Trong hai ngày 16-17/9, Hội đồng Nhân dân tỉnh Tiền Giang khóa X đã tổ chức kỳ họp thứ 3 để bàn các giải pháp khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch COVID-19.
Theo Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Tiền Giang Võ Văn Bình, so với trước khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, mức độ nguy cơ các vùng theo bản đồ dịch tễ ngày 15/9 của tỉnh đang dần được cải thiện.
Tỷ lệ vùng nguy cơ rất cao “vùng đỏ” cấp huyện không còn, cấp xã từ 18% giảm xuống còn 2,9%. Cấp huyện ở mức nguy cơ cao “vùng cam” từ 45,5% giảm xuống còn 27,3%; cấp xã từ 19,4% giảm xuống còn 5,8%.
Cấp huyện ở mức nguy cơ “vùng vàng” chỉ còn huyện Gò Công Đông, cấp xã giảm xuống còn 18%. Cấp huyện ở mức bình thường mới “vùng xanh” tăng lên 63,6 %; cấp xã tăng lên 73,2%.
Bên cạnh đó, với sự tập trung lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Ủy ban Nhân dân tỉnh và chung sức của các cấp, ngành, mọi tầng lớp nhân dân, trong nửa đầu năm 2021, Tiền Giang đạt được những kết quả tích cực: Tăng trưởng kinh tế tăng 3,3% so với cùng kỳ 2020; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,64 tỷ USD, đạt 50,6% so kế hoạch, tăng 23,7% so với cùng kỳ.
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm được trên 5.309,5 tỷ đồng, đạt 50,1% dự toán năm, tăng 0,2% so cùng kỳ...
Lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, công tác an sinh xã hội được đảm bảo; chế độ, chính sách ưu đãi, chăm sóc người có công, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội thực hiện kịp thời; quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội giữ vững...
[COVID-19: Tiền Giang phát huy vai trò của các 'pháo đài vùng xanh']
Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Tiền Giang Võ Văn Bình cho biết, kỳ họp này, Hội đồng Nhân dân tỉnh Tiền Giang thống nhất đưa ra các giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội các tháng còn lại của năm 2021 trong bối cảnh vừa phải nỗ lực kiểm soát và đẩy lùi dịch COVID-19.
Đó là tiếp tục thực hiện nghiêm công tác phòng, chống COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương; tập trung đổi mới tổ chức sản xuất; ứng dụng công nghệ cao; thực hiện đồng bộ các chuỗi giá trị trên cây lúa, cây ăn quả, rau màu, chăn nuôi và thủy sản...
Mặt khác, tỉnh tăng cường năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.
Tỉnh chú trọng giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp; đặc biệt là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp; tăng cường xuất khẩu qua các thị trường truyền thống và khai thác tốt các thị trường mới khi các Hiệp định Thương mại tự do đã có hiệu lực.
Tiền Giang đặc biệt quan tâm các giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 như: Cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, tiếp tục cho vay mới; xử lý nợ xấu theo chỉ đạo của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài ra, tỉnh chú trọng nâng cao Chỉ số hải lòng của người dân (SIPAS), chỉ số cải cách hành chính (Par Index), Chỉ số Quản trị và Hành chính công (PAPI), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Song song với đó, tỉnh nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, hiệu quả thông qua việc bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên theo hướng đạt chuẩn và trên chuẩn; quy hoạch lại trường lớp, mở rộng mạng lưới cơ sở dạy nghề và giáo dục nghề nghiệp.
Tiền Giang tập trung sức mạnh của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân, phấn đấu năm 2021 đạt một số chỉ tiêu chủ yếu, quan trọng gồm: GRDP bình quân 61,8 triệu đồng/người/năm, kim ngạch xuất khẩu 325 tỷ USD, huy động tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 39.650 tỷ đồng, thu ngân sách 11,137 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 16.000 lao động, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 92%... từ đó, tạo tiền đề bứt phá cho năm 2022./.