Tiền Giang quan tâm, hỗ trợ người lao động bị mất việc làm

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang, hiện có 19 doanh nghiệp, hợp tác xã với 10.869 công nhân, lao động dự kiến thực hiện giảm giờ làm, cắt giảm lao động.
Tiền Giang quan tâm, hỗ trợ người lao động bị mất việc làm ảnh 1Người lao động đăng ký tìm việc làm. (Nguồn: TTXVN)

Trước tình hình một số công ty đang hoạt động ở các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh cắt giảm đơn hàng, dẫn đến phải cắt giảm lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang phối hợp với ngành chức năng theo dõi chặt chẽ, kịp thời nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp để có giải pháp hỗ trợ người lao động bị mất việc.

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang, qua nắm tình hình từ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, công đoàn cơ sở các doanh nghiệp, cũng như ngành chức năng, hiện có 19 doanh nghiệp, hợp tác xã với 10.869 công nhân, lao động thực hiện và dự kiến giảm giờ làm, cắt giảm lao động.

Trong số đó, có 6 doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài ở lĩnh vực dệt may, giày da, sản xuất sản phẩm từ gỗ, chế biến thủy sản…

Cụ thể, có 12 doanh nghiệp với 2.509 công nhân, lao động thực hiện giảm giờ làm; 7 doanh nghiệp với 838 công nhân, lao động dự kiến giảm giờ làm; 7 doanh nghiệp với 679 công nhân, lao động chấm dứt hợp đồng lao động; 2 doanh nghiệp với 74 công nhân, lao động dự kiến chấm dứt hợp đồng lao động.

Hình thức giải quyết của doanh nghiệp là cho người lao động nghỉ phép năm, thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động không lương hoặc cho hưởng lương cơ bản; chấm dứt hợp đồng lao động nhưng cho người lao động hưởng 1 hoặc 2 tháng lương cơ bản tùy theo thâm niên làm việc.

[Doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất, hàng vạn lao động mất việc trước Tết]

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hansae Tiền Giang (Khu công nghiệp Tân Hương, huyện Châu Thành) chuyên lĩnh vực may mặc, có khoảng 6.000 công nhân. Đầu năm 2022, công ty có nhu cầu tuyển dụng 500 công nhân may.

Tuy nhiên, đến cuối năm, do không có đơn hàng, công ty có phương án cho công nhân tự nguyện đăng ký xin nghỉ việc theo nhu cầu. Đến nay, số lượng công nhân của công ty giảm đáng kể, chỉ còn 4.000 người.

Ông Lê Minh Hùng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang cho biết, Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo công đoàn cấp trên cơ sở, công đoàn cơ sở doanh nghiệp thường xuyên theo dõi, kịp thời báo cáo tình hình cắt giảm, chấm dứt hợp đồng lao động và phương án thực hiện của doanh nghiệp.

Đơn vị đã chỉ đạo công đoàn cơ sở doanh nghiệp tham gia cùng với người sử dụng lao động tìm giải pháp khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất; góp ý phương án cắt, giảm lao động như giảm giờ làm, tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng lao động đúng quy định pháp luật, đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người lao động an tâm lao động, sản xuất, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp; giới thiệu cho người lao động bị tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng lao động tìm việc tại doanh nghiệp đang tuyển dụng lao động.

Bên cạnh đó, Liên đoàn tăng cường công tác phối hợp với ngành chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật lao động, nhất là việc tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng lao động... của người lao động tại doanh nghiệp.

Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh có văn bản yêu cầu doanh nghiệp trong khu công nghiệp gửi báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh; lương, thưởng Tết cho người lao động; kế hoạch cắt, giảm số đông lao động trước khi triển khai thực hiện.

Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang Lê Minh Hùng, nhằm giúp công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị giảm hoặc mất việc làm dịp Tết Nguyên đán 2023, đơn vị xây dựng, triển khai Kế hoạch tổ chức hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Liên đoàn Lao động các cấp phối hợp cùng doanh nghiệp, chính quyền địa phương tổ chức nhiều hoạt động như “Chương trình đón Tết cùng Công nhân, mừng Đảng, mừng Xuân, Tết sum vầy-Xuân gắn kết” tại khu, cụm công nghiệp; “Chợ Tết Công đoàn năm 2023"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục