Tiền điện tử: Những cơ hội và thách thức về quy định điều chỉnh

Một số quốc gia đang trên đường hợp pháp hóa tiền điện tử và một số quốc gia đang đưa ra các quy định kiểm soát việc sử dụng chúng.
Tiền điện tử: Những cơ hội và thách thức về quy định điều chỉnh ảnh 1Đồng tiền kỹ thuật số Bitcoin. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang Quỹ quốc tế Viverkanada (VIF) mới đây đã đăng bài phân tích của Nghiên cứu viên cao cấp Debopama Bhattacharya có tựa đề “Tiền điện tử và những thách thức về quy định.” Bài viết có nội dung như sau:

Tiền điện tử là các mã thông báo kỹ thuật số hoặc tiền tệ kỹ thuật số thường được các tổ chức phi chính phủ phát hành. Chúng được phân loại là một loại tài sản đặc biệt, trong đó các khoản thanh toán được thực hiện trực tiếp thông qua mạng trực tuyến mà không có sự can thiệp của bất kỳ cơ quan nhà nước nào. Đồng tiền điện tử đầu tiên được phát hành một người có biệt danh “Satoshi Nakamoto” vào năm 2008.

Về bản chất, việc sử dụng các loại tiền điện tử đều là ẩn danh, có nghĩa là danh tính của người dùng không được tiết lộ. Tính đến hiện tại, đã có hơn 10.000 loại tiền điện tử xuất hiện trên toàn thế giới.

Trong vài năm qua, nhu cầu giao dịch tiền điện tử đã tăng lên đáng kể. Lý do được cho là vì chúng có bản chất sinh lợi như tài sản. Tuy nhiên, tiền điện tử đã trở thành một yếu tố gây lo ngại cho chính phủ nhiều nước do tính chất ẩn danh của nó. Nhiều nước đã ra lệnh cấm các loại tiền này.

Trong bài báo này, tác giả sẽ thảo luận về công nghệ đằng sau tiền điện tử, những thách thức về quy định trong nước và trên toàn thế giới, những thách thức về an ninh mạng và những dự đoán trong tương lai.

Tiền điện tử là gì?

Tiền điện tử là một loại tiền kỹ thuật số thường được phát hành bởi một tổ chức phi chính phủ. Tổ chức này sử dụng ‘cryptography’- một công nghệ mã hóa để duy trì và đảm bảo các giao dịch tiền tệ được thực hiện trơn tru.

Các giao dịch tiền điện tử chỉ bị hạn chế trong một mạng kỹ thuật số - chúng hầu như không tồn tại ở dạng vật chất như tiền giấy hoặc thẻ tín dụng/thẻ ghi nợ và có một phân loại riêng khác với chứng khoán, hàng hóa hoặc thậm chí là tiền tệ.

[Bitcoin “đạt thành tích” tốt nhất kể từ tháng 10/2021]

Vài năm gần đây, số lượng tiền điện tử đã phát triển lên tới hơn 10.000 loại khác nhau. Những đồng tiền phổ biến nhất bao gồm Bitcoin, Ethereum, Tether, Ripple, Dogecoin, Binance coin...Tiền điện tử khác với Đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) vì loại tiền này được giao dịch hợp pháp và hầu hết là dạng điện tử của đồng nội tệ bằng giấy của quốc gia đó.

Trong khi đó, tiền điện tử là một loại tiền tệ độc lập, không có các quỹ dự phòng tập trung. Chúng chỉ đơn giản là một phương tiện giao dịch không có giá trị nội tại, với giá trị của chúng được xác định bởi thị trường cung và cầu giống như các tài sản khác.

Bitcoin là tiền điện tử đầu tiên được phát hành dưới dạng phần mềm mã nguồn mở một năm sau khi một bản báo cáo được đăng dưới tên tác giả “Satoshi Nakamoto” mô tả hệ thống thanh toán điện tử.

Đặc điểm chính của hệ thống là cho phép giao dịch tiền tệ trực tiếp giữa những người dùng mà không cần tiết lộ danh tính và không có sự can thiệp từ bất kỳ chính phủ nào. Vì lý do này, tỷ giá thường biến động mạnh là một trong những đặc điểm không đổi của tiền điện tử.

Việc điều tiết tiền điện tử cũng là một thách thức lớn, vì các cơ quan chức năng nhà nước có rất ít quyền kiểm soát đối với nó. Công nghệ cơ bản của tiền điện tử dựa trên công nghệ sổ cái phân tán (DLT), chủ yếu là công nghệ blockchain sử dụng kỹ thuật mã hóa giúp ẩn danh hoạt động giao dịch.

Công nghệ nền tảng của tiền điện tử

Công nghệ DLT giống như blockchain - có nghĩa là chuỗi khối. Với DLT, mỗi khối chứa dữ liệu của giao dịch tiền điện tử đã diễn ra ở dạng được mã hóa. Dữ liệu này trên blockchain có thể được truy cập bởi bất kỳ ai trên mạng.

Hàm băm mật mã (một thuật toán toán học) được sử dụng để tạo liên kết giữa hai khối liên tiếp trong chuỗi chứa lịch sử cơ sở dữ liệu. Trong trường hợp có sự thay đổi trong lịch sử cơ sở dữ liệu, liên kết sẽ bị hỏng - báo hiệu đã có một khối bị can thiệp và khối này sau sẽ được thay thế bằng mạng lưới.

Điều này cho thấy blockchain ghi lại các giao dịch theo cách có thể xác minh, bảo vệ dữ liệu khỏi giả mạo hoặc bị hư hại. Ngoài ra, công nghệ blockchain còn có nhiều ứng dụng khác ngoài tiền điện tử.

”Đào” tiền điện tử và ví tiền điện tử

Các giao dịch diễn ra trên blockchain được lưu trữ trong các khối của sổ cái phân tán như một cơ sở dữ liệu được cập nhật theo mọi giao dịch. “Đào” tiền điện tử được gọi là quá trình "thợ đào tiền điện tử" xác minh các giao dịch bằng cách giải quyết các mật mã phức tạp, thu thập chúng trên blockchain sau khi xác nhận.

Các bài giải cũng được kiểm tra chéo bởi những người khai thác hoặc người dùng khác trên cùng một mạng trước khi được nhập vào khối. Những người đào tiền điện tử cung cấp sức mạnh tính toán cần thiết cho quá trình khai thác, do đó họ được thưởng bằng bitcoin mới cho việc giải mã của mỗi khối.

Hoạt động đào tiền điện tử trong những năm gần đây đã trở thành một hoạt động kinh doanh tạo ra lợi nhuận do mô hình thưởng bitcoin của nó.

Giao dịch tiền điện tử yêu cầu một ví kỹ thuật số để lưu trữ tiền điện tử giống như một ví kỹ thuật số. Có một số sàn giao dịch tiền điện tử (số liệu không được thống kê chính xác vì chúng không được quản lý) trên khắp thế giới cung cấp dịch vụ này. Binance, Coinbase, Kraken, Bitstamp là một số sàn lớn nhất.

Người dùng cũng có thể chọn tự lưu trữ tiền điện tử thay vì sử dụng bên thứ ba (sàn giao dịch tiền điện tử) vì phía sàn có thể yêu cầu họ chia sẻ thông tin cá nhân. Tuy nhiên, việc tự lưu trữ cũng có các rủi ro an ninh mạng khác vì người dùng phải tự chịu trách nhiệm về bảo mật ví của mình.

Rủi ro an ninh mạng liên quan

Việc thiếu sự quản lý của cơ quan nhà nước đương nhiên khiến tiền điện tử dễ gặp rủi ro về an ninh mạng. Tội phạm mạng liên quan đến tiền điện tử chủ yếu nhắm vào các ví tiền điện tử và quá trình đào tiền điện tử.

Các nền tảng giao dịch tiền điện tử giả mạo (cả ứng dụng và trang web) bắt chước ví tiền điện tử gốc đang gia tăng. Người dùng không phân biệt được đâu là nền tảng gốc và nền tảng giả mạo thường chia sẻ thông tin chi tiết về bảo mật và tài chính, từ đó trở thành nạn nhân của các cuộc tấn công lừa đảo.

Các mối đe dọa an ninh mạng khác liên quan đến tiền điện tử bao gồm các trò gian lận như bán các loại tiền điện tử không tồn tại cho những khách hàng có ít kiến thức về giao dịch tiền điện tử. Một tội phạm mạng nổi bật liên quan đến tiền điện tử là “crypto-jacking,” trong đó thiết bị của nạn nhân bị xâm nhập, chiếm quyền và sử dụng để khai thác tiền điện tử mà họ không hề hay biết.

Như đã đề cập trước đây, đào tiền điện tử là một quá trình tiêu tốn nhiều năng lượng, phát sinh chi phí rất lớn. Đó là lý do tại sao “crypto-jacking” là một loại tội phạm mạng phổ biến nhắm mục tiêu vào thiết bị của người dùng và sử dụng tài nguyên năng lượng của nó để khai thác tiền điện tử.

Ngoài tấn công tiền điện tử, các trò gian lận về những đợt phát hành tiền điện tử lần đầu ra công chúng (ICO) đang gia tăng từng ngày. ICO là một cách để các công ty tiền điện tử huy động tiền, trong đó khách hàng được hứa giảm giá cho các đồng tiền điện tử mới để đổi lấy các loại tiền điện tử đang hoạt động và phổ biến như bitcoin. Các công ty lừa đảo thường thuê văn phòng giả để đánh lừa khách hàng nhưng rồi biến mất sau đó.

Các hoạt động tội phạm mạng nghiêm trọng khác còn bao gồm đến các cuộc tấn công đòi tiền chuộc (ransomware), bên cạnh những hoạt động tội phạm trên web đen (dark web) như rửa tiền, buôn bán ma túy, tài trợ khủng bố bằng các giao dịch bằng tiền điện tử. Việc sử dụng tiền điện tử cho những hoạt động như vậy gây khó khăn cho các cơ quan thực thi pháp luật trong việc theo dõi dấu vết của tiền để thu thập bằng chứng phạm tội.

Trong một số cuộc trấn áp thành công của các cơ quan thực thi pháp luật, Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) hồi tháng 8/2022 buộc tội một số người liên quan đến một kế hoạch lừa đảo đa cấp liên quan đến tiền điện tử có tên là Forsage. Kế hoạch này đã huy động được khoảng 300 triệu USD từ các nhà đầu tư khác nhau trên thế giới bao gồm cả Mỹ.

Một vài tuần trước đó vào tháng 7/2022, sàn giao dịch tiền điện tử Kraken cũng bị Bộ Tài chính Mỹ điều tra vì vi phạm các lệnh trừng phạt của liên bang đối với Iran. Vào cùng tháng, ba người ở Mỹ - một trong số đó là nhân viên của sàn Coinbase - bị Ủy viên công tố ở New York và Cục Điều tra Liên bang Ntx (FBI) buộc tội âm mưu giao dịch nội gián các tài sản điện tử của Coinbase.

Xa hơn nữa, vào tháng 3/2019, dịch vụ ‘Coinhive’ phải ngừng hoạt động sau khi bị phát hiện có thực hiện hoạt động crypto-jacking. Coinhive đã cung cấp mã cho phép các trang web sử dụng máy tính của khách truy cập để khai thác loại tiền điện tử có tên Monero.

Cơ hội và trở ngại

Dù vậy, bất chấp các mối đe dọa mạng liên quan đến tiền điện tử, công nghệ tài chính (Fintech) đã phát triển nhanh trong những năm gần đây, giúp các hoạt động giao dịch tài chính trở nên dễ dàng hơn và mang lại lợi thế cho các nhà đầu tư trên toàn thế giới.

Tiền điện tử sử dụng Fintech tiên tiến giúp việc chuyển tiền dễ dàng hơn cũng như được bảo mật. Việc tạo ví tiền điện tử rất nhanh chóng, dễ dàng và có thể được thực hiện trực tuyến từ mọi nơi trên thế giới.

Các giao dịch tiền điện tử chủ yếu ẩn danh vì thông tin ví tiền điện tử bị ẩn. Đồng tiền điện tử rất khó bị làm giả, bị sao chép hoặc sử dụng hai lần. Chi phí hoạt động cũng khá thấp so với các khoản phí mà các ngân hàng thu đối với các giao dịch tài chính.

Việc không có cơ quan quản lý nhà nước cấp quyền kiểm soát mang tới khả năng kiểm soát bình đẳng cho tất cả những người tham gia trong mạng lưới, giúp nó trở thành một mạng phi tập trung. Lỗi trong bất kỳ phần nào của mạng lưới cũng không làm ngừng hoạt động của hệ thống vì mọi máy tính thuộc hệ thống đều chia sẻ trách nhiệm đào tiền điện tử.

Các công ty tiền điện tử có thể tạo vô số địa chỉ mà không tiết lộ bất kỳ thông tin cá nhân nào của người dùng. Đồng thời, lịch sử của mọi giao dịch đã diễn ra được lưu trữ trong các khối tuần tự vừa trở nên minh bạch cũng vừa mang tính ẩn danh. Ngoài ra, các giao dịch tiền điện tử diễn ra khá nhanh.

So với thẻ tín dụng - loại thẻ yêu cầu cung cấp dữ liệu như số thẻ và các chi tiết khác để giao dịch, qua đó làm chúng kém tin cậy hơn, tiền điện tử hoàn toàn an toàn vì không cần phải tiết lộ dữ liệu trong quá trình giao dịch.

Ví tiền điện tử chủ yếu hoạt động trên hai khóa - một trong số đó là công khai và có sẵn cho tất cả địa chỉ ví. Khóa còn lại là riêng tư mà chỉ chủ sở hữu mới biết. Các giao dịch chỉ xảy ra khi chủ sở hữu của tiền điện tử áp dụng các khóa riêng và một hàm toán học.

Tuy nhiên, trong thị trường tiền điện tử non trẻ, sự biến động là một bất lợi lớn. Tiền điện tử rất không ổn định: giá trị của chúng phụ thuộc rất nhiều vào tuyên bố của các chính phủ khác nhau. Giá tiền điện tử cũng phụ thuộc vào giá trị cảm nhận và cung - cầu giống như các công cụ tài chính khác.

Ngoài ra, việc số lượng tiền điện tử ngày càng tăng trong khi hầu như không có các quy định điều chỉnh đang làm gia tăng sự cạnh tranh và chênh lệch giá so với các thị trường tài chính khác như sàn giao dịch chứng khoán. Trong trường hợp xảy ra phá sản và lừa đảo liên quan đến tiền điện tử, sẽ không có cơ quan pháp luật nào đứng ra quản lý - điều gây ra sự do dự cho nhiều nhà đầu tư.

Một điều không thể bỏ qua là khai thác tiền điện tử tiêu tốn rất nhiều năng lượng và tài nguyên, thường đồng nghĩa chỉ phép các công ty lớn mới có thể hoạt động trong lĩnh vực này. Một mối quan tâm gia tăng khác liên quan đến tiền điện tử là bản chất ẩn danh của các giao dịch, điều khuyến khích những kẻ bất chính thực hiện các hoạt động bất hợp pháp trên web đen cùng một số hoạt động phi pháp nghiêm trọng khác.

Với cả cơ hội lẫn trở ngại đều rất lớn, lập trường về tiền điện tử giữa các quốc gia là không đồng nhất. Nhiều nước đã cấm chúng, trong khi một số ít đang ủng hộ hoặc trong quá trình xây dựng luật điều chỉnh chúng.

Quan điểm của Ấn Độ về tiền điện tử

Tiền điện tử ở Ấn Độ không phải là một đồng tiền kỹ thuật số hợp pháp và cũng không được coi là hợp pháp theo thông báo của chính phủ về Tài sản kỹ thuật số ra ngày 1/2 năm nay. Tuy nhiên, chính phủ nước này đã ra quyết định áp thuế 30% đối với bất kỳ thu nhập nào được tạo ra từ các giao dịch tiền điện tử cùng các tài sản kỹ thuật số khác và mã thông báo không thể thay thế (NFT). Ngoài ra, chính phủ cũng như khấu trừ thuế 1% tại nguồn (TDS) trên tất cả các giao dịch.

Trước đó vào năm 2010, Ấn Độ đã có lệnh cấm hoàn toàn đối với tất cả các hoạt động liên quan đến tiền điện tử như khai thác, mua hoặc bán. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI tức ngân hàng trung ương) cũng nhiều lần thể hiện sự miễn cưỡng đối với việc hợp pháp hóa tiền điện tử, ngụ ý rằng chúng đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước.

Tình hình thị trường tiền điện tử ở Ấn Độ đã thay đổi trong những năm gần đây, từ lệnh cấm hoàn toàn sang áp thuế. Tuy nhiên, việc áp thuế cũng không nhất thiết đưa tiền điện tử trở thành loại tài sản hợp pháp. “Dự luật về tiền điện tử và Quy định điều chỉnh đồng tiền kỹ thuật số chính thức năm 2021” hiện đang được xây dựng sẽ làm rõ tình trạng thực tế của tiền điện tử một khi dự luật trở thành luật.

Theo các báo cáo mới nhất, Chính phủ Ấn Độ đang tham vấn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và một số bên liên quan về các thông tin đầu vào có giá trị để đưa chúng vào chính sách tiền điện tử. Tuy nhiên, một thông báo quan trọng được đưa ra trong dự thảo Ngân sách quốc gia là việc tạo ra CBDC hoặc đồng rupee kỹ thuật số vào năm 2023. Đây sẽ là một đồng tiền số hợp pháp được hỗ trợ bởi RBI.

Con đường phía trước

Một số quốc gia đang trên đường hợp pháp hóa tiền điện tử và một số quốc gia đang đưa ra các quy định kiểm soát việc sử dụng chúng.

El Salvador vào tháng 9/2021 là quốc gia đầu tiên sử dụng bitcoin như đồng tiền hợp pháp cho tất cả các giao dịch, cùng với USD. Binance, sàn giao dịch tiền điện tử đã được cấp phép hoạt động tại Pháp, nơi công ty có thể cung cấp các dịch vụ giao dịch như đã được đăng ký với Cơ quan giám sát thị trường chứng khoán Pháp (AMF).

Tuy nhiên, một số quốc gia như Trung Quốc tuyên bố tất cả các giao dịch liên quan đến tiền điện tử là bất hợp pháp và thay vào đó đã giới thiệu CBDC của riêng họ. Indonesia, Singapore, Nhật Bản cũng đang đạt được tiến bộ trong việc sớm áp dụng CBDC.

Tiền điện tử là một sự đổi mới trong công nghệ tài chính không thể tránh khỏi giống như bất kỳ sự đổi mới công nghệ nào khác. Thế giới đang chứng kiến một cuộc cách mạng Fintech với các loại tiền kỹ thuật số và ứng dụng công nghệ chuỗi khối trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế.

Nhưng tiền điện tử được phân cấp tạo ra một hệ thống “không cần đặt niềm tin” và loại bỏ nhu cầu đối với các tổ chức như ngân hàng, do đó có thể dẫn đến việc một số bên tích lũy quyền lực và của cải vật chất, đánh mất tính toàn vẹn của các giao dịch tài chính.

Theo một số nhà quảng bá tiền điện tử, thị trường đã trở nên quá lớn nên việc cấm sẽ quá tốn kém đối với bất kỳ quốc gia nào. Tuy nhiên, với việc nhiều quốc gia có CBDC riêng như một sự thay thế cho tiền điện tử và một số đặt ra các quy định thích hợp về tiền điện tử thay vì cấm chúng, thị trường có thể chứng kiến một cách tiếp cận cân bằng cho phép công nghệ cơ bản hỗ trợ các nhà đầu tư, tăng cường tinh thần kinh doanh, thúc đẩy hòa nhập tài chính và mở ra những cánh cửa mới trong nền kinh tế kỹ thuật số cho mọi thành phần của xã hội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục