽ hoạt động như thế nào. Chiếc máy vi tính đầu tiên sử dụng chip Intel 8080A, vì vậy có tên là VT80.

Sản phẩm VT80 được xây dựng theo kỹ thuật quấn dây điện nối các chân cắm chip, gồm bìa CPU, nhiều bìa RAM/ROM và I/O cùng các thứ lỉnh kỉnh từ bảng điều khiển đến vỏ máy, nguồn điện. VT80 không hề kém chiếc máy vi tính đầu tiên đã đi vào lịch sử thế giới năm 1975 (Altair 8800).

Chiếc máy tính đầu tiên của Việt Nam ra đời với vài chương trình cơ bản tối thiểu song lại không có phần mềm ứng dụng. Lúc đó ở Mỹ cũng mới chủ yếu dùng máy vi tính để nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, ứng dụng chưa rộng rãi. Tuy nhiên, mọi công việc đang diễn ra thuận lợi thì đất nước lại có chiến tranh biên giới khiến việc sản xuất bị ngừng lại.

Cùng với đó, thời kỳ bao cấp với nhiều khó khăn đã khiến cho ông Công cùng các đồng sự không thể phát triển tiếp được các mẫu máy tính mới. Thời kỳ đổi mới sau đó cũng đến nhưng các công ty tin học trong nước lại đi buôn máy vi tính của Phương Tây và Đông Nam Á.

Những hiện vật quý giá tại bảo tàng của tiến sỹ Công. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

“Chính vì vậy, cho đến nay Việt Nam đã không trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong sản xuất máy tính,” ông Công ngậm ngùi.

Tiến sỹ Công cũng tỏ ra buồn bã khi kể về việc không sưu tầm lại được những máy tính cỡ lớn Minsk do Liên Xô sản xuất xưa kia của các cơ quan như Viện Công nghệ Thông tin, Ủy ban Khoa học Nhà nước (nay là Bộ Khoa học Công nghệ), Trung tâm Máy tính Quân đội… do tất cả đều bị thanh lý cho đồng nát từ nhiều năm trước.

40 năm cho một "giấc mơ" bảo tàng công nghệ

Theo tiến sỹ Nguyễn Chí Công, nếu như mỗi người trong ngành đều có ý thức về lưu giữ lịch sử thì ý định sưu tầm hiện vật cho Bảo tàng công nghệ thông tin chắc chắn sẽ thành công và ý nghĩa hơn. Chính vì vậy, một giấc mơ về bảo tàng lưu giữ các hiện vật, tài liệu về công nghệ đã được nhen nhóm trong lòng ông từ rất lâu về trước.

Toàn cảnh bảo tàng công nghệ thông tin. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Theo lời kể của ông, khi học trung học ở Hà Nội xong, ông được cử sang Tiệp Khắc du học rồi gắn bó với ngành công nghệ thông tin đến bây giờ. Ngay từ khi mới về nước làm việc tại Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển (nay là Viện Công nghệ thông tin - Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam), ông đã có thói quen lưu giữ những kỷ vật, tài liệu liên quan đến công việc. Ý tưởng về việc mở bảo tàng về công nghệ thông tin cũng từ đó mà nảy sinh.

Mỗi kỷ vật đều là minh chứng cho thời kỳ lịch sử đầy sống động của Việt Nam cũng như quốc tế. Chính vì vậy những năm 1980, căn phòng nhỏ của vợ chồng ông đã chật cứng linh kiện, thiết bị, nhưng đa phần đều còn sử dụng được. Những đồ đạc ấy với ông chỉ như một thư viện nhỏ mà ông cất công gìn giữ.

Mãi sau này khi căn nhà 4 tầng được xây dựng, ý định xây dựng một bảo tàng nhỏ để lưu giữ lịch sử về ngành công nghệ thông tin Việt Nam mới được ông nhen nhóm trở lại.

Quá trình thành lập bảo tàng cũng gặp rất nhiều khó khăn. Ông đã đi thăm rất nhiều bảo tàng lớn nhỏ, cả bảo tàng tư nhân và bảo tàng các ngành nghề. Lúc đó mới thấy, để mở được bảo tàng vướng rất nhiều thủ tục.  

Rất may, bạn bè đã tư vấn rằng, mở phòng trưng bày tư nhân là cách nhanh nhất thế nên ông đã bắt tay vào việc. Tiến sỹ Công đã quyết định sử dụng căn phòng khách của gia đình rồi thiết kế thành một phòng riêng, lắp tủ kính, tạo không gian trưng bày các hiện vật.

Sau khi đăng tải trên mạng xã hội về ý tưởng bảo tàng công nghệ thông tin, tiến sỹ Công nhận được nhiều hưởng ứng, đặc biệt  từ nhiều học trò cũ cũng như các bạn bè, Việt kiều cùng một số nhà tài trợ. Rất nhiều trong số các nhà tài trợ ủng hộ thầm lặng và giấu tên. "Có một cậu người nước ngoài tình cờ đọc được thông tin về bảo tàng của tôi trước khi về nước cũng đã ghé qua tặng tôi một chiếc máy tính cổ, tôi cũng chưa kịp biết tên," tiến sỹ Nguyễn Chí Công hào hứng kể lại.

(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Dự án bảo tàng được khởi động từ cuối tháng 11/2019, mọi phương án thiết kế, thi công của nhóm kiến trúc sư vừa thực hiện Bảo tàng Báo chí Việt Nam được ông chốt với yêu cầu một tháng phải xong. Thế rồi đến giữa tháng 1/2020, một bảo tàng được hình thành với đầy đủ tủ kính, TV lớn, pano thuyết trình... để vị tiến sĩ già cặm cụi xếp từng món đồ vào theo đúng ý đồ trưng bày của mình, chờ đón những người khách đầu tiên. Việc quản lý bảo tàng hầu như đều do tiến sỹ Nguyễn Chí Công thực hiện từ thu thập, phân loại cho đến làm hướng dẫn viên. Vậy là sau gần 40 năm, giấc mơ về một bảo tàng về lịch sử Công nghệ thông tin của Việt Nam đã thành hiện thực.

Ở giai đoạn 1, bảo tàng trưng bày khoảng 300 hiện vật, sách vở và sơ đồ khái quát lịch sử hình thành và phát triển của ngành công nghệ thông tin thế giới và Việt Nam đến năm 2000.

Tiến sỹ Công cũng tiết lộ, thực tế ông đang có 1.000 hiện vật trong có những thiết bị, linh kiện từ hàng chục năm trước mà đã được sử dụng để tạo nên những “bước tiến” lớn tại Việt Nam như xây dựng mạng hay ứng dụng công nghệ chế bản điện tử (desktop publishing) vào in ấn, xuất bản.

Các hiện vật được lựa chọn trưng bày hiện tại cũng nhằm thể hiện được ba lĩnh vực phát triển của công nghệ thông tin bao gồm điện tử, tin học, viễn thông và quá trình chuyển đổi từ analog sang digital.

Không chỉ vậy, để thể hiện được lịch sử phát triển của công nghệ Việt Nam, tiến sỹ Nguyễn Chí Công đã điểm lại những dấu mốc nổi bật của công nghệ thông tin trong hai tấm bảng dành riêng cho lịch sử Việt Nam (từ 1960 - 2000) và lịch sử thế giới (từ trước công nguyên - 1995).

Tiến sỹ Nguyễn Chí Công cũng cho biết bảo tàng sẽ tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 với những hiện vật từ năm 2000 trở đi đồng thời tiến hành số hóa các tư liệu, thiết bị được trưng bày để những trải nghiệm tại bảo tàng ngày một sống động và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của công chúng.

Trong tương lai, bảo tàng của Tiến sỹ Nguyễn Chí Công sẽ được mở rộng với thêm nhiều hiện vật quý giá khác. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Bên cạnh đó, tiến sỹ Nguyễn Chí Công cũng ý định sẽ mô hình hóa 3D toàn diện tất cả hiện vật trong bảo tàng để để giúp mọi người có thể tham quan bảo tàng trên mạng mà không cần phải đến tận nơi.

Bảo tàng mở cửa tự do và du khách có nhu cầu tham quan sẽ liên hệ trước với tiến sỹ Nguyễn Chí Công tại địa chỉ số 89, ngõ 41 Đông Tác, Đống Đa, Hà Nội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục