Tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước vẫn rất chậm

Từ năm 2016 đến tháng 3/2020, có 174 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.126 tỷ đồng; trong đó, giá trị vốn nhà nước là 206.748 tỷ đồng.
Tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước vẫn rất chậm ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo Bộ Tài chính, tình hình cổ phần hóa trong giai đoạn 2016-2019 còn chậm, chưa đạt được kế hoạch đề ra khiến áp lực hoàn thành tiến độ dồn vào năm 2020 càng thêm nặng nề.

Từ năm 2016 đến tháng 3/2020, có 174 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.126 tỷ đồng; trong đó, giá trị vốn nhà nước là 206.748 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong 174 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 36/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, đạt 28% kế hoạch.

Số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch tính đến hết năm 2020 là 92 doanh nghiệp. Trong khi đó, theo Bộ Tài chính, trong tháng 3/2020, không có doanh nghiệp nào thực hiện cổ phần hóa.

[Không để Nhà nước tiếp tục gánh nợ treo của 12 dự án yếu kém]

Bộ Tài chính nhận định tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp còn chậm, những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp thuộc danh sách phải thực hiện cổ phần hóa trong năm 2020 là Hà Nội phải cổ phần hóa 13 doanh nghiệp (trong đó có 4 tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch; Thành phố Hồ Chí Minh cổ phần hóa 38 doanh nghiệp (11 tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa 6 doanh nghiệp 3 tập đoàn, 3 tổng công ty); Bộ Công Thương cổ phần hóa 4 doanh nghiệp (3 tổng công ty); Bộ Xây dựng cổ phần hóa 2 tổng công ty.

Về công tác thoái vốn, trong tháng 3/2020, Bộ Tài chính cho biết có 2 đơn vị báo cáo tình hình thực hiện thoái vốn đầu tư tại các doanh nghiệp với tổng giá trị là 213,4 tỷ đồng, thu về 308,5 tỷ đồng.

Trong 3 tháng đầu năm 2020, cả nước thoái được 397 tỷ đồng, thu về 772 tỷ đồng. Tổng số thoái vốn từ năm 2016 đến tháng 3/2020 là 25.166 tỷ đồng, thu về 171.844 tỷ đồng.

Do tình hình triển khai cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn 2016-2019 còn chậm, chưa đạt được kế hoạch đề ra nên Bộ Tài chính cho biết số lượng doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn trong năm 2020 là rất lớn.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch bệnh trong 3 tháng đầu năm 2020 làm cho thị trường tài chính chứng khoán sụt giảm, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị đình trệ, ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế thế giới và Việt Nam.

Vì vậy, để đạt được mục tiêu đã đặt ra cho cả giai đoạn 2016-2020, Bộ Tài chính cho rằng trong năm 2020 cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước về cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp theo chỉ đạo, phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, Bộ đề nghị người đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo quyết liệt trong việc triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước theo kế hoạch đã đề ra, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả triển khai cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ khi không hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ đã giao.

Mặt khác, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần đánh giá tính khả thi trong việc triển khai thực hiện kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trường hợp không đảm bảo hoàn thành, đề nghị kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục