Tiềm năng "xuất khẩu" bất động sản tại chỗ vẫn còn rộng mở

Thị trường bất động sản Việt Nam; trong đó, có Hà Nội đang trở thành “miếng bánh” béo bở đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi mà lợi nhuận từ lĩnh vực đầu tư này đang ngày càng hấp dẫn.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Thị trường bất động sản Việt Nam; trong đó, có Hà Nội đang trở thành “miếng bánh” béo bở đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi mà lợi nhuận từ lĩnh vực đầu tư này đang ngày càng hấp dẫn. Đặc biệt, với lượng chuyên gia, doanh nhân nước ngoài đến Hà Nội công tác, làm việc và sinh sống đang có chiều hướng tăng lên, đồng nghĩa với nhu cầu sở hữu bất động sản tại Hà Nội cũng sẽ tăng theo.

Hạ tầng và vị trí hút nhà đầu tư ngoại

Theo giới đầu tư bất động sản “thạo nghề,” phía Tây và phía Bắc Thủ đô là những khu vực được giới đầu tư đánh giá là đang có sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đáng chú ý, khu vực phía Tây đang là điểm nóng thu hút khách hàng nước ngoài từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore… mua, thuê căn hộ cao cấp.

Tại sao lại như vậy? Anh Nguyễn Phúc Thanh, một nhà đầu tư bất động sản lâu năm tại Hà Nội lý giải bởi nơi đây tập trung rất nhiều bộ, ngành, công trình trọng điểm quốc gia, Trung tâm hội nghị quốc tế, Khu Liên hiệp thể thao, … cũng là nơi đặt trụ sở của nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.

[“Kỹ nghệ” mua nhà chung cư trong thời đại công nghệ thông tin]

Không chỉ vậy, hạ tầng giao thông khu vực này khá hiện đại và ổn định, thuận tiện cho việc di chuyển tới các khu vực trong nội thành cũng như các tuyến giao thông chính tới các tỉnh, thành khác.

Từ lợi thế đó, các chuyên gia nhận định, khu vực phía Tây nói chung và Mỹ Đình nói riêng trong thời gian tới vẫn tiếp tục là điểm đến ưa thích của các khách hàng ngoại quốc. Quan trọng hơn, nhóm khách hàng này sẽ có những đòi hỏi cao về mọi mặt của sản phẩm, nhất là tiện ích nên đây sẽ là cơ hội dành cho các chủ đầu tư lớn, uy tín và các dự án thực sự đẳng cấp.

Trong khi đó, khu vực phía Bắc lại có một sức hấp dẫn riêng đối với các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là đối với phân khúc cao cấp. Bà Nguyễn Bích Trang, Giám đốc CBRE Chi nhánh Hà Nội cho biết, công ty đã nghiên cứu rất nhiều về quy hoạch phát triển của Hà Nội. Theo đó, khu vực phía Bắc và xa hơn là phía bên kia cầu Nhật Tân hiện đang trên đà phát triển rất mạnh.

Trong tương lai 5-7 năm tới, khu vực này sẽ hình thành các khu đô thị mới làm thay đổi hoàn toàn thị trường bất động sản Hà Nội ở tất cả phân khúc. Trong đó, chủ yếu sẽ là các sản phẩm bất động sản trung và cao cấp, đặc biệt là các sản phẩm nghỉ dưỡng ngoại ô.

Trao đổi về lý do của sự hấp dẫn này, Giám đốc CBRE Hà Nội cho rằng, bất động sản phía Bắc có tiềm năng phát triển các phân khúc cao cấp hơn các khu vực khác là do sở hữu các ưu thế về địa lý. Khu vực này vốn được xem như “đầu Rồng” của Thủ đô, hướng đắc địa của Hà Nội.

Cùng chung quan điểm này, ông Lê Mạnh Cường, Trưởng phòng Quy hoạch Kiến trúc, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng, vị trí quyết định giá trị của bất động sản. Theo kinh nghiệm phát triển của các thành phố lớn trên thế giới, hướng mở rộng thành phố bao giờ cũng về phía có sông hoặc kết nối thuận tiện với sân bay, rất ít các thành phố phát triển theo chiều ngược lại.

Đây chính là nguyên nhân khiến hàng loạt các dự án đô thị kết nối về phía Nam như Hoà Lạc, Xuân Mai không đạt được những thành công như mong đợi. Tuy nhiên, nhiều dự án tại phía Bắc, đặc biệt là bờ bên kia sông Hồng, hiện vẫn đang còn nằm trong quy hoạch nhưng đã thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư và khách hàng nước ngoài.

Thị trường đầy tiềm năng

Theo thống kê, Việt Nam có khoảng hơn 82.000 người nước ngoài đang sinh sống và làm việc; trong đó, Hà Nội là nơi tập trung đông người nước ngoài đến từ các quốc gia như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Nga, Mỹ…

Còn theo báo cáo của Ngân hàng HSBC Việt Nam, 29% chuyên gia nước ngoài đang làm việc ở Việt Nam sẵn sàng dùng tiền tiết kiệm để xem xét khả năng mua nhà tại Việt Nam. Họ nằm trong số 30% khách hàng tiềm năng mua căn hộ cao cấp, 2% khách hàng tiềm năng mua căn hộ hạng sang.

Trước đó, liên quan đến việc sở hữu bất động sản của người nước ngoài, từ năm 2015, Luật Nhà ở sửa đổi theo hướng tạo thuận lợi cho người nước ngoài mua nhà đã trở thành tín hiệu tích cực thúc đẩy số lượng giao dịch của nhóm khách hàng này.

Bên cạnh đó, những năm gần đây, chính sách thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có chính sách cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam đã dần cởi mở hơn, khiến sức hấp dẫn của lĩnh vực bất động sản Hà Nội đối với nhà đầu tư ngoại cũng được gia tăng.

Các chuyên gia cho rằng, việc cho người nước ngoài mua nhà sau khi nhập cảnh được kỳ vọng tạo ra yếu tố thuận lợi để thu hút, kích thích phát triển nhiều loại hình bất động sản như đầu tư, du lịch, dịch vụ. Điều này có lợi cho cả nền kinh tế, phù hợp thông lệ quốc tế và là một hình thức "xuất khẩu" bất động sản tại chỗ khá hiệu quả.

Nhận xét về tiềm năng của thị trường bất động sản Hà Nội, ông Budiarsa Sastrawinata - Chủ tịch Tập đoàn Ciputra cho rằng, Hà Nội là một trong những thành phố đang phát triển của Việt Nam, do vậy đây cũng là một thị trường tiềm năng phù hợp với những dự án đầu tư lớn mang tính tổ hợp với sự đa dạng của các loại hình bất động sản.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 8 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 24,35 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ 2017. Cụ thể, tổng vốn đầu tư lĩnh vực bất động sản đạt 5,9 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng vốn đầu tư đăng ký, đứng thứ 2 trong 17 ngành, lĩnh vực; trong đó, Hà Nội là địa phương thu hút nhiều vốn nhất với tổng số vốn đăng ký 5,93 tỷ USD, chiếm 24,4% tổng vốn đầu tư.

Một trong số các dự án có nguồn vốn ngoại lớn đổ vào bất động sản Thủ đô là Dự án Thành phố thông minh tại xã Hải Bối và Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh) do một doanh nghiệp Nhật Bản phối hợp cùng với đối tác Việt Nam đầu tư xây dựng. Dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 4,138 tỷ USD, dự kiến sẽ được khởi công vào tháng 10/2018. Đây được xem là một trong những dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất nửa đầu năm 2018.

Tiềm năng và sức hút lớn như vậy, nhưng để nắm bắt được và biến các cơ hội thành hiện thực, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, Hà Nội cần phải xác định được các vấn đề cốt lõi để tháo gỡ khó khăn chung của thị trường, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa theo hướng phù hợp với nhu cầu thực, đồng thời tiếp tục tạo các điều kiện ưu đãi nhằm thúc đẩy hơn nữa cho các doanh nghiệp, trong đó có cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tham gia vào việc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục