Tiềm năng và thách thức của Liên minh kinh tế Á - Âu

Liên minh kinh tế Á - Âu do Nga, Belarus và Kazakhstan thành lập, chính thức có hiệu lực kể từ ngày 31/12/2014 và được mở rộng vào ngày 1/1/2015 với sự gia nhập của Armenia.
Tiềm năng và thách thức của Liên minh kinh tế Á - Âu ảnh 1Một cuộc họp của Hội đồng tối cao liên minh kinh tế Á-Âu ngày 24/12/2014. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Giám đốc Trung tâm phát triển chiến lược của Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS, hay còn gọi là SNG), Alexander Gusev vừa nhận định, sự thành lập Liên minh kinh tế Á - Âu (EEU) là bước đầu tiên hướng tới một khu vực Á - Âu thống nhất hơn.

"Dựa trên nền tảng Liên minh Hải quan và Không gian kinh tế chung, EEU chính là bước khởi đầu của "công trình" tạo dựng một liên minh kinh tế Á - Âu thống nhất hơn," ông Gusev nói.

EEU là tổ chức khu vực do Nga, Belarus và Kazakhstan thành lập, chính thức có hiệu lực kể từ ngày 31/12/2014, và được mở rộng vào ngày 1/1/2015 với sự gia nhập của Armenia.

Mục tiêu của EEU là hình thành một thị trường chung, tạo thêm nhiều cơ hội cho sự dịch chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lực lượng lao động trong các nước thành viên vào năm 2025, cũng như đưa ra một chính sách kinh tế có sự phối hợp hài hòa.

Theo ông Gusev, sự ra đời của EEU đã đem lại những lợi ích rõ ràng cho các nước thành viên, nhờ giá khí đốt thấp từ Nga, cũng như các điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế chung và hoạt động hải quan được đảm bảo.

EEU là bước đi quan trọng của Nga nhằm hoàn thiện giấc mơ một Liên minh Á - Âu hợp nhất hơn, là một xung lực thúc đẩy hợp tác kinh tế và chính trị trong khu vực như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) hay Sáng kiến Vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa của Trung Quốc. Ông Gusev cũng cho rằng, EEU và Vành đai Con đường Tơ lụa sẽ không phải là đối thủ cạnh tranh của nhau.

"Sáng kiến lập Con đường Tơ lụa nhằm liên kết các quốc gia Trung Á vào một không gian kinh tế chung, điều vốn được các thành viên EEU hoan nghênh. Moskva và Bắc Kinh có thể hợp tác để thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định xã hội và an ninh khu vực như Trung Á và Liên minh Á - Âu," ông Gusev nói thêm.

Mặc dù triển vọng của EEU là rất tươi sáng, song Liên minh này cũng phải đối mặt với chặng đường chông gai phía trước.

EEU sẽ phải vượt qua hai vấn đề chính là sự hình thành các cơ quan "siêu quốc gia" và sự ra đời của một đồng tiền chung. Cụ thể, sự hình thành các cơ quan siêu quốc gia cần các thành viên chuẩn bị cho giai đoạn phân hay ủy quyền và sự ra đời đồng tiên duy nhất cần EEU hợp tác đa cấp độ giữa chính phủ, thể chế tài chính và Nghị viện các nước thành viên.

Ông Gusev cho rằng, hai vấn đề nêu trên cần được giải quyết một cách tích cực để thống nhất không gian chung. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có một quan điểm chun về các vấn đề này.

Bên cạnh đó, các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga cũng có thể đem lại những hiệu ứng tiêu cực đối với các thành viên EEU, ngay cả khi họ là các quốc gia độc lập với thương mại độc lập.

Một số báo cáo gần đây chỉ ra giá trị đồng nội tệ của Kazakhstan và Kyrgyzstan, hai nước sẽ gia nhập EEU trong tương lai gần, đã sụt giảm đáng kể do ảnh hưởng từ đồng ruble tụt dốc.

Tuy nhiên, dù còn phải vượt qua nhiều khó khăn trước mắt, EEU sẽ phát triển thành một trung tâm tăng trưởng của toàn bộ khu vực, với tiềm năng khổng lồ trong hợp tác kinh tế và phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục