Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết đến cuối tháng Năm, Tiền Giang đã thu hoạch an toàn, thắng lợi vụ lúa Đông Xuân 2023-2024, cung cấp đủ nước tưới cho trên 84.000ha vườn cây ăn quả và trồng gần 22.000ha rau màu những địa bàn khó khăn.
Cụ thể, vụ Đông Xuân, nông dân đạt năng suất bình quân 70,6 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha so vụ Đông Xuân năm trước, sản lượng trên 317.000 tấn.
Toàn bộ lượng lúa hàng hóa đã được thương lái thu mua với giá cao hơn từ 1.300-2.200 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Nông dân lãi ròng khoảng 43,6 triệu đồng/ha, tăng hơn 10,7 triệu đồng so với vụ Đông Xuân năm trước.
Đến cuối tháng 5/2024, bà con cũng thu hoạch gần 612.000 tấn trái cây các loại, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Giá bán trái cây đều tăng hơn từ 5.000-10.000 đồng/kg so cùng kỳ năm trước, giúp thu nhập nông dân tăng thêm từ 10-27 triệu đồng/ha tùy theo chủng loại.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn đánh giá năm 2024, tuy mùa khô diễn biến phức tạp, hạn hán và xâm nhập mặn khốc liệt nhưng không gây nhiều thiệt hại cho sản xuất nhờ địa phương chủ động triển khai ứng phó từ sớm, từ xa với những giải pháp hiệu quả, phù hợp từng vùng sản xuất.
Tại vùng dự án ngọt hóa Gò Công phía Đông tỉnh, rút kinh nghiệm những năm trước, địa phương chủ động không sản xuất vụ Thu Đông 2023, tổ chức lấy ngọt trữ trong nội đồng qua cống đầu mối Xuân Hòa ngay từ đầu mùa khô 2023-2024, khuyến cáo nông dân chuyển đổi cây trồng tại những địa bàn khó khăn nhằm đảm bảo vụ lúa Đông Xuân ăn chắc, giảm nhẹ thiên tai.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang phân bố lịch thời vụ hợp lý cho từng vùng, tiểu vùng theo hướng né hạn mặn gây hại lúc cuối vụ sản xuất, tạo điều kiện phân bố hợp lý thời vụ cho các vụ sản xuất kế tiếp trong năm.
Mặt khác, ngành chức năng khuyến cáo nông dân sử dụng phổ biến các giống lúa thơm và lúa chất lượng cao, chịu hạn và chịu mặn tốt như: VD 20, OM 6976, OM 7347, Nàng Hoa 9, OM 5451…
Mặt khác, tăng cường tập huấn nông dân những biện pháp chăm sóc cây trồng trong mùa khô hạn, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, thâm canh; tiết kiệm nước...
Thực hiện phương án của tỉnh, hơn 8.800ha trong vùng dự án ngọt hóa Gò Công, chủ yếu tại huyện ven biển Gò Công Đông đã cắt không sản xuất vụ Thu Đông 2023 và chuyển sang canh tác vụ Đông Xuân sớm, giúp tiết kiệm nước tưới tiêu vừa né được hạn mặn trong mùa khô 2023-2024.
Đầu mùa khô 2023-2024, Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các địa phương củng cố hệ thống đê bao ngăn mặn và triều cường cho từng tiểu vùng sản xuất, không để ảnh hưởng đến trà lúa, chủ động ra quân làm thủy lợi nội đồng, khai thông dòng chảy, dẫn nước tưới tiêu.
Các địa phương vùng phía Đông khẩn trương nạo vét 70 tuyến kênh rạch nội đồng có tổng chiều dài trên 143.000m, khối lượng đất đào đắp gần 4,2 triệu m3 đất với kinh phí khoảng 23 tỷ đồng.
Phó Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang Đỗ Thành Sơn cho biết đơn vị thường xuyên quan trắc, theo dõi, cập nhật diễn biến độ mặn trên sông Tiền, sông Vàm Cỏ để có biện pháp ứng phó kịp thời.
Tại cống đầu mối Xuân Hòa, công ty tập trung lực lượng trực quan trắc mặn 24/24h và tổ chức lấy nước phục vụ sản xuất khi có điều kiện (lấy gạn) nhằm nâng cao mực nước trên các kênh trục chính đảm bảo tưới tiêu vừa hạn chế tình trạng sạt lở bờ kênh rạch do mực nước đồng xuống thấp.
Nhờ vậy, trong các tháng cao điểm mùa khô, nguồn nước sản xuất vùng dự án ngọt hóa Gò Công vẫn bảo đảm, tạo tiền đề cho nông dân giành một vụ bội thu.
Đối với trên 84.000ha cây ăn quả; trong đó có gần 22.000ha sầu riêng xuất khẩu ở các huyện, thị phía Tây có giá trị kinh tế cao, Tiền Giang quan tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp công trình và phi công trình bảo đảm chống hạn hán và triều cường, chống xâm nhập mặn.
Tiền Giang đầu tư 580,4 tỷ đồng làm 6 cống ngăn mặn tại đầu các kênh rạch thông ra sông Tiền trên đường tỉnh 864: Rạch Gầm, Phú Phong, Mù U, Cây Còng, Hai Tân, Cái Sơn, đồng thời Trung ương hỗ trợ đầu tư 582 tỷ đồng làm cống âu Nguyễn Tấn Thành ngăn mặn tại đầu kênh Nguyễn Tấn Thành.
Ngoài ra, các huyện, thị còn đầu tư 20,5 tỷ đồng nạo vét 144 tuyến kênh nội đồng phục vụ sản xuất. Các công trình thủy lợi kể trên đã phát huy tốt hiệu quả ngăn mặn, trữ ngọt, bảo vệ vùng trồng cây ăn quả đặc sản phía Tây.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang khuyến khích nông dân các vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản xử lý rải vụ trên 4.750ha cây ăn quả ở những địa bàn khó khăn. Mục đích là tránh thời điểm cây ra quả lại bị ảnh hưởng thiên tai, sẽ suy kiệt và thiệt hại.
Nhiều mô hình mới, cách làm hay thiết thực giải quyết nguồn nước bơm tưới, chống hạn cho vườn sầu riêng trước nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn được nông dân áp dụng rộng rãi.
Điển hình như mô hình tưới nhỏ giọt tại vườn ông Ngô Tấn Trung, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy. Đầu mùa khô 2023-2024, ông quan tâm nạo vét ao mương vườn trữ ngọt chống hạn, sử dụng rơm rạ và cỏ rác đậy mặt líp giữ ẩm, đồng thời lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt vừa tiết kiệm được nguồn nước ngọt quý giá phục vụ sản xuất, giúp chống hạn hiệu quả cho cây trồng.
Ông Ngô Tấn Trung khẳng định với kinh nghiệm ứng phó trong mùa khô 2023-2024, tương lai, nông dân Tiền Giang không còn phải lo lắng hạn mặn gây hại cho vườn cây ăn quả đặc sản hàng năm như trước.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang, ước tính, gần 100% diện tích sầu riêng chuyên canh đang áp dụng các mô hình tưới tiết kiệm nước, tưới nhỏ giọt kết hợp ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình chăm sóc trước, trong hạn mặn và chăm sóc phục hồi sau hạn mặn; dùng rơm rạ tủ gốc sầu riêng giữ ẩm và sử dụng phân hữu cơ nâng độ phì nhiêu cho đất canh tác… nên không bị thiệt hại do thiên tai.
Đến cuối tháng 5/2024, tại Tiền Giang, mùa khô đã chấm dứt, mùa mưa chính thức bắt đầu trong niềm mong đợi chung của người dân. Các cống ngăn mặn tại đầu các kênh rạch thông ra sông Tiền trên đường tỉnh 864 không phải đóng ngăn mặn mà vận hành tự do đưa nước ngọt vào tưới mát các khu vườn sầu riêng, vườn bưởi, sapôchê đang đơm trái ở các huyện Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành… phía Tây tỉnh.
Còn trong vùng dự án ngọt hóa Gò Công, các cống trên toàn hệ thống đang vào giai đoạn vận hành xổ xả, cải tạo môi trường, lấy ngọt phục vụ sản xuất vụ Hè Thu 2024 sắp tới.
Bà con trong tỉnh bắt tay vào vụ sản xuất mới với niềm tin mới về thích ứng để phát triển bền vững. Đặc biệt, bài học về phòng chống phòng, chống hạn mặn từ sớm, từ xa thông qua những giải pháp phù hợp, hiệu quả sẽ được địa phương đúc kết, ứng phó trong tương lai, trước thực tế biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp tại Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Tiền Giang nói riêng./.
Tiền Giang: Hỗ trợ nước sinh hoạt cho nhân dân vùng thiên tai xâm nhập mặn
Trong giai đoạn 2023-2025 và sau năm 2025, tỉnh triển khai đầu tư 1.752 tỷ đồng thực hiện 18 công trình cấp nước nông thôn, 11 công trình của dự án đầu tư mạng lưới cấp nước thứ cấp phục vụ sinh hoạt.