Tỉnh Tiền Giang đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Đậm, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang cho biết đề án xác định 7 quan điểm chỉ đạo, mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, bao gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện với lộ trình của từng nhiệm vụ trong năm 2022 và giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030.
Kèm theo đó là danh mục 25 thủ tục hành chính thiết yếu ưu tiên, tích hợp chia sẻ dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và danh mục 52 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể thực hiện, phân công trách nhiệm, mốc thời gian hoàn thành rất cụ thể để đảm bảo tiến độ.
Về 25 thủ tục hành chính ưu tiên tích hợp chia sẻ dữ liệu dân cư trên Cổng dịch vụ công tỉnh Tiền Giang hiện đã phát sinh hơn 44.990 hồ sơ; trong đó, thủ tục tiếp nhận thông báo lưu trú được cá nhân, doanh nghiệp lựa chọn thực hiện nhiều nhất, với hơn 25.800 trường hợp.
[Đưa cơ sở dữ liệu dân cư vào cuộc sống để người dân hưởng lợi ích]
Một số thủ tục chưa ghi nhận phát sinh hồ sơ dịch vụ công như: cấp phiếu lý lịch tư pháp, giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe…
Theo thống kê, đến ngày 31/10/2022, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên địa bàn tỉnh ghi nhận có 484.609 hộ với 2.093.800 nhân khẩu đăng ký thường trú và 8.625 hộ với 19.129 nhân khẩu đăng ký tạm trú.
Đến nay, tỉnh đã cấp căn cước công dân được 1.471.302 hồ sơ, cấp tài khoản định danh điện tử 99.056 hồ sơ. Lực lượng công an triển khai nhiều giải pháp làm sạch dữ liệu dân cư, đảm bảo dữ liệu luôn "đúng, đủ, sạch sống" phục vụ khai thác, chia sẻ.
Các sở, ngành sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân phục vụ công tác chuyên môn theo chỉ đạo của Chính phủ. Sở Y tế sử dụng căn cước công dân dần thay thế cho thẻ bảo hiểm y tế trong khám, chữa bệnh, sử dụng số định danh cá nhân của công dân từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong quá trình tiêm vaccine phòng COVID-19.
Bảo hiểm xã hội tỉnh đã xác thực dữ liệu công dân trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính. Sở Giáo dục và Đào tạo sử dụng số định danh cá nhân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông 2022...
Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác thực hiện đề án tỉnh Tiền Giang cho biết địa phương phấn đấu đến cuối năm 2022 cấp được ít nhất 150.000 tài khoản định danh điện tử, mỗi tháng tài khoản ứng dụng VNeID tăng trưởng thêm 05% so với số công dân trên địa bàn; 100% người dân đủ điều kiện được thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai các nội dung của đề án một cách thực chất, hiệu quả, trong đó ưu tiên tập trung nội dung trọng tâm, phục vụ trực tiếp người dân, doanh nghiệp như: rà soát, làm sạch dữ liệu dân cư, đảm bảo dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống"; tập huấn về tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ thủ tục hành chính giải quyết hồ sơ dịch vụ công và số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính./.