Tiền Giang đầu tư 60 tỷ đồng nâng cấp đê biển Gò Công

Tỉnh Tiền Giang đầu tư khoảng 60 tỷ đồng nâng cấp 2km đê xung yếu Gò Công hiện đang bị xâm thực nghiêm trọng và phấn đấu hoàn thành trước mùa mưa bão.
Tiền Giang đầu tư 60 tỷ đồng nâng cấp đê biển Gò Công ảnh 1Công trình kiên cố hóa mái đê xung yếu trên địa bàn xã Tân Điền, Gò Công Đông. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Nhằm phòng chống bão tố và xâm nhập mặn, bảo vệ sản xuất và đời sống nhân dân duyên hải Gò Công, trong mùa khô 2014, tỉnh Tiền Giang đầu tư khoảng 60 tỷ đồng nâng cấp 2km đê xung yếu Gò Công thuộc địa bàn huyện Gò Công Đông.

Đây là đoạn đê xung yếu đã bị mất hoàn toàn đai rừng phòng hộ bên ngoài do xâm thực dữ dội của sóng và gió biển, đe dọa nghiêm trọng đến an toàn đê.

Giải pháp thi công đang thực hiện khẩn trương là kè mái đê bằng các khối bêtông tự chèn (còn gọi là cục TFS). Giải pháp bêtông tự chèn do tiến sỹ Phan Đức Tác là tác giả đang được thực hiện có kết quả tại Tiền Giang.

Trung bình mỗi kilômét nâng cấp đê biển bằng giải pháp kè mái đê theo phương pháp “bê tông tự chèn” kể trên đòi hỏi kinh phí đầu tư khoảng 30 tỷ đồng. Hiện nay, tiến độ thực hiện hết sức khẩn trương. Lực lượng thi công phấn đấu hoàn thành và đưa công trình vào sử dụng, phát huy hiệu quả trước mùa mưa bão 2014.

Trước đó, tỉnh cũng đã đầu tư khoảng 100 tỷ đồng nâng cấp 3km đê biển xung yếu trên địa bàn xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông.

Tuyến đê biển Gò Công có tổng chiều dài trên 21km, trong đó đoạn xung yếu 5 km kể trên có nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt, phòng chống bão tố và xâm nhập mặn, bảo vệ sản xuất và đời sống cho nhân dân trong vùng dự án ngọt hóa Gò Công (Tiền Giang) nói chung và bà con ven biển huyện Gò Công Đông nói riêng.

Hiện nay, toàn tuyến đê trên đang bị ảnh hưởng xâm thực bởi sóng và gió biển khiến đai rừng phòng hộ bảo vệ bên ngoài ngày một suy thoái, mất dần đe dọa nghiêm trọng đến an toàn đê.

Trước tình hình trên, một mặt tỉnh khẩn trương đầu tư nâng cấp các đoạn xung yếu đang bị đe dọa trực tiếp đồng thời tăng cường công tác bảo vệ rừng, nghiên cứu trồng và phát triển diện tích rừng phòng hộ nhằm tạo lá chắn xanh bảo vệ đê biển một cách bền vững.

Ngoài ra, Tiền Giang cũng đang nghiên cứu giải pháp xây dựng kè mềm để gây bồi đoạn xung yếu, tạo tiền đề khôi phục diện tích rừng phòng hộ nơi đây trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục