Tiền Giang: Phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả để xuất khẩu

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang, đến nay, tỉnh đã cấp được 271 mã số, với 20.050ha vườn cây ăn quả; trong đó 175 mã số với gần 19.000 của 7 chủng loại cây trồng.
Thu hoạch sầu riêng ở ấp Tân Đông, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Nằm ở khu vực sông Tiền, có lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, nguồn nước phát triển tiềm năng kinh tế vườn, Tiền Giang đã mở rộng diện tích vườn cây ăn quả các loại lên trên 82.000ha, cho sản lượng mỗi năm trên 1,74 triệu tấn quả cung ứng thị trường trong và ngoài nước.

Hiện nay, tỉnh đã hình thành được những vùng sản xuất chuyên canh tập trung như vùng sầu riêng có 17.650 a, cho sản lượng mỗi năm trên 278.000 tấn quả; vùng thanh long 8.900ha, cho sản lượng trên 260.000 tấn; vùng bưởi 4.730ha với trên 86.000 tấn; dứa có 14.460ha với trên 250.000 tấn….

Các loại trái cây chủ lực của tỉnh đều là nguồn nông sản hàng hóa có giá trị xuất khẩu cao. Ước tính, khoảng 70% sản lượng trái cây tươi Tiền Giang xuất khẩu qua Trung Quốc.

Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang, địa phương định hướng phát triển cây ăn trái thành ngành hàng chiến lược hướng đến xuất khẩu, nâng cao giá trị tăng thêm, giúp đổi mới nông nghiệp-nông thôn-nông dân và xây dựng thành công nông thôn mới trên địa bàn.

Theo đó, Tiền Giang ưu tiên phát triển các nhóm cây ăn trái có lợi thế cạnh tranh, nhu cầu tiêu dùng lớn, đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong ngoài nước như thanh long Chợ Gạo, dứa Tân Phước, sầu riêng Ngũ Hiệp, xoài cát Hòa Lộc,… theo hướng hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh mang tính hàng hóa giá trị cao.

[Tiền Giang: Khuyến khích dân trồng hoa màu thích ứng biến đổi khí hậu]

Trước mắt, tỉnh tập trung củng cố, nâng chất các vùng trồng cây ăn trái đặc sản: sầu riêng, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa lò rèn Vĩnh Kim… phía Nam Quốc lộ 1; đồng thời từng bước chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả khu vực giữa Quốc lộ 1 và cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận sang trồng chuyên canh cây ăn quả.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh phối hợp cùng các ngành hữu quan tập trung đẩy mạnh khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật thâm canh, hướng nông dân vùng chuyên canh cây ăn quả vào phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số gắn với phát triển kinh tế tập thể, sản xuất theo tiêu chí an toàn VietGAP hoặc GlobalGAP…. Từ đó hình thành các hợp tác xã liên kết doanh nghiệp theo mô hình chuỗi giá trị giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa có giá trị xuất khẩu.

Thống kê cho thấy, Tiền Giang hiện có 54 hợp tác xã thu hút gần 19.000 thành viên, 23 tổ hợp tác với gần 1.000 thành viên hoạt động trên lĩnh vực chuyên canh cây ăn quả đặc sản của địa phương. Các hợp tác xã trên đi đầu trong việc tập hợp nông dân, chuyển giao quy trình canh tác an toàn, truy xuất nguồn gốc theo hướng GAP liên kết sản xuất-tiêu thụ-xuất khẩu trái cây với các doanh nghiệp trong ngoài tỉnh.

Đồng thời, các hợp tác xã, tổ hợp tác trên lĩnh vực chuyên canh cây ăn quả còn liên kết doanh nghiệp, các siêu thị, các đối tác tại các chợ đầu mối phục vụ thị trường trong nước hoặc xuất khẩu. Nổi bật có các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lợi A (Cái Bè), Hợp tác xã Vĩnh Kim (Châu Thành), Hợp tác xã sầu riêng Ngũ Hiệp (Cai Lậy)…

Nổi tiếng với thương hiệu thanh long Chợ Gạo, huyện Chợ Gạo xây dựng vùng chuyên canh thanh long lớn nhất tỉnh, diện tích trên 7.000ha. Trong số đó, có 5.640ha đang cho thu hoạch, sản lượng mỗi năm khoảng 190.000 tấn trái.

Gần đây, thực hiện mục tiêu chuyển đổi sản xuất, huyện Chợ Gạo còn trồng thêm hàng ngàn ha bưởi da xanh, tập trung ở 4 xã: Lương Hòa Lạc, Thanh Bình, Song Bình và Long Bình Điền. Trong số đó, có 770ha đang cho thu hoạch, sản lượng trên 17.700 tấn quả.

Tham quan vườn thanh long ở xã Kiểng Phước, Gò Công Đông. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Để phát triển bền vững tiềm năng vườn cây ăn quả đặc sản, Chợ Gạo định hình các vùng sản xuất chuyên canh tập trung nhằm tạo nguồn nông sản hàng hóa tham gia thị trường. Đồng thời, tăng cường chuyển giao kỹ thuật thâm canh, đặc biệt là tổ chức thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP) trên cây ăn quả gắn với phát triển các hợp tác xã kiểu mới kết nối cung cầu thị trường theo mô hình chuỗi giá trị.

Đến nay, toàn huyện Chợ Gạo đã có 2.200ha thanh long được công nhận đạt tiêu chí VietGAP, GlobalGAP. Địa phương đang tiếp tục tập huấn, hướng dẫn thêm gần 1.300 nông hộ vùng chuyên canh thanh long sản xuất theo quy trình GlobalGAP trên tổng diện tích 664ha.

Tiền Giang đang triển khai nhiều đề tài, dự án nghiên cứu khoa học công nghệ nhằm nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng trái cây đặc sản có lợi thế cạnh tranh của địa phương như Đề án “Phát triển cây sầu riêng tỉnh Tiền Giang đến năm 2025,” Dự án xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sầu riêng tỉnh Tiền Giang năm 2022, Dự án chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ xoài cát Hòa Lộc trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030, Đề án “Phát triển cây thanh long tỉnh Tiền Giang đến năm 2025”…

Gần đây, nắm bắt cơ hội nhiều chủng loại trái cây chủ lực Việt Nam được chấp nhận xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, Tiền Giang tăng cường tuyên truyền, tập huấn, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, cá nhân lập hồ sơ để được cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu chính ngạch trái cây đặc sản địa phương.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, đến nay, toàn tỉnh đã cấp được 271 mã số, với 20.050ha vườn cây ăn quả. Trong số đó, có 175 mã số với gần 19.000 của 7 chủng loại cây trồng gồm mít, thanh long, xoài, dưa hấu, chôm chôm, nhãn, sầu riêng được cấp xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Hiện nay, tỉnh còn 204 hồ sơ với gần 8.900ha vườn sầu riêng đang chờ cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đây là bước đi tích cực của địa phương nhằm phát triển bền vững các vùng chuyên canh cây ăn quả xuất khẩu trong thời kỳ mới.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam, thực hiện mục tiêu chuyển đổi sản xuất, đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, thích ứng biến đổi khí hậu, tính đến đầu tháng Sáu này, nông dân Tiền Giang đã trồng gần 28.000ha rau màu thực phẩm các loại, đạt khoảng 48% chỉ tiêu cả năm.

Trong số đó, diện tích rau màu thực phẩm đưa xuống luân canh trên những địa bàn khó khăn, ven biển đạt trên 1.800ha. Trước mắt, bà con đã thu hoạch gần 23.000ha với sản lượng trên 496.000 tấn rau màu thực phẩm.

Trong năm 2023, nông dân Tiền Giang dự kiến trồng trên 55.000ha rau màu và sản lượng thu hoạch trên 1 triệu tấn sản phẩm. Huyện Gò Công Đông nằm tiếp giáp biển Đông coi trọng việc phát triển cây màu tại những địa bàn ven biển khó khăn, thích ứng biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai do hạn-mặn trong mùa khô hàng năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục