Chiều 4/4, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác triển khai thực hiện Đề án "Phát triển Ứng dụng Dữ liệu Dân cư, Định danh và Xác thực Điện tử phục vụ Chuyển đổi Số Quốc gia giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến năm 2030" (gọi tắt Đề án 06) năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh chủ trì hội nghị.
Hội nghị tập trung thảo luận, đánh giá kết quả, những khó khăn, vướng mắc tại đơn vị, địa phương và đưa ra giải pháp cho năm 2023. Trong đó, tập trung một số nội dung về kết quả triển khai Đề án 06, giải pháp làm sạch dữ liệu dân cư, cấp căn cước công dân và nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến.
Các báo cáo và ý kiến tại hội nghị thống nhất đánh giá, qua hơn 01 năm thực hiện Đề án 06, tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự thống nhất, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân.
Đến nay, các công việc trọng tâm của Đề án 06 cơ bản được đảm bảo, đúng tiến độ và thu được những kết quả bước đầu tích cực, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
[Tiền Giang đẩy mạnh ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư]
Trong năm 2022 và 03 tháng đầu năm 2023, tiến độ thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến môi trường điện tử thì có 22 dịch vụ phát sinh hồ sơ, trong đó phát sinh nhiều nhất là thông báo lưu trú với trên 67.000 trường hợp.
Đối với nhóm phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ 05 nhóm tiện ích, trong đó, Cổng dịch vụ công tỉnh Tiền Giang (dichvucong.tiengiang.gov.vn) hiện cung cấp 1.849 dịch vụ công trực tuyến, đạt 100% và đã tiếp nhận và giải quyết 726.247 hồ sơ thủ tục hành chính; tổng số lượt truy cập vào trang dịch vụ hành chính công của tỉnh là trên 54 triệu lượt.
Nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, có 214 cơ sở y tế dùng thẻ căn cước công dân khám, chữa bệnh thay thế bảo hiểm y tế; ngành Bảo hiểm Xã hội đã tích hợp 25 dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ Công Bảo hiểm xã hội và 16 dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ Công Quốc gia và tất cả các dịch vụ công đều được áp dụng ở cấp độ 4; ngành thuế tỉnh đã triển khai ứng dụng eTax trên nền tảng thiết bị di động để cung cấp chức năng về nộp thuế điện tử, đăng ký giao dịch thuế điện tử, tra cứu thông tin, nghĩa vụ thuế, thông báo thuế.
Đối với nhóm phát triển công dân số, tính đến hết ngày 02/4/2023, toàn tỉnh đã thu nhận được gần 1,8 triệu hồ sơ căn cước công dân, đạt 97% và 235.412 tài khoản định danh điện tử.
Trong công tác làm sạch dữ liệu dân cư đến thời điểm hiện tại đạt 100% như rà soát, đối khớp xác minh thông tin phạm nhân; cập nhật hộ không có chủ hộ, hộ nhiều hơn 01 chủ hộ; cập nhật chứng minh nhân dân 09 số; bổ sung thông tin công dân thiếu trường thông tin; cập nhật số chứng minh nhân dân 09 số sai cấu trúc; rà soát cập nhật thông tin đối với trẻ em đã đăng ký khai sinh chưa xác định nơi đăng ký thường trú của bố mẹ; cập nhật nhân khẩu thôi quốc tịch.
Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu còn tồn đọng như chuyển đổi, thêm mới thông tin đối tượng lên hệ thống Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư còn 276 trường hợp; cập nhật thông tin phạm nhân còn 384 trường hợp xử lý trên DC01, mở rộng công dân thiếu trường thông tin còn 41.111 trường hợp; cập nhật biểu hiện công dân loạn thần, ngáo đá còn 35 trường hợp; làm sạch dữ liệu bảo hiểm xã hội tại khu công nghiệp còn 621 trường hợp.
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc cần sớm khắc phục như tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến phát sinh thấp; tỷ lệ người dân đăng ký, kích hoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử VNeID còn mức thấp; nguồn nhân lực địa phương chưa được tập huấn công nghệ thông tin; công tác chi trả chế độ an sinh xã hội không dùng tiền mặt chưa nhiều.
Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang đề nghị các sở, ngành, địa phương cần đề ra giải pháp để khắc phục các khó khăn, vướng mắc đã nêu; tiếp tục xác định việc triển khai thực hiện Đề án 06 là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong cải cách hành chính trong năm 2023; trong đó quy định 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử VNeID mức độ 2.
Tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa tầm quan trọng của Đề án 06 trong việc tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính qua dịch vụ công, tài khoản định danh điện tử VNeID để cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nâng cao tinh thần trách nhiệm tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp nộp các thủ tục hành chính, đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử VNeID thuận tiện, dễ dàng hơn.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh nêu rõ năm 2023 là năm "tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo giá trị mới," tỉnh phấn đấu đến hết quý 2/2023 đạt chỉ tiêu 903.202 tài khoản định danh điện tử VNeID theo chỉ đạo của Bộ Công an.
Tỉnh yêu cầu Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến.
Lực lượng Công an tiếp tục "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" để hướng dẫn cho người dân làm căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử VNeID và các dịch vụ công trực tuyến.
Lực lượng Công an các cấp phải làm sạch dữ liệu dân cư để đảm bảo dữ liệu luôn "đúng, đủ, sạch, sống;" các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ và hướng dẫn của Bộ, ngành khẩn trương hoàn chỉnh dữ liệu của ngành mình để phục vụ nhu cầu kết nối, khai thác, chia sẻ giữa các dữ liệu./.