Tiền mừng tuổi thuộc về cha mẹ hay thuộc về đứa trẻ nhận được?

Một nữ sinh ở Trung Quốc đâm đơn kiện cha mẹ vì họ đã giữ số tiền mừng tuổi trị giá 58.000 nhân dân tệ của cô đã làm dấy lên một cuộc tranh luận về quyền sở hữu tiền mừng tuổi.
Tiền mừng tuổi thuộc về cha mẹ hay thuộc về đứa trẻ nhận được? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: 101newsmedia.com)

Một nữ sinh ở Trung Quốc đã đâm đơn kiện cha mẹ vì họ đã giữ số tiền mừng tuổi trị giá 58.000 nhân dân tệ (khoảng hơn 200 triệu đồng) của cô sau khi ly hôn mà không hề chu cấp học phí cho cô.

Theo Sina, Tiểu Quyên sống cùng mẹ ở Vân Nam, miền Nam Trung Quốc, sau khi cha mẹ cô ly hôn.

Nhưng trong khoảng thời gian này, cha mẹ cô vẫn thường xuyên tranh cãi về quyền nuôi con và phân chia tài sản. Thậm chí, chẳng ai muốn chu cấp học phí và sinh hoạt phí cho cô.

Nhờ sự ủng hộ của bà nội, Tiểu Quyên đã đâm đơn kiện lên Tòa án thành phố An Ninh với yêu cầu cha mẹ trả lại tiền mừng tuổi để đóng học phí.

Cuối cùng, cha mẹ Tiểu Quyên cũng đồng ý chu cấp mỗi tháng 1.500 nhân dân tệ để cô trang trải học phí và sinh hoạt phí đến khi tốt nghiệp đại học.

Câu chuyện này làm dấy lên một cuộc tranh luận ở Trung Quốc về chủ đề tiền mừng tuổi thuộc về ai? Cha mẹ hay đứa trẻ của họ?

Người Trung Quốc có truyền thống mừng tuổi trong dịp Tết Nguyên đán. Tiền mừng tuổi xuất hiện từ thời Hán nhưng ban đầu chúng không phải là loại tiền lưu thông trên thị trường.

Thay vì tiền thật, người ta dùng những xâu tiền xu để xua đuổi ma quỷ. Trên mặt tiền xu khắc nhiều câu chúc và biểu tượng may mắn như hòa bình, trường thọ, tài lộc hay hình rồng, chim ưng...

Những đồng xu này buộc lại với nhau bằng sợi dây màu đỏ, sau chuyển sang bọc trong giấy đỏ rồi phong bì đỏ như phong tục ngày nay.

Tiền mừng tuổi đại diện cho những lời chúc phúc tốt đẹp mà người lớn dành cho trẻ nhỏ, như một món bùa hộ mệnh bảo vệ đứa trẻ mạnh khỏe trong suốt một năm.

Trước đây, tiền mừng tuổi do những đứa trẻ tự quản lý nhưng thời đại đó, cuộc sống khó khăn, số tiền này chỉ là một khoản tiêu vặt ít ỏi.

Nhưng cuộc sống ngày càng khấm khá, số tiền mừng tuổi cũng ngày càng nhiều lên. Vì vậy, có một sự thay đổi trong cách thức và nhận thức về việc "ứng xử" với tiền mừng tuổi.

Một số người nghĩ rằng khi con cái họ nhận tiền mừng tuổi của người khác thì họ cũng tặng lại một số tiền tương ứng, thậm chí nhiều hơn cho con của người đó. Vì vậy, tiền mừng tuổi không phải tự nhiên mà đến mà đó là sự trao đổi tài sản giữa phụ huynh nên không thể coi là tài sản của trẻ em.

Một số người lại nghĩ rằng người lớn mừng tuổi tiền cho trẻ em thì số tiền này là thuộc về trẻ em, cha mẹ không có quyền chiếm dụng. Đó là sự xâm phạm tài sản của con cái.

Vậy bản chất pháp lý của tiền mừng tuổi là gì?

Tiền mừng tuổi của trẻ là do người khác tặng vì vậy nó là "món quà" mà những đứa trẻ nhận được. Vì vậy, dĩ nhiên tài sản được tặng phải thuộc về những đứa trẻ, không thể coi là tài sản của phụ huynh.

Quà là tài sản của một người mang tặng người khác mà không phải trả lại, người nhận quà thể hiện hành vi chấp nhận món quà. Tặng tiền mừng tuổi hoàn toàn phù hợp với điều kiện tặng quà, người tặng quà là cha mẹ hoặc người thân, bạn bè trong khi đứa trẻ là người nhận. Người tặng tiền mừng tuổi đều là tự nguyện và những đứa trẻ với tư cách người nhận cũng là tự nguyện.

Nếu cho rằng tiền mừng tuổi là tài sản trao đổi của phụ huynh thì không phù hợp với thực tế pháp lý. Bởi trong quá trình phụ huynh thực hiện hành vi tặng tiền mừng tuổi cho con cái của đối phương, giữa họ không có bất kỳ đối thoại hay sự trao đổi tài sản trực tiếp. Đây là hai hành động tặng quà đồng thời, không thể coi nhẹ những đứa trẻ mà "hợp nhất" chúng thành một hành vi.

Vì vậy, về mặt pháp lý, tiền mừng tuổi là tài sản của những đứa trẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục