Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, thực hiện Đề án "Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi khu vực phía Bắc quốc lộ 1 tỉnh Tiền Giang" giai đoạn 2021-2025, trong năm 2023, Tiền Giang tiếp tục chuyển đổi gần 4.900ha đất trồng lúa kém hiệu quả khu vực phía Bắc Quốc lộ 1 sang các mô hình sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Trong gần 4.900ha đất trồng lúa kém hiệu quả, tỉnh chuyển đối trên 900ha sang trổng rau màu, trên 3.700ha đất sang trồng cây lâu năm, chuyển đổi khoảng 130ha sang nuôi thủy sản, còn lại chuyển sang chăn nuôi tập trung.
Mục tiêu nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tập trung, an toàn và bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ đầu tư thâm canh đạt năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định, đáp ứng yêu cầu các liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đáp ứng tốt các yêu cầu về chất lượng hàng hóa xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
[Tiền Giang: Hợp tác xã liên kết giải quyết đầu ra cho nông sản]
Mặt khác, tỉnh hình thành các vùng chuyên canh rau màu và cây ăn trái đặc thù của từng địa phương trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là các vùng sản xuất lúa khó khăn, kém hiệu quả.
Để đạt mục tiêu, năm 2023, tỉnh tiếp tục triển khai hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ Đề án như hệ thống giao thông, hệ thống điện, hệ thống sơ chế, chế biến, bảo quản phục vụ cho sản phẩm cây trồng chuyển đổi.
Tiền Giang tiếp tục triển khai chủ trương "Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi khu vực phía Bắc quốc lộ 1 tỉnh Tiền Giang" đến ủy ban nhân dân các xã và nhân dân trong vùng đề án cũng như tuyên truyền, phổ biến và áp dụng các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất như VietGAP, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp,... đến người dân trong vùng thực hiện đề án.
Đồng thời, tỉnh tiếp tục đầu tư thi công nâng cấp các công trình thủy lợi nội đồng, gia cố, nâng cấp bờ vùng, bờ thửa,…đảm bảo việc cung cấp, điều tiết nước họp lý cho các vùng sản xuất phục vụ mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh chuyển giao khoa học công nghệ, các chương trình, đề tài, dự án, mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả cho nông dân; khuyến khích bà con thâm canh đạt năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế cao, cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định, đáp ứng yêu cầu các liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đáp ứng tốt các yêu cầu về chất lượng hàng hóa xuất và tiêu dùng trong nước.
Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đã giao các đơn vị hữu quan tập huấn, hướng dẫn nông dân trong vùng đề án về kỹ thuật nhân giống, chọn giống; kỹ thuật lên líp; kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trồng; biện pháp quản lý sinh vật gây hại: IPHM, ICM, IPM,...cùng các giải pháp sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả nhằm giúp giảm chi phí sản xuất trước tình hình giá vật tư tăng cao, tăng năng suất, gia tăng lợi nhuận và bảo vệ môi trường trước điều kiện thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp.
Ngoài ra, quan tâm kết nối thị trường, xây dựng trang thông tin sản phẩm, chỉ dẫn địa lý sản phẩm, phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm để giới thiệu sản phẩm an toàn, chất lượng đến người tiêu dùng. Đặc biệt là hướng đến thị trường xuất khẩu; phối hợp địa phương vận động, hướng dẫn, hỗ trợ các cá nhân, tập thể thực hiện các thủ tục cấp mã số cho vùng trồng, cơ sở đống gói xuất khẩu.
Song song đó, Sở lồng ghép các chương trình, dự án để tổ chức chiến lược quảng bá, giới thiệu các sản phấm nông sản của vùng chuyển đổi; giới thiệu sản phẩm trên website, phương tiện truyền thông, du lịch, sự kiện văn hóa.
Ông Nguyễn Văn Mẫn cho biết Đề án "Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi khu vực phía Bắc quốc lộ 1 tỉnh Tiền Giang" được triển khai trong giai đoạn 2021-2025.
Tính đến hết năm 2022, khu vực đề án đã chuyển đổi trên 2.900ha, đạt 119,1% so với kế hoạch đến năm 2022 và đạt 39,3% so với mục tiêu đến năm 2025; trong đó, chuyển sang trồng rau màu gần 370ha, trồng cây ăn trái gần 2.300ha cỏn lại nuôi trồng thủy sản.
Qua khảo sát hiệu quả cho thấy, các loại cây ăn trái cho lợi nhuận từ 120-350 triệu đồng/ha, cao gấp 4-12 lần so với sản xuất lúa. Cây rau màu lợi nhuận dao động khoảng 47,4-290 triệu đồng/ha tùy loại, đều vượt trội so với trồng lúa năng suất cao trước đây./.