Tiền Giang đánh giá tiến độ để kịp thời hỗ trợ dự án đầu tư công

Tính đến đầu tháng Tám, tỉnh đã giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên 1.688,3 tỷ đồng, đạt 45,6% kế hoạch; trong đó, nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách địa phương đạt 53,3% chỉ tiêu cả năm.
Tiền Giang đánh giá tiến độ để kịp thời hỗ trợ dự án đầu tư công ảnh 1Các đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ để công trình hoàn thành đúng kế hoạch cầu Mỹ Thuận 2. (Ảnh: Hữu Chí/TTXVN)

Để tạo động lực thực hiện thành công các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 vừa ra sức đẩy lùi dịch COVID-19, Tiền Giang phấn đấu đến cuối năm giải ngân 100% vốn đầu tư công.

Qua đó, tạo thuận lợi để các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa các công trình vào phục vụ sản xuất, đời sống.

Giám đốc Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đình Thông cho biết nhằm đạt mục tiêu về giải ngân vốn đầu tư công, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang yêu cầu các tháng còn lại của năm 2021, các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh tăng cường sự phối hợp triển khai nhanh các giải pháp thực hiện kế hoạch đầu tư công trong năm. Các đơn vị tập trung theo dõi, đánh giá tiến độ các công trình, dự án cụ thể để có giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời.

Trên cơ sở đó, lập kế hoạch giải ngân từng dự án, công trình dựa theo tiến độ thực hiện sát với thực tế; hoàn tất thủ tục thanh toán vốn đầu tư công trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu theo quy định; không để dồn thanh toán vào thời điểm cuối năm.

Đối với các công trình, dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang yêu cầu các đơn vị khẩn trương hoàn tất hồ sơ trình phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành theo đúng thời gian quy định. Từ đó, kịp thời giải ngân hết số vốn đã được phê duyệt. Những tập thể, cá nhân để xảy ra chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công thì tùy theo mức độ sẽ bị xử lý.

[Giải ngân vốn đầu tư công ở Tiền Giang: Động lực từ một Nghị quyết] 

Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang cũng sẽ không xét thi đua khen thưởng hoặc công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ đối với người đứng đầu, chủ đầu tư, các tập thể và cá nhân có liên quan trong việc không hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công 2021.

Để đồng vốn đầu tư công sử dụng đúng mục đích, các công trình, dự án hoàn thành đúng tiến độ, đạt chất lượng, sớm phát huy hiệu quả trong đời sống xã hội, Tiền Giang đề cao vai trò giám sát cộng đồng dân cư trong vùng ảnh hưởng của dự án; nâng cao trách nhiệm giải trình của chủ đầu tư và các bên liên quan công trình, dự án khi được nhân dân yêu cầu. Từ đó, sớm phát hiện và xử lý nghiêm những sai phạm, hoặc hành vi tham nhũng, gây thất thoát, lãng phí trong đầu tư công.

Theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang, năm 2021, địa phương có tổng nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách Nhà nước 3.703 tỷ đồng. Trong số đó, vốn đầu tư phát triển từ ngân sách địa phương gần 2.974 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách Trung ương và các nguồn khác.

Nguồn vốn trên được phân bổ thực hiện 256 công trình thuộc các ngành, lĩnh vực bao gồm: 130 công trình khởi công mới, còn lại là các công trình chuyển tiếp.

Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cho biết đầu tư công trong năm 2021 luôn được sự quan tâm của tỉnh nhằm tạo chuyển biến tích cực và tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Đồng thời, nhằm cải thiện cho chuẩn bị đầu tư, đảm bảo tuân thủ đúng trình tự, quy định pháp luật, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, ngay từ đầu năm, Tiền Giang đã triển khai việc phân khai, giao vốn theo kế hoạch năm 2021 cho các chủ đầu tư và các cấp, các ngành.

Tiền Giang đánh giá tiến độ để kịp thời hỗ trợ dự án đầu tư công ảnh 2Tuyến đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận trong thời thi công. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Tỉnh chú trọng tập trung cho các công trình trọng điểm; các công trình xây dựng huyện, xã nông thôn mới; các công trình chuyển tiếp và hoàn thành trong năm 2021…

Trên cơ sở phân vốn và công trình, các chủ đầu tư lựa chọn đơn vị tư vấn, nhà thầu có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm. Điều này nhằm triển khai đúng tiến độ, tuân thủ nguyên tắc bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả; chịu trách nhiệm trước Ủy ban Nhân dân tỉnh đối với việc lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực thực hiện làm chậm trễ tiến độ thi công.

Tỉnh kiên quyết xử lý theo quy định pháp luật đối với các nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu, vi phạm hợp đồng đã ký kết hoặc không có năng lực thực hiện dự án, công trình.

Mặt khác, tỉnh tập trung tháo gỡ vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng gắn với giải quyết dứt điểm công tác đền bù, hỗ trợ, tái đinh cư cho nhân dân trong vùng dự án để sớm có đất sạch giao cho các đơn vị thi công đồng thời với thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện và quan tâm giải ngân sớm, nhanh nguồn vốn đầu tư công, xem đây là nguồn lực quan trọng nhằm giúp các đơn vị tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19.

Đối với các đơn vị thi công, nhà thầu, cùng với tập trung nhân lực, thiết bị, phương tiện thi công thì phải tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống COVID-19 trên công trường trong suốt quá trình thi công công trình, dự án; bảo đảm việc thi công liên tục, thông suốt vừa an toàn phòng, chống dịch bệnh.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đình Thông, tính đến đầu tháng Tám này, tỉnh đã giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên 1.688,3 tỷ đồng, đạt 45,6% kế hoạch; trong đó, nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách địa phương đạt 53,3% chỉ tiêu cả năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục