Tiền số: ''Con át chủ bài'' trong cuộc giành vị trí độc tôn toàn cầu?

Mạng csis đưa ra dự báo đồng tiền số sẽ là một trong 5 vấn đề chính trong nền kinh tế toàn cầu năm 2020 khi nhiều quốc gia đang có kế hoạch đưa vào lưu thông đồng tiền này.
Tiền số: ''Con át chủ bài'' trong cuộc giành vị trí độc tôn toàn cầu? ảnh 1Đồng Libra của Facebook được giới thiệu tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 26/9. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng csis.org, trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế có trụ sở ở Washington gần đây đã dự báo đồng tiền số sẽ là một trong 5 vấn đề chính của nền kinh tế cầu năm 2020, bên cạnh các vấn đề về thương  mại, cạnh tranh công nghệ, quản trị kinh tế toàn cầu và nghệ thuật quản lý kinh tế của Trung Quốc.

2020: Năm bùng nổ của đồng tiền số?

Theo csis.org, những tiến bộ về công nghệ đặt nền móng cho những bước phát triển đối với một vấn đề đáng quan tâm khác trong năm 2020 là tiền số.

Năm 2019 vừa qua, thế giới chứng kiến sự ra đời của đồng tiền điện tử Libra, vốn được Facebook đánh giá là một loại tiền tệ ổn định dựa trên công nghệ blockchain an toàn. Facebook công bố kế hoạch phát hành tiền số Libra vào năm 2020, với sự hậu thuẫn của một rổ tiền tệ giúp đồng tiền này có giá trị thực tế cao hơn so với Bitcoin hay các đồng tiền ảo khác.

Kế hoạch này khiến các chính phủ châu Âu lo ngại về các đồng tiền mới mà Facebook và nhiều công ty kỹ thuật số khác lên kế hoạch phát hành. Ngay sau đó, kế hoạch cho ra đời một đồng tiền số của EU đã được khởi xướng.

Thống đốc Ngân hàng trung ương Pháp Francois Villeroy de Galhau ngày 4/12 cho biết ngân hàng này kêu gọi các dự án nhằm phát triển một đồng tiền số từ năm 2020.

Ông De Galhau cho biết: "Chúng tôi muốn khởi động việc thử nghiệm nhanh chóng và sẽ đưa ra một lời kêu gọi các dự án trước khi kết thúc quý 1/2020."

Thống đốc De Galhau nhấn mạnh các ngân hàng trung ương thuộc Liên minh châu Âu (EU) cần tạo ra một đồng tiền kỹ thuật số trung ương (CBDC).

Sau khi ý tưởng về đồng tiền số được ECB "bật đèn xanh," Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire dự báo trong năm 2020 có thể đạt được tiến bộ về tiền điện tử, và cho rằng một đồng tiền số chung của EU sẽ là sự thay thế cho đồng Libra của Facebook cũng như các loại tiền điện tử trong các dự án riêng khác, đồng thời giúp giảm chi phí giao dịch quốc tế mà ông Le Maire đánh giá là "đang quá cao."

[Vai trò thống trị của đồng tiền kỹ thuật số trong tương lai]

Một cuộc khảo sát ẩn danh của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) vào đầu năm 2019 cho thấy hầu hết các ngân hàng trung ương toàn cầu đang tham gia nghiên cứu về lý thuyết và khái niệm của đồng tiền điện tử. Uruguay đã thực hiện một chương trình thí điểm đồng e-Peso được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khen ngợi, trong khi Ngân hàng trung ương Thụy Điển (Riksbank) đang khám phá đồng e-krona.

Cũng vào cuối năm 2019, tin tức đồng loạt loan tải rằng Trung Quốc sẽ đưa ra đồng tiền số của riêng mình vào năm 2020, ít nhất là trên cơ sở thí điểm.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã nghiên cứu về chương trình “thanh toán điện tử bằng tiền số” từ năm 2014. Động thái này không chỉ nhằm thiết lập một loại tiền tệ mới mà còn “số hóa một phần” hệ thống tiền tệ hiện nay của nước này, một bước đi có ý nghĩa đáng kể vừa thúc đẩy tính hiệu quả và thu thập dữ liệu.

Chính phủ Trung Quốc vừa thông qua luật mật mã sẽ có hiệu lực từ tháng 1/2020 để tạo điều kiện cho sự ra đời đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương nước này.

Sau 5 năm nghiên cứu, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (Ngân hàng trung ương, PBoC) đã sẵn sàng phát hành đồng tiền nhân dân tệ phiên bản điện tử (DCEP). Đồng DCEP dự kiến sẽ được thử nghiệm trước tại hai thành phố Thâm Quyến và Tô Châu.

Vẫn còn nhiều nghi ngại 

Nếu như đồng nhân dân tệ điện tử của Trung Quốc là đồng tiền có chủ quyền thì Libra lại không phải như vậy. Và cả hai loại tiền điện tử này sẽ phải mất cả một chặng đường dài để biến ý tưởng hành hiện thực.

Thành viên Ban điều hành Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Benoit Coeure cho biết các nhà quản lý tài chính toàn cầu không có kế hoạch cấm đồng Libra của Facebook hay bất cứ loại tiền điện tử nào, song các loại tiền được đảm bảo bằng tiền chính thức này phải đáp ứng các quy định quản lý chuẩn mực nhất trước khi được lưu hành.

Còn Bộ trưởng Le Maire thừa nhận sẽ mất nhiều thời gian để phát triển một đồng tiền số của EU và kêu gọi giới chức châu Âu cần làm rõ những tác động tiềm ẩn của lưu hành đồng tiền số, đặc biệt đối với các ngân hàng.

Tiền số: ''Con át chủ bài'' trong cuộc giành vị trí độc tôn toàn cầu? ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: mole.my)

Sẽ có cuộc chiến tiền số?

Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết IMF có quan điểm rất cân bằng về những lợi ích và cả nguy cơ liên quan đến vấn đề này. Dù có đề cập đến những lợi ích mà hệ thống này có thể đem lại, như các dịch vụ tài chính giá rẻ, người đứng đầu IMF cho rằng đồng Libra có nguy cơ bị lạm dụng cho những mục đích phi pháp, và vấn đề chủ quyền về tiền tệ cũng cần được hiểu và giải quyết thỏa đáng.

Theo nhận định của giới nghiên cứu, đồng tiền số có thể gây ra nhiều tác động đến chính trị, kinh tế, tài chính trên toàn thế giới bởi tiền tệ không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề về chủ quyền.

Bên cạnh đó, việc ra đời đồng tiền số cũng làm nảy sinh một số tác động đối với các ngân hàng thương mại, đối với các nền kinh tế và đối với quan hệ giao thương giữa các quốc gia trên thế giới.

Theo các chuyên gia kinh tế, lĩnh vực mới này là một hướng đi trong tương lai, là một bước nhảy vọt lớn trong cách suy nghĩ về các khoản thanh toán, không chỉ là một hệ thống thanh toán ngày càng tốt hơn, mà cả Facebook, Trung Quốc và các nước khác cũng đang hướng đến tầm nhìn về một thế giới trong 50-100 năm tới.

Sự lựa chọn công nghệ trong việc thanh toán và mạng giá trị cuối cùng sẽ quyết định cách thức mã hóa niềm tin và quy tắc của những người tham gia.

Cuộc chiến để giành vị trí độc tôn toàn cầu trong tương lai chính là về đồng tiền thanh toán.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục