Hiện nay, nông dân tại các vùng trồng dừa chuyên canh tập trung lớn như Gò Công Tây, Tân Phú Đông của tỉnh Tiền Giang rất phấn khởi bởi dừa khô đang có giá cao, mang lại cho bà con nguồn thu nhập khá.
Theo ông Dương Tấn Sĩ, nông dân trồng dừa ở xã Tân Thới, huyện cù lao Tân Phú Đông, vào đầu năm 2020, giá dừa khô lên đến 100.000 đồng/chục (12 trái), tương đương khoảng 8.000 đồng/trái.
Còn hiện tại, giá dừa khô dao động trong khoảng 80.000 đồng/chục, tương đương gần 7.000 đồng/trái.
Nếu so với cùng kỳ năm 2019 thì giá dừa khô hiện cao gấp 3-4 lần. Gia đình ông canh tác 2,5ha dừa, trung bình mỗi năm thu lợi trên 100 triệu đồng.
Bà con vùng chuyên canh cho biết giá dừa khô đang ở mức cao do quy luật cung cầu, đồng thời trong mùa khô vừa qua, hạn hán và xâm nhập mặn gay gắt, kéo dài khiến các vườn dừa sụt giảm năng suất, sản lượng, nguồn cung ra thị trường thấp đi.
Dừa là cây ăn quả lâu năm có giá trị kinh tế cao. Ưu điểm của cây dừa là dễ trồng, chịu hạn mặn và điều kiện thiên nhiên khắt nghiệt, thích hợp với những địa bàn khó khăn vùng ven biển, cửa sông thường xuyên đối mặt với hạn hán, xâm nhập mặn của tỉnh như: Tân Phú Đông, Gò Công Đông, Gò Công Tây, Chợ Gạo...
Toàn tỉnh hiện có trên 15.000ha dừa, chủ yếu trồng chuyên canh hoặc xen canh, tập trung tại các huyện, thị duyên hải Gò Công tiếp giáp biển Đông; trong đó, một số huyện có diện tích dừa chuyên canh lớn như: Chợ Gạo trên 6.000ha, Tân Phú Đông gần 3.000ha...
Ở Tiền Giang, bà con trồng 2 loại chính là dừa tươi (uống nước) và dừa khô phục vụ công nghiệp chế biến dừa.
Cây dừa lâu nay mang lại cho nông dân địa phương một nguồn thu nhập quan trọng, góp phần giảm nghèo.
Dừa khô được giá giúp nông dân vùng sản xuất khó khăn của tỉnh như cù lao giáp biển Đông, các huyện duyên hải... có thêm nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống sau đợt hạn mặn khốc liệt trong mùa khô 2020 vừa qua./.