Tiền Giang bảo vệ vùng cây ăn quả xuất khẩu trước nguy cơ hạn mặn

Ngoài việc vận hành các hệ thống cống ngăn mặn, các địa phương trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã có phương án tích trữ và sẵn sàng bơm cấp nước ngọt cho các nhà vườn.
Nông dân Tiền Giang phân loại vú sữa trước khi bán cho doanh nghiệp xuất khẩu. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)

Các huyện Cai Lậy, thị xã Cai Lậy, Châu Thành nằm trong vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh Tiền Giang, có vùng trồng cây ăn quả đặc sản giá trị xuất khẩu cao như vú sữa lò rèn Vĩnh Kim, sầu riêng, bưởi da xanh…

Đây cũng là địa bàn thường xuyên bị ảnh hưởng hạn hán và xâm nhập mặn gây nhiều thiệt hại vào mùa khô hàng năm nếu không có biện pháp ứng phó hữu hiệu.

Mùa khô 2022-2023, dự báo tình hình diễn biến thủy văn bất thường, hạn-mặn gay gắt và mặn có thể xâm nhập sâu vào nội đồng vào thời điểm cuối tháng Hai trở đi, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang và các địa phương trong vùng huyện Cai Lậy, thị xã Cai Lậy… đều xây dựng phương án chủ động ứng phó dựa theo từng tình huống cụ thể, bảo vệ vùng chuyên canh cây ăn quả xuất khẩu cũng như đời sống nhân dân, giảm nhẹ thiên tai, kiên quyết không để tái diễn tình trạng như mùa khô 2019-2020 trước đây.

Ngay từ cuối tháng 8/2022, Tiền Giang triển khai thi công 4 cống đập ngăn mặn, trữ ngọt cặp theo bờ bắc sông Tiền gồm: Cái Sơn, Mù U, Hai Tân, Cây Cồng trên đường tỉnh 864, với tổng vốn đầu tư khoảng 864 tỷ đồng.

Đến giữa tháng Hai này, cống Cây Cồng đã hoàn thành đạt 57% khối lượng công việc, cống Hai Tân đạt 44% khối lượng công việc, cống Mù U đạt 36% khối lượng công việc và cống Cái Sơn đạt 35% khối lượng công việc được giao.

[Tiền Giang chuyển đổi gần 4.900ha đất trồng lúa kém hiệu quả]

Hiện, các đơn vị thi công đang tập trung phương tiện, vật tư, nhân lực, tranh thủ mùa khô thuận lợi, triển khai nhanh phương án thi công với mục tiêu hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng Sáu năm nay, vượt trước 2 tháng so với kế hoạch đề ra, đảm bảo chất lượng và mỹ quan công trình cũng như hiệu quả phục vụ sản xuất và đời sống.

Giám đốc Chi nhánh thủy nông Cai Lậy-Cái Bè thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang Trần Minh Hữu cho biết rút kinh nghiệm ứng phó hạn mặn trong các năm vừa qua, ngay từ đầu mùa khô 2022-2023, Chi nhánh xây dựng phương án phòng, chống hạn mặn, đảm bảo nước tưới tiêu, bảo vệ cho trên 9.000ha đất sản xuất, chủ yếu là chuyên canh sầu riêng xuất khẩu thuộc các dự án Đông-Tây Ba Rày của huyện Cai Lậy, thị xã Cai Lậy và Cái Bè-Trà Lọt của huyện Cái Bè.

Theo đó, triển khai các điểm đo, quan trắc độ mặn và chất lượng nguồn nước trên hệ sông Tiền, kênh rạch nội đồng; cập nhật tình hình diễn biến xâm nhập mặn cho các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân để có biện pháp ứng phó phù hợp. Bên cạnh đó, xây dựng lịch vận hành hợp lý, kịp thời đóng cống ngăn mặn khi độ mặn ngoài sông tăng cao và diễn biến phức tạp.

Thị xã Cai Lậy có trên 7.400ha đất trồng cây ăn quả, chủ lực là sầu riêng và mít Thái siêu sớm có giá trị xuất khẩu cao, đang mang lại cho nhân dân địa phương một nguồn lợi kinh tế lớn.

Trước tình hình trong những ngày qua, do gió chướng hoạt động mạnh kết hợp với triều cường nên độ mặn tăng đột biến lấn sâu vào phía thượng lưu sông Tiền. Tại cầu Xoài Hột, xã Bình Đức, huyện Châu Thành, cách vàm Cửa Tiểu khoảng 60km đã ghi nhận độ mặn 0,16g/lít. Trên sông Hàm Luông phía Bến Tre độ mặn cũng tăng cao và lấn sâu vào thượng lưu đe dọa các vùng chuyên canh cây ăn quả phía Nam Quốc lộ 1, tỉnh Tiền Giang.

Công nhân trên công trình cống Cây Cồng. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Cai Lậy Đoàn Bảo Ngoan yêu cầu các xã, phường tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân trữ ngọt trong ao mương vườn; nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh nguồn nước, sử dụng tiết kiệm nước tưới tiêu…

Thị xã Cai Lậy huy động các nguồn lực đầu tư nạo vét kênh mương nội đồng, khai thông dòng chảy cũng như đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi phòng, chống thiên tai. Trong trường hợp mực nước nội đồng xuống thấp triển khai ngay kế hoạch huy động phương tiện, tổ chức bơm chuyền 2 cấp đảm bảo nước tưới tiêu cho cây trồng, giảm nhẹ thiệt hại. Đồng thời, xây dựng phương án phòng chống hạn mặn, đảm bảo nguồn nước tưới cho gần 6.500ha lúa vụ Hè Thu và gần 15.000ha vườn chuyên canh cây ăn quả đặc sản: sầu riêng, mít Thái siêu sớm…

Theo lãnh đạo huyện Cai Lậy, địa phương thực hiện song song hai giải pháp công trình và phi công trình. Đối với các xã yêu cầu xây dựng phương án phải thật cụ thể, sát hợp tình hình thực tế và ứng phó hiệu quả từng tình huống đồng thời triển khai một cách rộng rãi đến từng hộ dân để biết và phối hợp chặt chẽ cùng các ban ngành cùng thực hiện.

Cùng với đó, huyện Cai Lậy cũng dự trù kinh phí phòng chống hạn mặn, giảm nhẹ thiên tai trong mùa khô 2022-2023 trên 23,1 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư gần 7 tỷ đồng nạo vét 61 tuyến kênh mương nội đồng có chiều dài gần 61.000m, khối lượng đất đào đắp trên 207.000m3; đầu tư trên 14,4 tỷ đồng ngăn mặn…

Ông Nguyễn Văn Thật, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tam Bình cho biết địa phương đang theo dõi sát sao, cập nhật diễn biến mặn từng ngày trên các tuyến sông rạch để dự đoán, dự báo kịp thời tình hình xâm nhập mặn và triển khai phương án ứng phó hợp lý, hiệu quả, kiên quyết không để thiên tai gây thiệt hại cho sản xuất và đời sống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục