Tiền Giang: Nhiều kết quả thu hút đầu tư khả quan vào khu công nghiệp

Tính đến hết tháng 7/2023, các khu công nghiệp của Tiền Giang đã thu hút 110 dự án; trong đó có 81 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 2,4 tỷ USD và 29 dự án trong nước với hơn 4.800 tỷ đồng.
Tiền Giang: Nhiều kết quả thu hút đầu tư khả quan vào khu công nghiệp ảnh 1Công nhân nhà máy GODACO tại Khu công nghiệp Mỹ Tho làm đơn hàng cá tra xuất khẩu. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

Nhờ có nhiều nỗ lực trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư, kinh doanh, tích cực mời gọi hợp tác đầu tư vào những lĩnh vực là thế mạnh của địa phương, Tiền Giang tiếp tục đạt nhiều kết quả khả quan trong thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, góp phần giải quyết việc làm và thu nhập cho người lao động.

Kết quả khả quan

Theo Trưởng Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh Tiền Giang Nguyễn Nhật Trường, tỉnh được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương quy hoạch 7 khu công nghiệp với tổng diện tích trên 2.083ha; trong đó, có 3 khu công nghiệp đã được cấp quyết định thành lập và đi vào hoạt động gồm Mỹ Tho, Tân Hương và Long Giang.

Tiền Giang: Nhiều kết quả thu hút đầu tư khả quan vào khu công nghiệp ảnh 2Khu công nghiệp Long Giang. (Nguồn: iipvietnam)

Khu Công nghiệp Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp đang chờ chuyển giao về tỉnh quản lý, sử dụng. Khu Công nghiệp Bình Đông đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư. Còn 2 Khu Công nghiệp còn lại là Tân Phước 1 và Tân Phước 2 đã được phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000.

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét về chủ trương đầu tư dự án Khu công nghiệp Tân Phước 1.

Tính đến hết tháng 7/2023, các khu công nghiệp của Tiền Giang đã thu hút được 110 dự án; trong đó có 81 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2,4 tỷ USD và 29 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4.800 tỷ đồng.

[Vĩnh Phúc thu hút hơn 230 triệu USD vốn FDI trong 7 tháng]

Diện tích đất thuê trên 524ha, chiếm tỷ lệ gần 70% diện tích đất công nghiệp cho thuê. Các khu công nghiệp của tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 88.000 người lao động.

Nhiều doanh nghiệp đầu tư tại các khu công nghiệp đã chủ động vượt qua khó khăn, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, có nhiều sản phẩm chủ lực chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu, thu được lợi nhuận cao.

Các chỉ tiêu về doanh thu, xuất khẩu, nhập khẩu, thuế và các khoản nộp ngân sách có sự tăng trưởng so với cùng kỳ từ 21-37%, vượt kế hoạch đề ra từ 29-38%, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Đây là những yếu tố tích cực giúp Tiền Giang tiếp tục phát huy lợi thế các khu công nghiệp trên địa bàn, thu hút nhiều dự án đầu tư mới cũng như khuyến khích doanh nghiệp mở rộng quy mô đầu tư, mở rộng nhà xưởng sản xuất, thu hút lao động trong thời gian qua.

Trong 2 quý vừa qua, các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh đạt doanh thu trên 1,83 tỷ USD. Các doanh nghiệp trong nước đạt doanh thu trên 3.222 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trong tỉnh đạt trên 1,6 tỷ USD.

Ông Đường Chấn Vũ - Phó Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Phát triển Khu Công nghiệp Long Giang, cho biết từ khi được thành lập vào năm 2007 cho đến nay, công ty đã đầu tư 100 triệu USD phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại cho toàn khu công nghiệp; thu hút được 56 doanh nghiệp lớn của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia đầu tư xây dựng nhà máy với tổng vốn đầu tư hơn 1,6 tỷ USD; tỷ lệ lấp đầy đạt 80%.

Hằng năm, khu công nghiệp đóng góp cho GRDP của Tiền Giang hơn 2 tỷ USD, tạo việc làm cho khoảng 25.000 lao động.

Với lợi thế nằm sát đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương, cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, Sân bay Tân Sơn Nhất, Cảng Sài Gòn, Cảng Hiệp Phước chỉ 50 km, cách Cảng Bourbon khoảng 35km, cùng chính sách và môi trường đầu tư thuận lợi của Tiền Giang, thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục thu hút, mời gọi nhiều doanh nghiệp lớn hàng đầu của thế giới vào đầu tư; trong đó, ưu tiên các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, phát triển theo hướng xanh, bền vững, thân thiện với môi trường.

Ông Nguyễn Văn Đạo - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng (GODACO) tại Khu Công nghiệp Mỹ Tho - một trong những doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản quy mô lớn tại Tiền Giang cho biết bắt đầu đầu tư tại Tiền Giang từ năm 2003, từ một nhà máy ban đầu, doanh nghiệp đã phát triển thành 3 nhà máy.

Doanh thu ban đầu chỉ khoảng 1 triệu USD/năm với khoảng 200 công nhân thì nay công ty đã phát triển đạt doanh thu 100 triệu USD/năm với khoảng 4.500-5.000 công nhân.

Đánh giá về môi trường đầu tư tại tỉnh Tiền Giang, ông Đạo cho biết các cấp lãnh đạo của tỉnh rất quan tâm, luôn đồng hành, tạo điều kiện hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp nhanh chóng tháo gỡ khó khăn. Tỉnh đã tiết giảm nhiều thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.

Mặc dù tình hình thị trường khó khăn chung nhưng công ty vẫn nỗ lực giữ được đơn hàng, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, đảm bảo duy trì việc làm và thu nhập cho người lao động.

Nỗ lực thu hút đầu tư

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho biết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang đã thành lập Tổ thẩm định dự án đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Tổ có trách nhiệm xem xét, thẩm định các dự án trên địa bàn để chuyển cơ quan liên quan giải quyết theo quy định. Đồng thời, giải quyết kiến nghị, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện dự án.

Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân tỉnh còn giao trách nhiệm cho Ban Quản lý các Khu Công nghiệp Tiền Giang thường xuyên theo dõi tình hình đầu tư sản xuất của nhà đầu tư trong khu công nghiệp, nhằm kịp thời hỗ trợ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc; hỗ trợ Công ty Cổ phần Điện Mặt trời miền Trung MK khẩn trương tiến hành triển khai dự án Khu công nghiệp Bình Đông theo đúng tiến độ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.

Mặt khác, Ủy ban Nhân dân tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh cân đối nguồn vốn ngân sách để đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kết nối các khu công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư.

Ủy ban Nhân dân tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho điều chỉnh chỉ tiêu đất Khu Công nghiệp tỉnh Tiền Giang trong kỳ kế hoạch sử dụng đất 2021-2025 là 2.076ha, đến năm 2030 là 4.429ha; đồng thời, khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để tham mưu Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc chuyển giao Khu Công nghiệp Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp về tỉnh quản lý, mời gọi đầu tư.

Ông Nguyễn Nhật Trường cho biết từ ngày 7/1/2022, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 45/QĐ-Ủy ban Nhân dân về Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính, cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện nhiệm vụ trên, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp Tiền Giang thực hiện cung ứng dịch vụ hành chính công thuộc các lĩnh vực đầu tư, lao động, xây dựng và các dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan cho nhà đầu tư, đảm bảo giải quyết 100% hồ sơ thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa trước hạn và đúng hạn. Các nội dung cung ứng đã đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư trong quá trình đầu tư kinh doanh tại khu công nghiệp.

Ban Quản lý các Khu Công nghiệp Tiền Giang cũng thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, chủ trì, phối hợp với đơn vị có liên quan hướng dẫn, giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong hoạt động đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư trong khu công nghiệp; báo cáo, tham mưu, đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh đối với các nội dung vượt thẩm quyền; chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong xây dựng, thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, tránh sự chồng chéo và tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư.

Trong giám sát, đánh giá việc thực hiện các dự án đầu tư nước ngoài, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện đảm bảo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, môi trường, lao động và pháp luật có liên quan; phối hợp cho ý kiến trong thẩm định hồ sơ đề xuất thực hiện dự án của nhà đầu tư, đảm bảo cơ sở pháp lý, tính phù hợp, để đề nghị nhà đầu tư chỉnh sửa, hoàn thiện, làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án tại các khu công nghiệp.

Đại diện Tập đoàn Want Want - doanh nghiệp nổi tiếng trong ngành thực phẩm được mệnh danh là “Vua Bánh gạo Đài Loan,” ông Chen Hong - Phó Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Want Want Việt Nam cho biết Tập đoàn lựa chọn Tiền Giang để đặt nhà máy do chính sách và môi trường đầu tư kinh doanh tại đây rất thuận lợi.

Want Want đã đầu tư hơn 50 triệu USD xây dựng nhà máy tại Khu Công nghiệp Long Giang, sử dụng khoảng 500 công nhân, chuyên sản xuất các sản phẩm từ sữa và các loại bánh gạo. Tập đoàn sẽ tuyển dụng thêm lao động và nâng công suất nhà máy lên tối đa để xuất khẩu sản phẩm ra các thị trường lớn của thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục