Tiền Giang: Xảy ra trên 50 điểm sạt lở mới từ đầu năm đến nay

Tình hình sạt lở bờ sông, rạch tại tỉnh Tiền Giang đang diễn ra ngày càng phức tạp, nghiêm trọng, đe dọa an toàn về tính mạng và tài sản của nhân dân.
Một điểm sạt lở đe dọa đếm tính mạng và tài sản một số hộ dân ở xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)

Tình hình sạt lở bờ sông, rạch tại tỉnh Tiền Giang đang diễn ra ngày càng phức tạp, nghiêm trọng, đe dọa an toàn về tính mạng và tài sản của nhân dân.

Theo ông Cao Văn Hóa, Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra trên 50 điểm sạt lở mới với tổng chiều dài 7.220m; trong đó có hàng chục điểm sạt lở nguy hiểm trên rạch Cái Bè (huyện Cái Bè), trên sông Cồ Cò (huyện Cái Bè), sông Rạch Ruộng (huyện Cái Bè)...

Điển hình điểm sạt lở ven bờ rạch Cái Bè thuộc xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, xảy ra vào cuối tháng 6/2017, với chiều dài đoạn sạt lở 32m, ăn sâu vào đất liền hàng chục mét làm mất một đoạn đường giao thông nông thôn, đe dọa sự an toàn về tính mạng và tài sản của hai hộ dân ấp An Thạnh, xã Đông Hòa Hiệp.

Khu vực bờ sông Cổ Cò thuộc địa bàn ấp Thái Hòa, xã An Thái Đông, huyện Cái Bè, cũng có nhiều điểm sạt lở, trong đó nguy hiểm nhất là điểm sạt lở gần chợ Cổ Cò. Điểm sạt lở này dài hơn chục m, ăn sâu vào đất liền, đe dọa đường giao thông nông thôn và nhà của ba hộ dân ven đường.

Theo ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang, tình hình sạt lở bờ sông, rạch trên địa bàn ngày càng phức tạp, nguyên nhân do tỉnh nằm ở hạ lưu sông Tiền, có mạng lưới sông ngòi kênh rạch chằng chịt, nền đất yếu. Bên cạnh đó, lượng phù sa và bùn cát từ thượng nguồn đổ về đang có xu hướng giảm mạnh; sự biến đổi dòng chảy...

Tỉnh đang đầu tư 16,9 tỷ đồng xử lý 18 điểm sạt lở lớn; các điểm sạt lở nhỏ giao cấp huyện, xã xử lý. Tỉnh đang kiến nghị Trung ương hỗ trợ khẩn cấp 491 tỷ đồng xử lý bảy điểm sạt lở nguy hiểm và quy mô lớn, địa phương khó đầu tư khắc phục được, nhằm bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản của nhân dân.

Ông Nguyễn Thiện Pháp cũng cho biết địa phương đề ra nhiều giải pháp từ phi công trình đến giải pháp công trình nhằm khắc phục và phòng chống sạt lở. Về giải pháp phi công trình, tỉnh coi trọng tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng về trách nhiệm phòng chống sạt lở; trồng cây chắn sóng, chắn gió; nuôi lục bình gây bồi chống sạt lở.

Đối với những điểm sạt lở lớn cần có các giải pháp công trình như đầu tư thi công, xử lý, di dời dân và cơ sở hạ tầng nông thôn khỏi vùng có nguy cơ sạt lở./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục