Tiền Giang dừng phương án '3 tại chỗ' trong các khu, cụm công nghiệp

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, việc tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp là cần thiết nhằm ngăn chặn và kiểm soát sự lây lan của COVID-19.
Tiền Giang dừng phương án '3 tại chỗ' trong các khu, cụm công nghiệp ảnh 1Một doanh nghiệp lập những vách ngăn tại các bếp ăn tập thể để công nhân giữ khoảng cách trong giờ ăn. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 29/7, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng chủ trì Hội nghị trực tuyến về thực hiện phương án “3 tại chỗ” với các chủ đầu tư và doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp Tiền Giang, toàn tỉnh có 72/186 doanh nghiệp đang áp dụng phương án “3 tại chỗ” với hơn 12.000 lao động.

Đến thời điểm này, việc thực hiện chưa đạt yêu cầu, vì nhiều doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết, còn chủ quan, thiếu kiểm tra, kiểm soát người lao động.

Thực tế, đã xảy ra các ổ dịch trong khu công nghiệp và gần đây nhất là ổ dịch Công ty cổ phần Gò Đàng với 180 ca dương tính với SARS-CoV-2.

Phát biểu với đại diện các doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh diễn biến dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh ngày càng phức tạp và thực tế thực hiện phương án “3 tại chỗ” của các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp để phát sinh nhiều ổ dịch.

Do đó, việc tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp là cần thiết nhằm ngăn chặn và kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang đã ban hành Công văn 4093 về việc tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp kể từ ngày 5/8/2021 cho đến khi có thông báo mới.

[Tiền Giang và Đồng Tháp tập trung cao độ để phòng, chống dịch]

Trong thời gian từ ngày 29/7/2021 đến ngày 4/8/2021, Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp khẩn trương sắp xếp hoạt động sản xuất kinh doanh cho phù hợp với yêu cầu hoạt động của doanh nghiệp.

Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các đơn vị có liên quan tập trung nhân lực, cơ sở vật chất để thực hiện hoàn thành việc xét nghiệm tầm soát bằng phương pháp Realtime RT-PCR cho tất cả công nhân, người quản lý chậm nhất ngày 04/8/2021.

Công an tỉnh xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự tại các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp. Ban Quản lý các Khu công nghiệp cùng Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, các đơn vị có liên quan tuyên truyền, giải thích cho doanh nghiệp, người lao động về chủ trương của tỉnh trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Đồng thời, Ban Quản lý các Khu công nghiệp theo dõi lập danh sách cụ thể công nhân, người lao động sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính, thông báo về địa phương trong và ngoài tỉnh để theo dõi, quản lý công nhân khi trở về địa phương.

Các doanh nghiệp có trường hợp F0, ca nghi nhiễm thực hiện theo quy trình xử lý tại Kế hoạch số 154 ngày 15/6/2021 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Tiền Giang.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tỉnh Tiền Giang tập trung đầu tư kiện toàn trang thiết bị, chú trọng nâng cao năng lực xét nghiệm nhằm tầm soát, phát hiện sớm và khoanh vùng, dập dịch hiệu quả, không để lây lan trong cộng đồng; tiến tới đẩy lùi COVID-19.

Năm 2021, Tiền Giang phân bố tổng kinh phí 352 tỷ đầu tư cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 đồng.

Trước mắt, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã phê duyệt theo thẩm quyền để mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, phương tiện xét nghiệm… khoảng 145 tỷ đồng. Nhờ vậy, địa phương đã trang bị được 4 máy xét nghiệm Realtime RT-PCR, tổng công suất xét nghiệm đạt khoảng 3.400 mẫu đơn/ngày, gồm 2 máy có công suất hơn 1.000 mẫu đơn/ngày/máy và 2 máy có công suất xét nghiệm đạt công suất khoảng 700 mẫu đơn/ngày/máy.

Ngành y tế tỉnh Tiền Giang còn tổ chức mạng lưới 44 cơ sở y tế đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 trên địa bàn, trong đó có 34 cơ sở có thu phí đáp ứng nhu cầu nhân dân về xét nghiệm nhanh kháng nguyên.

Nhằm nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19, Tiền Giang triển khai 36 máy thở, 1 máy lọc máu cùng nhiều phương tiện y tế khác tích cực điều trị, hạn chế số bệnh nhân nhẹ diễn tiến nặng cũng như số ca tử vong.

Chiều 29/7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Tiền Giang tổ chức đưa vào hoạt động Trung tâm Hồi sức bệnh nhân COVID-19 đặt tại Bệnh viện Y học Cổ truyền Tiền Giang, (số 3, đường Thủ Khoa Huân, Phường 1, thành phố Mỹ Tho).

Đây là Trung tâm Hồi sức bệnh nhân COVID-19 đầu tiên của tỉnh, quy mô 90 giường bệnh, với nhiều trang thiết bị hiện đại, cùng hệ thống khí y tế, máy thở, hệ thống lọc máu, thận, máy ôxy… để hồi sức tích cực, điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.

Việc đưa vào sử dụng Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) bệnh nhân COVID-19,giúp giảm tải cho đơn vị điều trị bệnh nhân COVID-19 tuyến cuối hiện nay của tỉnh - bệnh viện dã chiến 2 (Bệnh viện Lao và bệnh phổi Tiền Giang), đồng thời đáp ứng tình huống gia tăng số ca mắc COVID-19 của tỉnh, giúp người bệnh được chăm sóc, điều trị, hồi sức tốt nhất, góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống dịch.

Tỉnh đã thành lập 4 Bệnh viện dã chiến với 6 cơ sở, quy mô 1.610 giường bệnh. Đồng thời, toàn tỉnh còn có 57 cơ sở cách ly y tế tập trung với tổng công suất 5.482 giường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục