Tiền Giang: Các nhà vườn phấn khởi với mùa nông sản, trái cây phục vụ Tết

Giá thanh long, mãng cầu xiêm, sầu riêng… đều tăng cao cùng kỳ năm trước trong khi nhu cầu thị trường cao, đầu ra thuận lợi nên nông sản hàng hóa hứa hẹn mang lại nguồn lợi nhuận cao cho bà con.

Nông dân huyện Vị Thủy thu hoạch dưa hấu phục vụ Tết Nguyên đán 2024. (Ảnh: Hồng Thái/TTXVN)
Nông dân huyện Vị Thủy thu hoạch dưa hấu phục vụ Tết Nguyên đán 2024. (Ảnh: Hồng Thái/TTXVN)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang, trong vụ sản xuất phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, nông dân địa phương trồng 23.700ha rau màu, chăm sóc hàng chục nghìn ha cây ăn trái các loại.

Ước tính sản lượng thu hoạch trên 578.000 tấn rau màu hàng hóa, trên 83.000 tấn trái cây các loại đáp ứng nhu cầu thị trường trong ngoài tỉnh. Dự kiến có trên 10.000 tấn xoài, trên 17.000 tấn bưởi da xanh, khoảng 730 tấn vú sữa lò rèn Vĩnh Kim, gần 30.000 tấn thanh long.

Ngoài ra, còn có nhiều loại trái cây phục vụ nhu cầu chưng tết như mãng cầu xiêm, đu đủ, mận, khóm và nhiều loại trái cây khác.

Dịp Tết, các làng hoa truyền thống trong tỉnh như Tân Mỹ Chánh, phường 9 (Tp Mỹ Tho), Thạnh Mỹ (Tân Phước)… cung ứng 1.281.000 chậu hoa phục vụ nhu cầu thị trường, góp phần tạo nguồn nông sản hàng hóa dồi dào có giá trị, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Tại Tân Phước nằm trong vùng Đồng Tháp Mười, các địa phương có truyền thống trồng nhiều rau màu thực phẩm là Phú Mỹ, Phước Lập, Thạnh Mỹ, Tân Hòa Thành,… bà con đã xuống giống được hàng trăm ha rau màu vụ Đông Xuân 2023-2024, chủ yếu là dưa hấu Tết.

Tuy là vùng đất mới khai hoang, vỡ hóa nhưng thổ nhưỡng Tân Phước thích hợp trồng rau màu thực phẩm nói chung, dưa hấu nói riêng.

rau mau tien giang.jpg
Vùng rau màu ở xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN

Dưa hấu Tân Phước chất lượng ngon, được thị trường ưa chuộng. Nơi đây cũng là một trong những địa phương trồng nhiều dưa hấu nhất tỉnh Tiền Giang, góp phần tăng thu nhập cho nông hộ, giúp bà con ổn định cuộc sống và an cư lạc nghiệp.

Tân Phước cũng là vùng chuyên canh khoai mỡ lớn nhất tỉnh Tiền Giang. Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nông dân địa phương trồng được khoảng 500 ha khoai mỡ. Trà khoai phát triển tốt, cho thu hoạch rộ vào dịp Tết Nguyên đán, giúp bà con miền đất mới có thêm nguồn thu nhập khá, ổn định sản xuất và đời sống.

Tại huyện Gò Công Đông, nông dân trồng gần 100ha dưa hấu Tết. Dưa hấu Đèn Đỏ (Tân Thành, Gò Công Đông) nhiều năm nay được thị trường ưa chuộng nhờ chất lượng ngon nổi tiếng.

Nông dân Trương Văn Ra, trồng 8.000 m2 dưa hấu tại xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông) cho biết mỗi năm quay được từ 2 đến 3 vòng sản phẩm, sản lượng cả năm trên 60 tấn quả; thu nhập 50-60 triệu đồng/vụ.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Thành Phan Thị Kim Ánh cho biết hưởng ứng chủ trương chuyển đổi sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu, thời gian qua bà con xã ven biển Tân Thành tích cực đưa dưa hấu và các loại rau màu thực phẩm xuống trồng trên ruộng thay cho lúa một vụ trước đây mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Với năng suất từ 20-25 tấn/ ha và giá bán bình quân 8.000 đ/kg, mỗi ha dưa hấu tại đây cho nông dân lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/ha.

Theo bà Phan Thị Kim Ánh, với trình độ thâm canh cao và thời tiết, thủy văn thuận lợi, trà dưa hấu tết 2024 năm nay của bà con xã ven biển Tân Thành hứa hẹn sẽ bội thu.

Thành phố Mỹ Tho là trung tâm kinh tế, thương mại của tỉnh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang phát huy thế mạnh trồng hoa kiểng phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán.

Hoa Tết tập trung ở các xã vùng ven đô thị như phường 9, phường 10, xã Tân Mỹ Chánh, xã Mỹ Phong….

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Mỹ Tho Lê Thị Bé Phượng cho biết trong dịp Tết Nguyên đán, nông dân các làng hoa truyền thống ngoại thành Mỹ Phong, Tân Mỹ Chánh, phường 9, phường 10… trồng và cung ứng trên 1 triệu giỏ hoa các loại, tăng hơn 1,19% so vụ hoa năm trước; chủ lực gồm cúc mâm xôi, cúc Hà Lan, cúc Vàng hoè, cát tường, vạn thọ, sống đời, mào gà, hướng dương…; trong đó, khoảng 50% sản lượng hoa phục vụ Tết Nguyên đán đã được thương lái trong ngoài tỉnh ký kết hợp đồng tiêu thụ từ đầu vụ sản xuất, ổn định đầu ra.

Để đảm bảo bà con đạt vụ sản xuất Tết bội thu, năng suất và sản lượng cao, chất lượng tốt, nông sản có giá, ngay từ đầu vụ sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang khuyến cáo nông dân cập nhật diễn biến tình hình khô hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô 2023-2024 để có biện pháp ứng phó phù hợp, bảo vệ cây trồng, giảm nhẹ thiên tai đồng thời quan tâm áp dụng đồng bộ các giải pháp khoa học kỹ thuật thâm canh; sử dụng rơm rạ ủ liếp giữ ẩm, áp dụng mô hình tưới tiết kiệm nước hoặc trồng rau theo hướng an toàn, VietGAP…

Theo ghi nhận của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang, trong những ngày giáp Tết Nguyên đán, giá bán các loại nông sản chủ lực của địa phương ổn định, nhiều chủng loại tăng khá mang lại niềm phấn khởi trúng mùa, bội thu cho nông dân.

sau rieng.jpg
Thu hoạch sầu riêng ở ấp Tân Đông, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Các loại trái cây phục vụ Tết như thanh long, mãng cầu xiêm… đều tăng từ 4.000-5.000 đồng/kg so cùng kỳ năm trước; tăng cao nhất là sầu riêng có giá 160.000-170.000 đồng/kg, cao gấp ba lần cùng kỳ năm trước.

Thị trường Tết nhu cầu cao, đầu ra thuận lợi nên nông sản hàng hóa hứa hẹn mang lại nguồn lợi nhuận cao cho bà con.

Theo kế hoạch, năm 2024, nông dân Tiền Giang trồng gần 55.000ha rau màu với sản lượng khoảng 1,2 triệu tấn sản phẩm, chăm sóc trên 85.000ha cây ăn trái với sản lượng 1,79 triệu tấn trái cây các loại cung ứng thị trường trong ngoài nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục