Gia tăng nguồn năng lượng tái tạo là một chủ trương cần thiết nhưng hiện đang vấp phải không ít thách thức như chi phí đầu tư cao, số giờ vận hành nguồn điện thấp.
Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015.
Tháng 9/2015, Việt Nam đã đưa ra các mục tiêu cụ thể, lượng điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tăng từ mức 58 tỷ kWh năm 2015 lên 101 tỷ kWh năm 2020 và 186 tỷ kWh năm 2030; 452 tỷ kWh năm 2050. Tỷ trọng điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tăng từ 35% năm 2015 lên mức 38% năm 2020 và 43% năm 2050.
Tiềm năng phát triển
Theo ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, với vị trí địa lý, đường bờ biển dài, đặc thù khí hậu nhiệt đới gió mùa và nền kinh tế nông nghiệp, Việt Nam có nguồn năng lượng tái tạo dồi dào và đa dạng, có thể khai thác cho sản xuất năng lượng như thủy điện, điện gió, điện Mặt Trời, sinh khối, địa nhiệt, nhiên liệu sinh học...
Theo nghiên cứu đánh giá tiềm năng năng lượng tái tạo, đến năm 2030 Việt Nam có khả năng phát triển khoảng 8.000 MW thủy điện nhỏ, 200 MW điện gió, 3.000 MW điện sinh khối, 35.000 MW điện Mặt Trời.
Về điện gió, ước tính trên đất liền, Việt Nam có thể phát triển khoảng 30 GW điện gió. Cùng với tiềm năng điện gió ngoài khơi, Việt Nam có thể phát triển khoảng 100 GW công suất điện gió.
Tiềm năng năng lượng Mặt Trời cũng được đánh giá cao khi Việt Nam là quốc gia có thời gian nắng nhiều trong năm với cường độ bức xạ lớn ở các khu vực miền Trung, miền Nam.
Trong khi đó, tiềm năng nguồn sinh khối từ phế thải nông nghiệp, chất thải chăn nuôi và rác thải hữu cơ có tổng công suất khoảng 400 MW.
Thủy điện vẫn là nguồn năng lượng tái tạo có công suất cao nhất, đóng góp khoảng 40% vào tổng công suất điện quốc gia.
Tính đến cuối năm 2018, Việt Nam thúc đẩy thành công nhiều dự án năng lượng tái tạo với 285 nhà máy thủy điện nhỏ, tổng công suất khoảng 3.322 MW; 8 nhà máy điện gió, tổng công suất 243 MW và 10 nhà máy điện sinh khối, tổng công suất nối lưới khoảng 212 MW.
Về điện Mặt Trời, hơn 100 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), 2 dự án đi vào vận hành với tổng công suất khoảng 86 MW.
Tổng công suất nguồn điện từ năng lượng tái tạo (không kể các nhà máy thủy điện cỡ vừa và lớn) đã chiếm 2,1% tổng công suất toàn hệ thống.
[Khánh thành nhà máy điện mặt trời Phước Hữu-Điện lực 1 tại Ninh Thuận]
Ông Đỗ Đức Quân, Phó Tổng cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết tính đến tháng 6/2019, tổng công suất lắp đặt các dự án điện Mặt Trời, điện gió và sinh khối tại Việt Nam đạt khoảng 2,5 GW, dự kiến hết tháng 6/2019, thêm khoảng 2 GW điện Mặt Trời sẽ được lắp đặt.
Kết quả đạt được nhờ cam kết về mục tiêu phát triển và chính sách khuyến khích phát triển năng lượng phù hợp của Chính phủ, sự tích cực của các địa phương và sự phối hợp giữa các bộ, ngành giải quyết các vấn đề vướng mắc trong quá trình triển khai dự án nhằm tạo môi trường cạnh tranh tốt, thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Theo ông Đỗ Đức Quân, để khuyến khích, phục vụ các mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành hàng loạt các cơ chế như Feed-in-Tariff Mechanism cho điện Mặt Trời, điện gió, điện sản xuất từ chất thải rắn, điện sinh khối...
Chính phủ cũng ban hành chính sách ưu đãi khác cho các nhà đầu tư như ưu tiên cung cấp tín dụng, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, sử dụng PPA...
Bên cạnh đó, Quy hoạch Phát triển Điện lực VII sửa đổi (PDP) cho rằng nếu muốn huy động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành năng lượng, Việt Nam cần có môi trường đầu tư minh bạch và lộ trình chính sách rõ ràng với tầm nhìn xa hơn năm 2021, để các nhà đầu tư có thể ra quyết định dài hạn ngay năm 2019 đối với các dự án hoàn tất huy động vốn sau năm 2021.
Hơn nữa, Chính phủ càng đưa ra lộ trình dài hạn cho nhà đầu tư thì rủi ro đầu tư và chi phí vốn càng thấp.
Rào cản và thách thức
Theo ông Đỗ Đức Quân, Phó Tổng cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, việc phát triển nhanh các nguồn năng lượng tái tạo trong thời gian gần đây đang tạo ra một số bất cập và thách thức như chi phí đầu tư còn cao, cơ sở hạ tầng lưới điện một số khu vực nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo chưa sẵn sàng để giải phóng công suất, yêu cầu sử dụng đất lớn (nhất là các dự án điện Mặt Trời), các khó khăn trong điều khiển, điều độ hệ thống điện khi tỷ trọng nguồn điện từ năng lượng tái tạo trong hệ thống tăng lên...
Cụ thể, báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, phát triển năng lượng tái tạo đang gặp phải một số thách thức trong hệ thống vận hành.
Đặc biệt với điện Mặt Trời áp mái, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chưa thể ký hợp đồng mua bán điện Mặt Trời với khách hàng do chưa có hướng dẫn chính thức về cách thức thanh toán tiền điện.
Bên cạnh đó, cũng chưa có những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống điện Mặt Trời áp mái hay quy định về cấp phép hoạt động điện lực cho bên thứ ba tham gia lắp đặt.
Một rào cản lớn đối với phát triển năng lượng tái tạo còn nằm ở vốn đầu tư. Biểu giá điện hiện đang được áp dụng đồng nhất cho mọi khu vực khiến hạn chế cạnh tranh và khó khuyến khích nhà đầu tư phát triển hạ tầng.
Hơn nữa, biểu giá điện bị kiểm soát hoàn toàn trong khi năng lượng tái tạo hay dao động dẫn đến thiếu vốn đầu tư.
Ông Bernard Casey, Giám đốc phát triển Việt Nam Công ty Mainstream Renewable Power cho biết mặc dù quốc tế đã có sự quan tâm đáng kể với năng lượng tái tạo tại Việt Nam, việc mở rộng điện gió và Mặt Trời cần môi trường đầu tư thuận lợi cũng như gỡ bỏ một số rào cản gia nhập thị trường.
Điển hình là năm 2017, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 16/2017/TT-BCT bao gồm hợp đồng mua bán điện mẫu (PPA) cho điện Mặt Trời.
Thông tư này và hợp đồng mẫu tương đồng với bản dự thảo đã ban hành trước đó và được cho là hợp đồng bắt buộc áp dụng cho các dự án điện Mặt Trời quy mô lớn và điện Mặt Trời lắp mái nhưng hợp đồng mẫu hiện tại không thu hút được nguồn vốn quốc tế.
Một số dự án điện Mặt Trời, sử dụng vốn vay trong nước hoặc vốn chủ sở hữu, đã ký PPA năm 2018, tuy nhiên vẫn phải đối mặt với những rủi ro liên quan đến đảm bảo mua điện./.