Trong vụ Hè Thu 2022, nông dân Tiền Giang xuống giống được gần 48.500ha, đạt gần 100% chỉ tiêu kế hoạch; trong đó, vùng dự án ngọt hóa Gò Công phía Đông tỉnh xuống giống trên 21.000ha.
Diện tích còn lại nằm trong khu vực vùng kiểm soát lũ phía Tây và vùng Đồng Tháp Mười.
Hiện nay, tại vùng dự án ngọt hóa Gò Công phía Đông tỉnh, nông dân đã cơ bản thu hoạch toàn bộ diện tích với năng suất đạt khá, bình quân 54 tạ/ha, tăng hơn 0,3 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước và sản lượng cả vụ đạt trên 115.000 tấn lúa hàng hóa.
Tại huyện ven biển Gò Công Đông, địa phương xuống giống được trên 8.900ha, vượt 11,46% chỉ tiêu kế hoạch. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông Nguyễn Văn Quí, trong vụ Hè Thu 2022, nhờ tuân thủ lịch thời vụ gieo sạ, áp dụng đồng bộ các giải pháp khoa học kỹ thuật nông nghiệp thâm canh đồng thời với khẩn trương thu hoạch nhanh gọn trà lúa đang chín tới nên đến cuối tháng 9/2022, địa phương đã có vụ Hè Thu thắng lợi trước bão lũ và thiên tai.
Sản lượng lúa Hè Thu của huyện Gò Công Đông đạt trên 48.000 tấn lúa. Giá các giống lúa thơm, lúa chất lượng cao tại huyện như Đài Thơm 8, Nàng Hoa 9, OM 5451, ST 25…đều được thương lái mua cao hơn cùng kỳ từ 100-200 đồng/kg tùy giống. Nông dân có lãi khá.
Thời điểm hiện nay, đến lượt các huyện, thị vùng Đồng Tháp Mười và vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh Tiền Giang bắt đầu thu hoạch vụ lúa Hè Thu 2022. Trước tình hình thời tiết, thủy văn diễn biến phức tạp, mưa lũ kéo dài ảnh hưởng trên diện rộng, Ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang chỉ đạo các địa phương và nông dân, nhất là tại những địa bàn khó khăn khẩn trương thu hoạch trà lúa Hè Thu 2022 dứt điểm, an toàn trước mùa mưa lũ, giảm thất thoát, tránh được nguy cơ thiên tai gây thiệt hại cho sản xuất và đời sống.
Tại huyện Cái Bè nằm đầu nguồn sông Tiền của tỉnh Tiền Giang, trong vụ Hè Thu 2022, nông dân gieo sạ được trên 8.400ha. Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Bè Đặng Văn Tung, nông dân Cái Bè đang bước vào thu hoạch rộ vụ Hè Thu, dự kiến dứt điểm trong tháng 9/2022, với năng suất bình quân 60 tạ/ha và sản lượng cả vụ khoảng 50.500 tấn lúa.
[Tiền Giang: Lấy công nghiệp chế biến làm trụ đỡ cho nông nghiệp]
Nằm trong vùng Đồng Tháp Mười phía Tây Bắc tỉnh Tiền Giang, trong vụ Hè Thu 2022, nông dân xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy gieo sạ trên 900ha. Đến cuối tháng 9/2022, thu hoạch được khoảng 50% tổng diện tích gieo sạ với năng suất đạt bình quân từ 60 đến 65 tạ/ha, Trà lúa còn lại sẽ tiếp tục thu hoạch khẩn trương trong những ngày tới, đảm bảo an toàn, hiệu quả, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai.
Ở xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy giáp ranh với Mỹ Thành Nam, trong vụ Hè Thu, nông dân xuống giống được trên 500ha. Hiện nay, địa phương thu hoạch khoảng 150ha, chiếm gần 1/3 diện tích gieo sạ. Theo lãnh đạo xã, trà lúa còn lại sẽ khẩn trương thu hoạch dứt điểm trong vòng 10 ngày trở lại.
Tuy nhiên, lo ngại của nông dân địa phương là thời điểm hiện nay, tại Nam bộ đang vào cao điểm mùa mưa lũ, thời tiết rất phức tạp nên việc thu hoạch, phơi sấy rất khó khăn, tiến độ thu hoạch rất chậm. Đặc biệt, trong mấy ngày qua, ảnh hưởng bão số 4-Noru nên ở Tiền Giang mưa to trên diện rộng và kéo dài khiến việc thu hoạch lúa Hè Thu một số nơi bị đình trệ.
Với mục tiêu phấn đấu thu hoạch ăn chắc vụ lúa Hè Thu, không để thiên tai gây hại, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang đang phối hợp cùng các cấp, các ngành tích cực tháo gỡ khó khăn cho nông dân, chỉ đạo thu hoạch nhanh gọn trà lúa vừa chín tới, phát huy vai trò cơ giới hóa nông nghiệp trong thu hoạch và xử lý sau thu hoạch; thu hoạch cuốn chiếu từng vùng, từng cánh đồng; tranh thủ thời tiết nắng ráo đến đâu tổ chức thu hoạch khẩn trương đến đó…
Thuận lợi của địa phương là trong nhiều năm qua, việc đầu tư mua sắm máy móc phục vụ chương trình cơ giới hóa nông nghiệp được Tiền Giang quan tâm đẩy mạnh đang mang lại hiệu quả tích cực, góp phần giảm nhẹ được thiệt hại thiên tai.
Ước tính, toàn tỉnh có hàng nghìn máy gặt đập liên hợp đảm bảo thu hoạch 100% tổng diện tích gieo sạ hàng năm, đã đóng vai trò đắc lực trong việc giải bài toán đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa giữa thời điểm cực kỳ khó khăn do bão lũ, đặc biệt là ảnh hưởng bão số 4 kết hợp lũ thượng lưu sông Cửu Long tràn về hiện nay đe dọa đến sản xuất, đời sống, nhất là nguy cơ đối với ngành trồng trọt, nuôi trồng thủy sản các địa bàn đầu nguồn./.