Tiền Giang: Hơn 73% số bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà

Tiền Giang hiện có 4.818 bệnh nhân mắc COVID-19 đang điều trị, trong đó có hơn 73% là điều trị tại nhà. Ngoài ra có 12.022 trường hợp F1, F2, người về từ vùng dịch đang theo dõi sức khỏe tại nhà.
Tiền Giang: Hơn 73% số bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà ảnh 1Lấy mẫu xét nghiệm, tầm soát dịch bệnh tại phường 5, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang, đến hết ngày 4/12/2021, số người từ 18 tuổi trở lên của tỉnh được tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 (bao gồm các trường hợp tiêm nơi khác) là 1.428.891 người, tương đương 100% tổng số người trong độ tuổi; số người tiêm đủ 2 mũi là 1.288.384 người, đạt 90,6%, trong đó có 79.268 người tiêm đủ 3 mũi.

Số trẻ từ 12-17 tuổi được tiêm mũi 1 là 149.473 người, đạt 82,7% tổng số người trong độ tuổi.

Về nhân lực tham gia chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19, tỉnh Tiền Giang sử dụng nhân lực tại chỗ, huy động lực lượng các địa phương; đồng thời sử dụng lực lượng y, bác sỹ, cán bộ tham gia công tác bầu cử tại địa phương trước đây và giáo viên để hỗ trợ việc nhập số liệu tiêm vaccine phòng COVID-19 trên phần mềm.

[Tiền Giang nâng hiệu quả điều trị, ứng phó dịch trong tình hình mới]

Tỉnh tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 theo hình thức “cuốn chiếu” hoặc tập trung cho từng địa bàn.

Đến nay, tỉnh Tiền Giang có 20.138 bệnh nhân mắc COVID-19 được điều trị khỏi, chiếm 78,87% tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 ở tỉnh.

Tỉnh hiện có 4.818 bệnh nhân mắc COVID-19 đang được điều trị, trong đó có hơn 73% số bệnh nhân này điều trị tại nhà, hơn 94% trong số này là bệnh nhân vừa và nhẹ; còn 42 trường hợp F1 đang cách ly tập trung và 12.022 trường hợp F1, F2, người về từ vùng dịch đang theo dõi sức khỏe tại nhà.

Ông Nguyễn Văn Mười, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang, cho biết để thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát tốt dịch COVID-19, các địa phương trong tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp kiểm soát dịch, không lơ là, chủ quan, nhất là tuyên truyền phòng, chống dịch trong cộng đồng; tập trung điều trị F0 tại nhà; tăng cường hoạt động của trạm y tế lưu động.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân tỉnh yêu cầu thuốc điều trị F0 tại nhà phải do Sở Y tế điều phối cho trạm y tế cấp xã, đảm bảo đầy đủ. Các trạm y tế phải có đường dây nóng phân công người trực, nếu để xảy ra sự cố thì xử lý trách nhiệm người được phân công.

Các địa phương phải truy vết cho được F1, F1 theo hộ gia đình, tiếp xúc gần ngoài gia đình; xét nghiệm tầm soát đối với các địa bàn nguy cơ và đối tượng nguy cơ theo quy định; tập trung tiêm vét, tiêm nhắc lại và tiêm bổ sung vaccine phòng COVID-19 đúng đối tượng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục