Tiên đoán về tân giáo hoàng từ cách đây 12 năm

Cách đây 12 năm, cựu nghị sỹ Elisa Carrió đã tiên đoán Hồng y người Argentina, Jorge Mario Bergoglio, sẽ trở thành Giáo hoàng.
Với việc trúng cử trở thành người đứng đầu Giáo hội Cơ đốc La Mã, Hồng y người Argentina Jorge Mario Bergoglio đã gây bất ngờ lớn cho toàn thế giới. Thế nhưng từ cách đây 12 năm, cựu nghị sỹ và từng là ứng cử viên Tổng thống Argentina Elisa Carrió đã tiên đoán ông sẽ trở thành Giáo hoàng. Báo chí Argentina cho biết, vào năm 2001, bà Carrió, lúc đó là hạ nghị sỹ, có cuộc gặp với ông Bergoglio, khi đó là Tổng giám mục giáo phận Buenos Aires. Sau cuộc trò chuyện riêng liên quan tới vấn đề giáo hội với Tổng giám mục, bà Carrió nói với những người trợ lý đang chờ bà: “Con người này sẽ trở thành Giáo hoàng.” Trong khi các trợ lý không tin điều mình vừa nghe, bà Carrió quay lại phía ông Bergoglio và nói: “Ngài sẽ trở thành Giáo hoàng” trước khi chia tay ông. Hơn một thập kỷ sau lời dự báo đó, Tổng giám mục mang dòng máu Italy này đã được bầu là người đứng đầu Vatican tại mật nghị hồng y hôm 13/3 trước sự ngạc nhiên thú vị trên toàn thế giới, vì ông không phải là ứng viên sáng giá nhất để kế nhiệm Giáo hoàng Benedict XVI, nhưng không khiến bà Carrió bất ngờ. Có lẽ dự báo của bà Carrió dựa vào những cảm nhận sâu sắc về ông Bergoglio, một con người không chỉ uyên bác (ông nói 5 thứ tiếng: Tây Ban Nha, Italy, Đức, Anh, Pháp), mà còn có cuộc sống giản dị, gần gũi với dân chúng. Báo chí Argentina cho biết mặc dù là Tổng giám mục, ông Bergoglio vẫn sống tại một căn hộ, thường di chuyển bằng xe buýt hoặc tàu điện ngầm, tự nấu ăn cho mình và luôn từ chối các lời mời đi ăn tại nhà hàng. Ông mua vé máy bay hạng phổ thông để đi Rome mỗi khi được triệu tập. Trong những ngày có mặt tại Vatican để bầu Giáo hoàng, ông đi bộ đi họp chứ không dùng xe công. Sau khi được bầu làm Giáo hoàng, ông vẫn giữ phong cách sống này. Xuất hiện lần đầu tiên trước công chúng tại ban công nhìn ra quảng trường St. Peter, tân Đức Thánh cha không đeo chiếc thánh giá bằng vàng mà chỉ đeo thánh giá bằng bạc, không đeo khăn choàng. Ông không coi mình là Giáo hoàng mà là “Giám mục thành Rome” và phát biểu bằng tiếng Italy tạo sự gần gũi đối với người dân Rome. Sau buổi lễ ra mắt đó, ông trở về nơi ở, nhưng không sử dụng chiếc limousine dành cho Giáo hoàng mà đi xe chung với các đức hồng y khác. Trong hoạt động đầu tiên ngoài Vatican hôm 14/3, ông cũng sử dụng một chiếc xe con bình thường.

Giáo hoàng Francis đi cầu nguyện tại nhà thờ Santa Maria Maggiore ở Rome trong ngày 14/3, ngày đầu tiên đảm nhận cương vị mới (Nguồn: AFP)
Việc ông chọn danh xưng là Francis cũng cho thấy tính cách của tân Giáo hoàng. Đây là tên hiệu chưa được giáo hoàng nào chọn và là tên của vị thánh Francis của thành Assisi (Italy), từng là một thanh niên con nhà giàu tự nguyện trở thành một nhà tu hành khổ hạnh. Việc ông trúng cử trở thành giáo hoàng thứ 266 cũng gây bất ngờ lớn trong dân cá cược, vì các nhà cái đặt cược cho ông rất thấp (1 ăn 25). Các đặc phái viên của các tờ báo và kênh truyền hình lớn của Argentina tới Rome đưa tin bầu cử tại Vatican không tính tới khả năng ông Bergoglio trúng cử, nên đều phải kéo dài thời gian đặt phòng và điều chỉnh lịch làm việc cho phù hợp với tình huống mới. Tất cả người dân Argentina đều cho rằng việc một người Argentina trở thành Đức Thánh cha là một trong những sự kiện lớn nhất trong lịch sử nước này. Thậm chí, có ý kiến cho rằng ông Bergoglio là nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử hơn 200 năm của Argentina kể từ khi quốc gia Nam Mỹ này giành được độc lập từ Tây Ban Nha năm 1810. Chính vì không nghĩ mình trúng cử nên hành trang của ông đi Vatican lần này vẫn rất gọn nhẹ, và đích thân ông, sau khi trở thành Đức Thánh cha, đã tới nhà khách để lấy đồ và thanh toán tiền trọ trong những ngày ông có mặt tại đây để tham gia bỏ phiếu bầu Giáo hoàng, động thái gây cảm kích cho những người tháp tùng. Việc trúng cử trở thành người đứng đầu Vatican đầu tiên không phải là người châu Âu trong hơn 1.200 năm qua đã đảo lộn toàn bộ kế hoạch riêng của chính ông Bergoglio, vì theo báo chí Argentina, cuối năm 2011, khi tròn 75 tuổi, ông đã viết đơn từ chức để có điều kiện nghỉ dưỡng tuổi già./.
Quang Sơn/Buenos Aires (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục