Tiền Giang: Trên 730 tỷ đồng thực hiện 4 công trình giao thông trọng điểm

Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Tiền Giang đã giải ngân gần 662 tỷ đồng vốn được phân bổ trong năm cho nhà thầu thi công các công trình, đạt gần 90% tổng nguồn vốn.

Thi công cầu Tân Phong. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)
Thi công cầu Tân Phong. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Nhằm cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1762/QĐ-TTg ngày 31/12/2023, góp phần tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương, trong năm 2024, Tiền Giang đầu tư trên 736 tỷ đồng triển khai thực hiện 4 công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn.

Bốn công trình bao gồm: tuyến đường giao thông phục vụ phát triển công nghiệp phía Đông; nâng cấp và mở rộng các tuyến đường tỉnh 861, 863, 869 kết nối tỉnh Tiền Giang với tỉnh Đồng Tháp; tuyến đường dọc sông Tiền giai đoạn 1 và cầu Tân Phong kết nối xã cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy) với hệ thống giao thông trong tỉnh và liên tỉnh.

Theo ông Trần Minh Trung - Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Tiền Giang, tính đến giữa tháng 9/2024, Ban đã giải ngân được gần 662 tỷ đồng vốn được phân bổ trong năm cho nhà thầu thi công các công trình, đạt gần 90% tổng nguồn vốn.

Dự kiến cuối năm, tỉnh sẽ hoàn thành giải ngân 100% nguồn vốn đầu tư cho các công trình giao thông trọng điểm kể trên.

Đây là nỗ lực của Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Tiền Giang trong việc giải ngân nhanh nguồn vốn đầu tư, giúp nhà thầu tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Để giải ngân nhanh nguồn vốn đầu tư đảm bảo theo kế hoạch đề ra, ngay từ đầu năm, Ban phối hợp chặt chẽ cùng các đơn vị liên quan khẩn trương lập hồ sơ, trình thẩm định và trình phê duyệt hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc hồ sơ báo cáo kinh tế-kỹ thuật; chuẩn bị sẵn sàng và chu đáo hồ sơ lựa chọn nhà thầu tư vấn thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở để khi có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được duyệt là triển khai ngay nhằm rút ngắn thời gian thực hiện…

Bên cạnh đó, đơn vị bố trí nhân sự giám sát thi công, quản lý dự án đáp ứng yêu cầu năng lực và kinh nghiệm thường xuyên có mặt, bám sát công trường nhằm phối hợp hỗ trợ các nhà thầu thi công kịp thời tháo gỡ vướng mắc giúp đảm bảo tiến độ.

Mặt khác, khối lượng thi công hoàn thành đến đâu thì kiểm tra nghiệm thu ngay đến đó theo đúng quy định và lập hồ sơ thanh toán khẩn trương, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ giải ngân cũng như giảm bớt áp lực khó khăn về tài chính trong tình hình hiện nay cho đơn vị thi công.

Theo ông Trần Minh Trung, các công trình giao thông triển khai thực hiện trong năm 2024 đều đảm bảo đạt và vượt tiến độ theo kế hoạch đề ra.

Dự kiến, đến cuối năm 2024, sẽ có 2 công trình giao thông được hoàn thành và đưa vào khai thác phục vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương, thiết thực lập thành tích chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Đó là tuyến đường giao thông phục vụ phát triển công nghiệp phía Đông và đường dọc sông Tiền giai đoạn 1./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục