Tiền Giang giám sát chặt tàu cá có nguy cơ vi phạm khai thác IUU

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Tiền Giang khắc phục các tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiệnchống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Kiểm tra thiết bị liên lạc trên tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Ngày 27/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn gửi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang về việc tập trung triển khai thực hiện quyết liệt hơn nữa các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU), khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình triển khai thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU tại địa phương sau gần 5 năm bị cảnh báo “thẻ vàng” có sự tiến bộ rõ rệt; hầu hết các tồn tại, hạn chế tại lần kiểm tra vào tháng 10/2020 đã được tỉnh khắc phục tương đối tốt.

Cụ thể như kết quả lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có tín hiệu trên hệ thống giám sát tàu cá đạt 89,56%; việc cấp giấy phép khai thác thủy sản cơ bản đảm bảo theo quy định.

Kết quả kiểm tra tại cảng cá Mỹ Tho cho thấy hồ sơ ghi chép, lưu trữ trên bản giấy và điện tử tương đối khoa học, có hệ thống, truy xuất nhanh phục vụ cho kiểm tra. Cán bộ tại cảng cá và Văn phòng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá có kỹ năng nghiệp vụ, nắm rõ quy định, thực hiện quy trình và sử dụng thành thạo các công cụ (cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia VNFisbase, Hệ thống giám sát tàu cá, danh sách tàu cá khai thác IUU) trong kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản từ khai thác bốc dỡ qua cảng.

Đặc biệt, từ đầu năm 2022 đến nay, Tiền Giang chưa ghi nhận trường hợp tàu cá của tỉnh vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.

Tuy nhiên, tình trạng tàu cá lắp đặt VMS nhưng mất kết nối vẫn diễn ra phổ biến; cơ quan quản lý mới chỉ tổng hợp, theo dõi, liên hệ chủ tàu; hồ sơ xử lý đối với từng trường hợp cụ thể chưa thu thập, tổng hợp, lưu trữ một cách hệ thống, đầy đủ.

Tỷ lệ sản lượng thủy sản từ khai thác được giám sát phục vụ truy xuất nguồn gốc còn thấp, chưa đảm bảo theo quy định. Hồ sơ kiểm soát hoạt động khai thác của một số tàu cá còn chưa phù hợp.

[Triển khai quyết liệt hơn các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về IUU]

Một số tàu cá làm thủ tục rời cảng đi khai thác nhưng trên thực tế vẫn neo đậu ở bờ một thời gian mới tham gia hoạt động khai thác dẫn đến thời gian chuyến biển và giấy tờ thủ tục ra, vào cảng chưa đảm bảo theo quy định.

Mặc dù hồ sơ xác nhận nguyên liệu thủy sản từ khai thác được lưu trữ, phục vụ truy xuất nguồn gốc tốt nhưng các dữ liệu liên quan phục vụ cho kiểm tra, đối chiếu đối với hồ sơ thực hiện xác nhận chưa đầy đủ.

Bên cạnh đó, sự tham gia của biên phòng tại Văn phòng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá theo phân công nhiệm vụ còn hạn chế. Tỉnh cần rà soát các biên bản kiểm soát tàu cá ra vào cảng để đảm bảo tính hợp lý đối với việc phân công ca trực và phân công nhiệm vụ của Văn phòng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại cảng cá.

Để không ảnh hưởng đến nỗ lực chống khai thác IUU của cả nước và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao sớm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” vào năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang chỉ đạo các cấp, ngành và lực lượng chức năng tại địa phương khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện chống khai thác IUU.

Tỉnh xử lý dứt điểm các tàu cá còn lại chưa lắp đặt thiết bị VMS; theo dõi, quản lý chặt chẽ, đảm bảo tàu cá phải duy trì hoạt động của thiết bị VMS khi tham gia khai thác thủy sản trên biển; khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống giám sát tàu cá, lập hồ sơ và kiên quyết xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm quy định về VMS theo quy định.

Tỉnh lập danh sách, khoanh vùng đối tượng, nắm chắc địa bàn để theo dõi, giám sát chặt chẽ tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU.

Các đơn vị tổ chức thực hiện nghiêm việc xác nhận nguyên liệu, chứng nhận nguồn gốc đảm bảo đúng quy định, có sự kiểm tra chéo, đối chiếu dữ liệu VMS với nhật ký khai thác thủy sản, đảm bảo đầy đủ dữ liệu của tàu khai thác thủy sản, đặc biệt là tàu khai thác thủy sản của tỉnh khác khi thực hiện chuyển tải trên biển cho tàu hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản của tỉnh.

Tỉnh cần hoàn thiện cơ sở dữ liệu về cấp chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác tại mỗi lần cấp để theo dõi, quản lý và truy xuất dễ dàng, kịp thời; giám sát chặt chẽ nguyên liệu còn tồn tại các doanh nghiệp đã được cấp chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác.

Tỉnh tập trung hoàn thiện, đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá, ưu tiên bố trí nguồn lực, kinh phí, trang thiết bị cho cơ quan quản lý thủy sản tại địa phương như: Ban quản lý cảng cá, Văn phòng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá, chi cục thủy sản… để đảm bảo thực hiện có hiệu quả trong quản lý tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, kiểm soát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng.

Cùng với tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến chống khai thác IUU, địa phương tăng cường công tác xử phạt hành vi khai thác IUU theo quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương để răn đe, tuyên truyền, giáo dục.

Tiền Giang đặc biệt kiên quyết ngăn chặn, không để tàu cá địa phương vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.

Tỉnh Tiền Giang cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát; gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở (xã/phường/thị trấn) trong việc kiểm soát tàu cá, kiểm điểm, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần, trách nhiệm trong công tác chống khai thác IUU; đặc biệt công tác tổ chức, quản lý nghề cá tại các cảng cá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục