Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng cho biết quan điểm của Ủy ban Nhân dân tỉnh là tiếp tục phân cấp, phân quyền mạnh hơn đối với các sở, ngành và địa phương trong lĩnh vực đầu tư công.
Khi được phân cấp, phân quyền, các chủ đầu tư phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; nâng cao trình độ của đội ngũ tham mưu; tăng cường tập huấn, hướng dẫn cho các chủ đầu tư; xây dựng kế hoạch cụ thể.
Về công tác chuẩn bị đầu tư, các chủ đầu tư phải chọn đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện; hết sức quan tâm đến công tác đấu thầu qua mạng. Trong tổ chức thi công, các chủ đầu tư phải tổ chức giám sát chặt chẽ, kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc...
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang, kế hoạch đầu tư công năm 2022 của tỉnh là 3.940,696 tỷ đồng, tổng giá trị giải ngân 7 tháng năm 2022 là 1.997,5 tỷ đồng, đạt 50,7% kế hoạch, thuộc nhóm những địa phương có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước. Ước tổng giá trị đến ngày 30/9/2022 là 2.878,5 tỷ đồng, đạt 73% kế hoạch; dự kiến đến ngày 31/12/2022 đạt 100% kế hoạch.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang, theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 27/NQ-HĐND ngày 17/9/2021 phê duyệt đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 với tổng vốn 20.497,9 tỷ đồng; trong đó vốn cân đối ngân sách địa phương 15.289,7 tỷ đồng, vốn ngân sách trung ương là 5.208,2 tỷ đồng (chưa bao gồm vốn Chương trình mục tiêu quốc gia).
[Tiền Giang: Vốn đầu tư "đổ" vào khu, cụm công nghiệp tăng hơn 4 lần]
Thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang ngày 8/7/2022 thông qua việc bổ sung kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 ở tỉnh với số vốn 1.357,577 tỷ đồng, tính đến nay kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 của tỉnh có tổng số vốn 21.855,477 tỷ đồng. Trong số đó, vốn cân đối ngân sách địa phương là 15.647,381 tỷ đồng, vốn ngân sách trung ương là 2.006,755 tỷ đồng, bố trí các công trình dự án thuộc các lĩnh vực giao thông, giáo dục, nông nghiệp, y tế, công nghệ thông tin...
Ông Nguyễn Đình Thông, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang, cho biết qua gần 2 năm triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang đã tập trung chỉ đạo nhiều nhóm giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2021 và 2022. Qua đó đạt những kết quả tích cực trong chuẩn bị đầu tư được cải thiện về chất lượng; điều chuyển mạnh kế hoạch vốn hàng năm, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; tỷ lệ giải ngân của tỉnh thuộc nhóm những địa phương có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước (9 tháng năm 2022, tỉnh Tiền Giang đứng thứ 1/63 tỉnh, thành phố cả nước)...
Tại huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, tổng số vốn đầu tư xây dựng cơ bản giao năm 2022 là 112,002 tỷ đồng, gồm 47 công trình, đến nay đã giải ngân 73,822 tỷ đồng, đạt 66% kế hoạch vốn giao. Nổi bật là dự án đầu tư công trình Nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2) đến nay đã phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (13 đợt) tổng kinh phí bồi thường cho hộ dân là 778 hồ sơ với số tiền là 545,681 tỷ đồng; đã giải ngân 745 hồ sơ với số tiền 518,818 tỷ đồng. Dự án đường huyện 23-huyện Chợ Gạo, đã chi trả 269 hồ sơ với số tiền 4,199 tỷ đồng. Công trình đã thi công xong phần đá, đang thi công mặt đường láng nhựa...
Ở thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, theo kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn ngân sách tỉnh giao Ủy ban Nhân dân thị xã Cai Lậy làm chủ đầu tư 14 dự án; trong đó có 6 dự án chuyển tiếp, 8 dự án khởi công mới.
Đến nay, thị xã Cai Lậy đã và đang thực hiện 11 dự án; trong đó có 5 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng. Việc giải ngân đạt yêu cầu, đã thực hiện giải ngân 11 dự án 73,599 tỷ đồng, đạt 75% kế hoạch vốn. Đến nay, thị xã còn 3 dự án trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 chưa được giao vốn và chưa triển khai, sẽ triển khai từ năm 2023 trở đi.../.