Hiện nay, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông và châu Phi và là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trên thế giới.
Trong 10 năm qua, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều giữa hai nước đã tăng trưởng vượt bậc, từ xấp xỉ 500 triệu USD trong năm 2008 lên 5,6 tỷ USD năm 2017, tăng gấp 11 lần.
Trong cán cân thương mại, Việt Nam luôn ở thế xuất siêu với UAE.
Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, tính tới hết tháng 5/2018, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE đạt 2,4 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, đối với nhóm mặt hàng nông sản, 5 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang UAE có sự sụt giảm nhẹ, do bị cạnh tranh gay gắt bởi giá với các đối thủ cạnh tranh chính như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Philippines. Các mặt hàng sụt giảm có thể kể tới như hạt điều, hạt tiêu, hồi, quế…
Bên cạnh đó, các mặt hàng thế mạnh khác của Việt Nam như gạo và đặc biệt là hàng rau quả, trái cây tươi (chanh không hạt, thanh long, ổi…) có sự tăng trưởng khả quan, lần lượt 6% và 10%.
Tiềm năng xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường UAE nói riêng và khu vực Trung Đông, Châu Phi nói chung còn rất lớn và dự báo, trong nửa cuối năm 2018 cũng như trong các năm tiếp theo, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, dựa trên một số lý do sau:
[GDP ngành nông nghiệp 6 tháng tăng cao nhất trong 10 năm qua]
Thứ nhất, UAE nói riêng và khu vực Trung Đông, Bắc Phi nói chung có điều kiện thời tiết khắc nghiệt, không thích hợp để các quốc gia này có thể phát triển ngành nông nghiệp, trồng trọt, đáp ứng nhu cầu trong nước.
Do đó, để đảm bảo vấn đề an ninh lương thực cho người dân, các nước này hầu hết phải nhập khẩu hàng hóa nông sản.
Thứ hai, hiện nay, các mặt hàng nông sản của Việt Nam đã bắt đầu có chỗ đứng tại UAE, được thị trường và người tiêu dùng chấp nhận mẫu mã, quy cách và chất lượng hàng hóa.
Vì vậy, trong thời gian tới, các khách hàng vừa và lớn mà đã mua hàng của Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc nhập khẩu các mặt hàng này để phục vụ nhu cầu trong nước cũng như phục vụ việc tái xuất.
Thứ ba, một trong những đặc điểm đáng chú ý của thị trường UAE là thị trường cửa ngõ của khu vực Trung Đông và Châu Phi. Các mặt hàng được tạm nhập vào UAE với các điều kiện và ưu đãi lớn rồi sau đó được tái xuất sang khắp các quốc gia khác trong khu vực rộng lớn và tiềm năng này.
Vì vậy, việc tiếp cận được thị trường UAE, ngoài việc xuất khẩu trực tiếp vào thị trường này, còn mở ra được việc xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường khác tại khu vực Trung Đông, Châu Phi thông qua thị trường UAE.
Với những yếu tố thuận lợi nêu trên, tiềm năng xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam sang UAE nói riêng và thị trường Trung Đông, Châu Phi nói chung còn rất lớn.
Các doanh nghiệp trong nước cần có cách thức tiếp cận phù hợp để tận dụng các yếu tố trên.
Hiện nay, tại UAE có một số cách tiếp cận thị trường như sau:
Thứ nhất, các doanh nghiệp trong nước có đủ điều kiện, quyết tâm thâm nhập thị trường UAE một cách lâu dài và bền vững có thể xem xét việc mở văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại thị trường này.
Hiện nay, có 2 hình thức. Hình thức mở văn phòng đại diện tại các khu thương mại tự do (Free Zones) có lợi thế là được sở hữu 100% vốn đầu tư nước ngoài cũng như một loạt các ưu đãi khác.
Tuy nhiên, hình thức này lại tập trung chủ yếu vào việc tạm nhập tái xuất. hàng hóa vào các khu thương mại tự do này không được đưa trực tiếp vào trong UAE mà vẫn phải thông qua công ty tại UAE.
Hình thức mở văn phòng hoặc chi nhánh tại UAE sẽ giúp doanh nghiệp đưa hàng hóa trực tiếp vào UAE, tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ không được sở hữu 100% vốn mà ít nhất 51% vốn phải được một người bản địa đứng tên, sở hữu. Vì vậy, các doanh nghiệp cần cẩn trọng tìm các đối tác tin cậy, uy tín.
Thứ hai, các doanh nghiệp có thể xem xét sử dụng một “Agent - Đại lý” hoặc “Nhà phân phối - Distributor” tại Dubai để phân phối các sản phẩm của mình. Đây là cách thức phổ biến nhất hiện nay của các doanh nghiệp Việt Nam.
Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam hầu hết là bán hàng qua một số công ty vừa và nhỏ tại UAE, sau đó các công ty này sẽ tiếp tục bán lại sản phẩm cho các chuỗi siêu thị hoặc nhà phân phối khác tại UAE.
Vì vậy, các doanh nghiệp thường xuyên bị ép giá bán, trong khi sản phẩm lại có giá quá cao khi tới tay người dùng; đôi khi gặp phải rủi ro và tranh chấp, gian lận thương mại như khiếu nại chất lượng hàng hóa, nhận đặt cọc không chuyển hàng, giao dịch với công ty ma…
Đây cũng là tình trạng thường xuyên xảy ra với giữa doanh nghiệp hai nước, gây tâm lý e ngại và lo lắng cho các doanh nghiệp Việt Nam khi làm ăn kinh doanh với thị trường này.
Một trong những đại lý, nhà phân phối uy tín nhất, phổ biến nhất và hiệu quả nhất chính là các hệ thống chuỗi siêu thị tại UAE. UAE có rất nhiều các hệ thống chuỗi siêu thị bao phủ khắp cả nước cũng như kể cả tại các nước trong khu vực Trung Đông và châu Phi.
Do đó, hiện nay, một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã bắt đầu làm việc trực tiếp với các chuỗi siêu thị này để cung cấp hàng hóa trực tiếp vào hệ thống siêu thị.
Điển hình trong tháng 4 và tháng 5/2018, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Hapro đã làm việc, giao dịch với 2 chuỗi siêu thị lớn tại UAE để cung cấp trực tiếp 50 container gạo, dưới hình thức đóng bao 5-10kg cho các chuỗi siêu thị này để phân phối tại UAE cũng như tại các nước trong khu vực Trung Đông và Châu Phi khác.
Qua đó, các sản phẩm của Việt Nam sẽ trực tiếp tới được tay người tiêu dùng, với giá cả hợp lý, chất lượng được đảm bảo.
Ngoài ra, việc giao dịch với các chuỗi siêu thị lớn sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước bán được hàng với số lượng lớn, ổn định và bền vững cũng như việc thanh toán được đảm bảo đúng tiến độ và uy tín./.