Trong những ngày qua, mưa dông, triều cường đã gây sạt lở nặng trên nhiều tuyến sông, rạch của huyện Cai Lậy như sông Ba Rày, sông Phú An... khiến đường giao thông bị chia cắt, việc đi lại và giao thương gián đoạn, đe dọa sản xuất và đời sống của người dân.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phú An Lý Thái Trường, vào khoảng 1 giờ ngày 15/7, một đoạn đường Tây sông Phú An dài hàng trăm mét thuộc địa bàn ấp 6 bất ngờ sạt lở toàn bộ xuống sông kéo theo đường dây điện, đường ống dẫn nước dân sinh.
Giao thông qua đoạn đường này tạm thời bị cắt đứt hoàn toàn. Các nhà dân nằm kề bên đường tiếp tục có dấu hiệu sụt lún, nguy hiểm, cần có biện pháp khẩn trương xử lý để bảo vệ an toàn về tính mạng và tài sản cho người dân.
[Liên tiếp xảy ra 3 vụ sạt lở bờ sông tại các địa phương của Đồng Tháp]
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh và đại điện các ngành chức năng đã trực tiếp đến hiện trường khảo sát; đồng thời, triển khai phương án, biện pháp xử lý, khắc phục cần thiết, giảm nhẹ thiên tai.
Ông Lý Thái Trường cho biết thêm trên tuyến sông Phú An qua địa bàn xã Phú An hiện còn 4 điểm sạt lở nặng, tổng chiều dài gần 300m, cần được tỉnh và huyện Cai Lậy hỗ trợ khắc phục.
Ngoài ra, sông Ba Rày (đoạn chảy qua địa phận xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy) cũng là một trong những tuyến sông thường xuyên xảy ra sạt lở với nhiều vụ hết sức nghiêm trọng.
Cụ thể, vào lúc 2 giờ, ngày 3/7, đã xảy ra sạt lở nghiêm trọng một đoạn trên tuyến huyện lộ 54B (thuộc ấp Hội Trí, xã Hội Xuân).
Toàn bộ đoạn đường có chiều dài 25m phía bờ Đông sông Ba Rày bị sạt lở xuống sông. Đường huyện 54B bị cắt đứt, giao thông gián đoạn hoàn toàn ở khu vực này.
Ông Nguyễn Văn Thật (ấp Hội Trí, xã Hội Xuân) cho biết: "Người dân rất mong cấp thẩm quyền xem xét, nhanh chóng khắc phục điểm sạt lở trên để đường huyện 54B được khôi phục, việc đi lại, giao thương của bà con được thuận lợi."
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cai Lậy, trên địa bàn huyện hiện còn 24 điểm sạt lở với tổng chiều dài gần 800m.
Trước mắt, tỉnh đã có kế hoạch hỗ trợ kinh phí xử lý 3 điểm với tổng chiều dài 115m; huyện cân đối kinh phí xử lý 14 điểm; 4 điểm tiếp tục kiến nghị tỉnh xem xét hỗ trợ xử lý; giao Ủy ban Nhân dân các xã tự gia cố xử lý 3 điểm còn lại.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 67 điểm sạt lở với chiều dài khoảng 11.000m, kinh phí xử lý hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, riêng huyện Cai Lậy có hàng chục điểm sạt lở phát sinh mới với tổng chiều dài trên 300m.
Trước tình hình trên, Sở đã phối hợp với Sở Tài chính trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt chủ trương xử lý 35 điểm sạt lở với tổng chiều dài 9.102m, kinh phí trên 45,5 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh.
Đối với các điểm sạt lở còn, đơn vị đang phối hợp với các cấp, ngành và địa phương trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt chủ trương hỗ trợ kinh phí triển khai./.