Cộng đồng ASEAN được thành lập sẽ đánh dấu bước phát triển mới quan trọng của ASEAN, thể hiện ý chí, nguyện vọng và nhận thức chung của các quốc gia thành viên về sự cần thiết phải nâng cao sự gắn bó và liên kết để tận dụng cơ hội, hóa giải thách thức trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến đổi.
Nhân dịp này, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Đại sứ Philippines tại Việt Nam HE Jerril G. Santos.
Sau đây là nội dung phỏng vấn:
- Đại sứ có thể cho biết Philippines đã tham gia vào quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN như thế nào và có những hoạt động gì để thu hẹp khoảng cách giữa các nước thành viên?
Đại sứ HE Jerril G. Santos: Là một trong những thành viên sáng lập của ASEAN, việc tham gia tích cực trong các cơ chế của ASEAN luôn là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Philippines.
Nhờ những nỗ lực đó, tháng 11/2015, Cộng đồng ASEAN đã chính thức được tuyên bố thành lập. Philippines đã không ngừng đóng góp cho tiến trình xây dựng cộng đồng thông qua sự tham gia tích cực của mình trong việc đạt được các mục tiêu đặt ra trong lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN dựa trên các kế hoạch chi tiết cho ba trụ cột gồm Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN (APSC), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN (ASCC).
Philippines đã đóng góp vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN thông qua những hoạt động không giới hạn như tổ chức hội nghị quốc tế hàng năm về xây dựng Cộng đồng ASEAN nhằm khuyến khích các cơ quan hữu quan Philippines tham gia vào các dự án phát triển do ASEAN tổ chức; tổ chức các cuộc gặp, hội nghị, hội thảo giữa ASEAN và các đối tác; ký kết/phê chuẩn hiệp ước và nghị định thư ASEAN; thúc đẩy nâng cao nhận thức và phổ biến thông tin về ASEAN cho người dân cả nước.
Đối với việc giúp thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên ASEAN, Philippines đã góp phần vào việc thực hiện các hoạt động xây dựng năng lực như tổ chức các cuộc hội thảo cho các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam) thông qua Sáng kiến Hội nhập kinh tế ASEAN (IAI).
- Đại sứ đánh giá như thế nào về mối quan hệ hợp tác giữa Philippines và Việt Nam trong khuôn khổ ASEAN?
Đại sứ HE Jerril G. Santos: Trong những năm vừa qua, chất lượng hợp tác giữa Philippines và Việt Nam không ngừng tăng lên thông qua bối cảnh các hội nghị do ASEAN tổ chức và các hoạt động khác. Sự tăng trưởng hợp tác này là do hai nước đều là thành viên của ASEAN, đều có các mối quan tâm chung có ý nghĩa vô cùng to lớn về các vấn đề liên ngành và xuyên quốc gia.
Ba năm qua, trong các sự kiện ASEAN được tổ chức tại Việt Nam để tiến tới chính thức thành lập Cộng đồng ASEAN, Đại sứ quán Philippines tại Việt Nam đã tham gia một cách tích cực và chủ động. Có thể kể đến các cuộc hội nghị, hội thảo và các sự kiện triển lãm được Bộ Ngoại giao Philippines và các cơ quan khác của chính phủ tổ chức, cũng như các hiệp hội, bao gồm cả Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Hà Nội (HAUFO).
Sự đóng góp của Đại sứ quán Philippines cho các hoạt động này cũng là một biểu hiện cho thấy mối quan hệ hợp tác giữa Philippines và Việt Nam ngày càng được tăng cường trong tiến trình đẩy mạnh sự phát triển của ASEAN.
- Thưa Đại sứ, Philippines sẽ tập trung vào các trọng tâm ưu tiên nào để góp phần thúc đẩy Cộng đồng ASEAN phát triển thực chất và đi vào chiều sâu?
Đại sứ HE Jerril G. Santos: Philippines nhận thấy rằng khi Cộng đồng ASEAN được thành lập, việc chia sẻ nhận thức giữa các thành viên trong quá trình hình thành Cộng đồng cần phải tiếp tục được thực hiện. Phần lớn các chỉ tiêu hiện đã được ASEAN hoàn thành thông qua những giải pháp đề ra trong các kế hoạch chi tiết của APSC, AEC, ASCC, số còn lại cần phải được hoàn thành trong thời gian còn lại của năm 2015 và trong năm 2016.
Quan trọng hơn, Tuyên bố Kuala Lumpur về ASEAN 2025 tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 27 vào tháng 11/2015 đã đánh dấu giai đoạn tiếp theo của xây dựng cộng đồng bằng cách thiết lập những mục tiêu mà ASEAN cần đạt được trong 10 năm tiếp theo. Việc đạt được những mục tiêu này là mong ước tiến đến một cộng đồng gắn kết về chính trị, kinh tế và có trách nhiệm.
Trong những năm gần đây, Philippines đã sử dụng cơ chế điều phối quốc gia riêng của mình, cụ thể là Hội đồng Philippines về hợp tác khu vực (PCRC) để đảm bảo sự phối hợp giữa các cơ quan chính phủ trong những chính sách có liên quan đến ASEAN cũng như thực hiện các dự án được cấp phép trong ASEAN.
Với động lực từ việc dẫn dắt các chương trình nghị sự của Cộng đồng ASEAN năm 2025, Philippines sẽ tiếp tục sử dụng cơ chế này cùng với các công việc được chuẩn bị trong nước khác để đảm bảo hiệu quả liên tục của Philippines trong các hoạt động của ASEAN và đóng góp vào giai đoạn mới của việc xây dựng cộng đồng.
- Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!