Không gì nức lòng hơn khi ''Em chưa 18'', một phim Việt trở thành quán quân phòng vé ở thị trường nội địa tính đến thời điểm này, với doanh thu gần 160 tỷ đồng trong thời gian kỷ lục - 3 tuần! Người làm phim Việt thở phào, tạm trút gánh nặng đè lên vai suốt hơn một năm qua, vẻ như ''khán giả ta vẫn ủng hộ phim nhà!''
[“Em chưa 18'' cán mốc 2 triệu vé sau 16 ngày công chiếu]
Một năm tang thương của phim nội địa
Nhiều người nói vui, nếu truy nguyên, lỗi này trước hết thuộc về phim ''Lật mặt'' của đạo diễn Lý Hải, bộ phim hành động hài bất ngờ trở thành bom tấn phòng vé hồi tháng 5/2015. Doanh thu mà ''Lật mặt'' mang về lên đến 80 tỷ đồng. Con số này khiến cho nhiều người đứng ngồi không yên, phong trào ''người người làm phim, nhà nhà làm phim'' bắt đầu từ đó.
Các nhà sản xuất thừa nhận, thời điểm này đổ vốn vào phim truyền hình cầm chắc lỗ do lợi nhuận phụ thuộc hoàn toàn vào hợp đồng quảng cáo, trong khi các nhãn hàng ngày càng hờ hững với phim truyền hình và tỏ ra hứng thú với gameshow thực tế.
Đã vậy, làm phim truyền hình tốn nhiều chi phí ''vận động hành lang,'' rồi phải xếp hàng chờ đến lượt phát sóng, có khi đến cả năm trời. Trong khi đầu tư vào phim điện ảnh, thắng thua chỉ vài tháng là ''hai năm rõ mười.''Ấn tượng với con số 80 tỷ đồng của ''Lật mặt,'' hàng loạt nhà sản xuất phim truyền hình chuyển hướng sang làm phim điện ảnh.
Tuy nhiên, phần lớn mọi người đã bị số tiền này làm mờ mắt mà quên mất một điều quan trọng rằng ''Lật mặt'' được đầu tư rất nghiêm túc từ kịch bản, dàn dựng, diễn xuất, thiết kế hành động, dựng phim… Các pha hành động hòa quyện với những tình huống hài rất tự nhiên, khiến người xem thích thú, tạo hiệu ứng tốt.
Trong khi, với tư duy truyền hình ăn sâu bắt rễ, các nhà sản xuất vô tư bê nguyên quan niệm ''có hình là có phim'' vào điện ảnh. Một series phim truyền hình 30 tập (45 phút/tập) được quay khoảng 45 ngày, vậy thì một phim điện ảnh dài 90 phút được quay đến 2 tuần là… quá xa xỉ!
Với công thức: một chút hài + một chút hành động + một chút tình cảm + vài gương mặt đình đám… và quan trọng nhất, cố gắng gói ghém mời cho bằng được một tên tuổi trong làng hài… Thế là xong! Vô số phim kiểu như thế đã ra đời và ''oanh tạc'' màn ảnh rộng năm 2016.
Năm ngoái có thể coi là năm lịch sử của màn ảnh Việt khi lần đầu tiên phim nội địa phải cạnh tranh khốc liệt với nhau, trung bình mỗi tháng có hai phim ra rạp. Cụm từ ''phim thảm họa'' trở thành từ khóa của điện ảnh Việt 2016!
Tất nhiên không vơ đũa cả nắm, khi cũng có nhiều phim được làm rất tốt, nhưng đó chỉ là thiểu số và không thể cưỡng lại cơn lũ phim hài nhảm, phim thảm họa. Dự án phim nhỏ chết, dự án phim lớn cũng chết.
Kinh phí triệu đô, đạo diễn triệu đô, ngôi sao triệu đô, nhà sản xuất triệu đô, danh hài quốc dân… tất cả đều ngậm đắng nuốt cay. Thị trường điện ảnh ảm đạm chưa từng thấy, gần 50 phim Việt ra rạp, nhưng con số hòa vốn và có lãi không quá một bàn tay.
Một tỷ lệ đáng sợ nhưng là món thuốc đắng cần thiết để cho thấy, điện ảnh, từ xưa đến nay, chưa bao giờ là công cụ kiếm tiền dễ dàng.
Kỷ lục được sinh ra là để... chờ bị phá
Điện ảnh Việt nửa đầu nay có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Vắng bóng những thể loại hài nhảm, nhiều nhà sản xuất đã dũng cảm dấn thân khai thác những vấn đề gai góc của xã hội, chấp nhận rủi ro về doanh thu để mang tới những bộ phim cảm xúc. Những ''Cha cõng con,'' ''Lô tô,'' ''Dạ cổ hoài lang,'' ''Có căn nhà nằm nghe nắng mưa''… là những ngọn gió mát lành như thế, đang dần lấy lại niềm tin nơi khán giả.
Tuy nhiên, một số nhà sản xuất và người làm truyền thông vẫn nhận định, năm nay, phim nào có doanh thu vượt qua được 20 tỷ đồng đã là mừng rồi. Với dự báo ảm đạm như thế, thành công lớn của ''Em chưa 18'' không chỉ được xem là kỳ tích, mà có thể là cứu cánh cho điện ảnh Việt khi khán giả gần như quay lưng với thị trường phim nội địa.
Sẽ không quá khi nói ''Em chưa 18'' đã làm được điều mà hơn một thập kỷ trước, phim ''Gái nhảy'' (2003) của đạo diễn Lê Hoàng đã làm, đó là lôi khán giả trở lại với phim Việt. Ai cũng hiểu mất niềm tin nơi khán giả là mất hết, và 2016 - một năm tan hoang phòng vé đã là một minh chứng rõ rệt. Vì thế, thành công về doanh thu của ''Em chưa 18'' thực sự là một liều thần dược mà điện ảnh Việt đang rất cần.
Nhiều người từng cho rằng, con số 103 tỷ đồng doanh thu của ''Em là bà nội của anh'' (2015) là không thể phá vỡ, nhưng chỉ sau hai năm, kỷ lục mới được nâng lên gần 160 tỷ đồng. Kỷ lục được thiết lập là để chờ bị phá vỡ! Phim Việt không mong gì hơn thế, nếu vẫn còn giữ được niềm tin nơi khán giả thì không gì là không thể!/.