Tiễn biệt người thầy nổi tiếng, tài đức vẹn toàn Văn Như Cương

Sáng nay, ngày 12/10, lễ tang nhà giáo nổi tiếng Văn Như Cương sẽ được cử hành để tiễn ông về đất mẹ.
Tiễn biệt người thầy nổi tiếng, tài đức vẹn toàn Văn Như Cương ảnh 1Phó giáo sư Văn Như Cương. (Ảnh: Tùng Lâm/Vietnam+)

Sáng nay, ngày 12/10, lễ tang nhà giáo nổi tiếng Văn Như Cương sẽ được cử hành để tiễn ông về đất mẹ.

Gia đình cho biết, trước khi mất, ước nguyện lớn nhất của ông là được qua trường để thăm và chia tay học trò.

Vì thế, ngay sau lễ viếng, di hài ông sẽ được đưa qua trường Lương Thế Vinh ở cả hai cơ sở tại Cầu Giấy và Thanh Trì (Hà Nội) trước khi an táng tại nghĩa trang Văn Điển.

Trước đó, như báo VietnamPlus đã đưa tin, phó giáo sư Văn Như Cương, Chủ tịch hội đồng quản trị trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh, đã từ trần sáng ngày 9/10.

Sự ra đi của ông đã để lại niềm tiếc thương vô hạn không chỉ cho gia đình mà còn là mất mát lớn với hàng nghìn học sinh Lương Thế Vinh và cả với ngành giáo dục.

Tiễn biệt người thầy nổi tiếng, tài đức vẹn toàn Văn Như Cương ảnh 2Chân dung phó giáo sư, nhà giáo Văn Như Cương, tác phẩm đoạt giải nhất cuộc thi "Chân dung và cuộc sống Hà Nội qua ảnh" của tác giả Bùi Sơn. (Nguồn: BTC)

Phó giáo sư Văn Như Cương sinh năm 1937, trong một gia đình có truyền thống Nho học tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Năm 1954, học xong phổ thông, ông ra Hà Nội học khoa Toán, Đại học Sư phạm Hà Nội. Tốt nghiệp đại học, ông được giữ lại làm giảng viên của trường.

Năm 1954, ông rời Hà Nội về Vinh và là một trong những người đặt nền móng thành lập trường Đại học Vinh. Sau đó, ông theo học chương trình nghiên cứu sinh ngành Toán học tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (cũ) và bảo vệ thành công luận án phó tiến sỹ vào năm 1971. Trở về nước, ông tiếp tục sự nghiệp trồng người khi làm giảng viên môn Hình học tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Vinh.

Ông đã viết trên 60 đầu sách toán học các loại, từ sách giáo khoa phổ thông, sách tham khảo, giáo trình đại học.

[Phó giáo sư Văn Như Cương: Người lái đò miệt mài gần 60 năm không nghỉ]

Ông cũng là người đặt nền móng cho sự phát triển của hệ thống giáo dục tư khi năm 1989, ông cùng với thầy Nguyễn Xuân Khang thành lập trường Lương Thế Vinh, trường dân lập đầu tiên của Việt Nam kể từ sau khi thống nhất đất nước. 

Không chỉ là một trong những "cây đa, cây đề" của toán hình học Việt Nam, phó giáo sư Văn Như Cương còn nổi tiếng là người giỏi thơ văn, tài họa đối.

Đặc biệt, ông được nhiều thế hệ học sinh yêu quý và được nhiều người nể trọng vì là một nhà giáo say nghề, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục và yêu thương học trò.

Không chỉ dạy học sinh về tri thức, ông luôn nhắc nhở các em về bài học làm người, bài học về tình yêu gia đình, yêu quê hương đất nước, yêu lao động, sống tích cực và nhân ái.

Phó giáo sư Văn Như Cương cũng nổi tiếng là người thẳng thắn, cương trực, luôn có những ý kiến phản biện sắc sảo để thúc đẩy sự phát triển của giáo dục nước nhà.

[Tâm thư xúc động phó giáo sư Văn Như Cương gửi phụ huynh]

Trọn cuộc đời ông đã cống hiến cho giáo dục Việt Nam, cho biết bao thế hệ học sinh. Người thầy ấy, đến hơi thở cuối, vẫn muốn chào vĩnh biệt học sinh, vĩnh biệt mái trường, bục giảng. 

Bởi với phó giáo sư Văn Như Cương, như lời phát biểu của ông trong ngày khai trường năm 2016: “Thầy có thể nói rằng hơn 50 năm thầy đã sống thật là sung sướng. Thầy làm việc trong một môi trường trường học như thế này.”

“Bố thầy nói rằng rồi con sẽ khóc khi con bước lên bục giảng đầu tiên và con sẽ hạnh phúc hơn nếu con được sống những giờ phút cuối cùng bên những học sinh thân yêu của mình.”

Hôm nay, ông có lẽ rất hạnh phúc. Ông sẽ được chào từ biệt học trò, mái trường, chào bảng đen phấn trắng trước khi trở về cát bụi, được có những giờ phút cuối cùng bên những học sinh thân yêu của mình, như ông từng mong ước.

Vĩnh biệt ông, người thầy đồ xứ Nghệ mẫu mực, tài hoa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục