'Tiến sỹ dạy làm giàu' sử dụng danh nghĩa công ty để huy động tiền

Mặc dù huy động tiền cho cá nhân nhưng Phạm Thanh Hải sử dụng chức danh tổng giám đốc, sử dụng con dấu công ty trong các hợp đồng, huy động các nhân viên công ty giúp Hải soạn thảo để ký hợp đồng.
'Tiến sỹ dạy làm giàu' sử dụng danh nghĩa công ty để huy động tiền ảnh 1Quang cảnh phiên tòa. (Ảnh: Kim Anh/TTXVN)

Sau 1 tuần xét xử và nghị án, dự kiến chiều 25/4, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội tuyên án phiên tòa xét xử bị cáo Phạm Thanh Hải (sinh năm 1966, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thương mại đầu tư và phát triển công nghệ quốc tế - Công ty IDT, chủ trang mạng “Học làm giàu”) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.'

Vụ án bắt nguồn từ năm 2007, Phạm Thanh Hải thành lập Công ty IDT nhưng công ty không đăng ký chức năng kinh doanh tín dụng.

Để có tiền duy trì cho hoạt động của công ty và sử dụng cho mục đích cá nhân, bị cáo Phạm Thanh Hải đã mở trang mạng “Hoclamgiau.vn."

Qua nhiều mối quan hệ, bị cáo bắt đầu huy động vốn từ năm 2008, dưới danh nghĩa huy động cho Công ty IDT. Để huy động được số tiền lớn, bị cáo Phạm Thanh Hải đã đưa ra những thông tin không đúng sự thật như: Công ty IDT đang triển khai các dự án có lãi suất cao; Hải là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty có nhiều kinh nghiệm tài chính; ký kết các hợp đồng góp vốn đầu tư theo thỏa thuận để cùng góp vốn đầu tư vào các dự án của Công ty IDT; công ty đang có dự án làm giàu từ cây macca…

Để các nhà đầu tư tin tưởng, Phạm Thanh Hải đã đưa ra mức lãi suất cho khoản tiền Công ty IDT huy động từ 30-50%/năm, là mức lãi suất cao hơn rất nhiều so với lãi suất ngân hàng, cắt lãi ngay khi nộp tiền, mặc dù số tiền huy động chưa được đưa vào hoạt động kinh doanh.

Với mong muốn huy động số tiền ngày càng lớn, Phạm Thanh Hải đã tăng lãi suất từ 40-50%/năm, khuyến khích việc mở rộng mạng lưới huy động vốn bằng cách chi từ 2-10% tiền thưởng kết nối, môi giới cho mỗi hợp đồng mới.

Các hợp đồng góp vốn của Hải ký kết dưới dạng tiền vay theo kỳ hạn từ 3 tháng đến 18 tháng, tất cả khoản tiền vay đều không có tài sản đảm bảo.

Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa xác định mặc dù huy động tiền cho cá nhân nhưng Hải sử dụng chức danh tổng giám đốc công ty, sử dụng con dấu công ty trong các hợp đồng, huy động các nhân viên công ty trong việc giúp Hải soạn thảo, thỏa thuận để ký kết hợp đồng, thu tiền của các nhà đầu tư tại trụ sở công ty.

Thực tế, việc huy động vốn của Phạm Thanh Hải không có sự bàn bạc trong Hội đồng quản trị của Công ty IDT mà Hải tự ý làm cho cá nhân Hải, tiền vay vốn có được không đưa vào tài khoản của Công ty để hạch toán như trong nội dung hợp đồng đã thỏa thuận ký kết.

Phạm Thanh Hải sử dụng tiền vốn huy động được vào việc của cá nhân Hải, thực tế là để trả tiền vay và lãi suất cho các hợp đồng đến hạn; để che đậy hành vi huy động vốn đối với các khoản vay nhiều mà chưa sử dụng, Hải đã cho các tổ chức và cá nhân vay không lấy lãi; đưa vốn cho các bạn bè thành lập các công ty mới, tiếp tục huy động vốn và trả gốc lãi cho các khoản vay đến hạn để tránh bị phát hiện.

Quá trình điều tra đã làm rõ, trong thời gian từ tháng 10/2014 đến tháng 10/2015, Hải đã thu tiền của 2.574 nhà đầu tư với 8.303 hợp đồng, tổng số tiền đã huy động theo phiếu thu là hơn 2.725 tỷ đồng. Số tiền thu được này bị Hải “vung tay” chi tiêu bừa bãi. Tổng số tiền chi lãi hợp đồng trong hạn (từ tháng 10/2014 đến tháng 10/2015) là hơn 1,1 tỷ đồng, tiền chi thưởng kết nối là hơn 40 tỷ đồng, chi phí cho hội thảo, văn phòng, du lịch... là hơn 55 tỷ đồng.

[Đề nghị phạt tù chung thân đối với 'tiến sỹ dạy làm giàu']

Phạm Thanh Hải chỉ dùng 99 tỷ đồng (tức 3,6% tổng số tiền) để góp vào 9 dự án, song cũng không phải với danh nghĩa Công ty IDT như cam kết. Cả 9 dự án này đều chưa có lợi nhuận, hoặc lợi nhuận chỉ ở mức từ 2-200 triệu đồng/năm, hoạt động không hiệu quả, không có khả năng sinh lợi nhuận cao như bị cáo Hải hứa hẹn.

Ngoài ra, Hải còn cho vay cá nhân hơn 38 tỷ đồng. Tổng số tiền mặt thu giữ tại két Công ty IDT là gần 760 triệu đồng; số tiền gửi tại các tài khoản ngân hàng (của cá nhân Hải và một số nhân viên kế toán công ty IDT) là hơn 133 tỷ đồng. Số tiền còn lại Hải chi trả tiền gốc, tiền lãi cho các hợp đồng đến hạn thanh toán (lấy tiền của người sau trả tiền cho người trước).

Trong vụ án này, bị cáo Phạm Thanh Hải đã huy động vốn và trả lãi cao. Đến nay, nhiều bị hại vẫn còn bị Hải chiếm đoạt số tiền rất lớn, như bị hại Lê Văn T. bị Hải chiếm đoạt hơn 52 tỷ đồng, bị hại Nguyễn Hồng H. bị chiếm đoạt 15 tỷ đồng...

Viện Kiểm sát nhận định việc bị cáo Hải huy động tiền cho cá nhân nhưng lại sử dụng chức danh là Tổng Giám đốc công ty, sử dụng con dấu công ty trong các hợp đồng; sau khi có tiền Hải đã sử dụng vào mục đích cá nhân trái với thỏa thuận trong hợp đồng mà không thông báo cho các nhà đầu tư biết... đủ dấu hiệu cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản." Hành vi chiếm đoạt của bị cáo Phạm Thanh Hải đã hoàn thành từ lúc nhận tiền của các bị hại.

Quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã tiến hành xác minh, ra thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và xác định có 574 nhà đầu tư là bị hại góp vốn cho Hải với tổng số tiền theo phiếu thu là hơn 664 tỷ đồng.

Hải đã chi trả lãi cho họ hơn 75 tỷ đồng. Hiện, bị cáo Hải còn chiếm đoạt hơn 588 tỷ đồng và mất khả năng thanh toán cho các nhà đầu tư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục