Tiềm năng hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Hong Kong sau dịch

Hiện Hong Kong là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 tại Việt Nam với 2.001 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 26,9 tỷ USD nhưng vị trí này còn khá khiêm tốn so với tiềm năng hợp tác hai bên.
Tiềm năng hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Hong Kong sau dịch ảnh 1Tổng lãnh sự Việt Nam tại Hong Kong (Trung Quốc) Phạm Bình Đàm. (Ảnh: Bùi Văn Phóng/TTXVN)

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm thành lập ngành ngoại giao (28/8/1945-28/8/2021), ông Phạm Bình Đàm, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Hong Kong (Trung Quốc), đã chia sẻ với phóng viên TTXVN cảm nghĩ về ngành ngoại giao nói chung và chuyện nghề ngoại giao nói riêng cũng như những nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong công tác đối ngoại của Tổng Lãnh sự quán tại Hong Kong, tiềm năng quan hệ hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam với Hong Kong trong thời gian tới. 

Theo phóng viên TTXVN tại Hong Kong, Tổng Lãnh sự Phạm Bình Đàm cho biết ông cảm thấy tự hào, hạnh phúc và may mắn được đứng trong hàng ngũ những người làm ngoại giao, tự hào về truyền thống vẻ vang, thành tựu to lớn của ngành trong suốt 76 năm qua, từ ngày đầu tiên bảo vệ nền độc lập non trẻ đến chiến dịch ngoại giao vaccine rộng khắp đang diễn ra. 

Sứ mạng của ngoại giao luôn là bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia. Lợi ích thì vô cùng rộng lớn, có lợi ích bao trùm, lợi ích cụ thể của từng mặt, từng ngành, địa phương cũng như người dân và doanh nghiệp, có lợi ích trước mắt, lợi ích lâu dài.

Nhiệm vụ lớn, bất biến lúc nào cũng phải làm là giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và xây dựng, phát triển đất nước.

Ở thời điểm hiện tại, nhiệm vụ rất cụ thể và cấp bách là ngoại giao vaccine và y tế, phải làm sao vận động được vaccine phòng COVID-19, trang thiết bị y tế, thuốc men càng nhiều, càng sớm càng tốt.

Tổng Lãnh sự quán Hong Kong có cũng tiến hành vận động Trưởng Đặc khu hành chính, các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp, cá nhân và đã thu được kết quả ban đầu đáng khích lệ.

Đối với các trọng tâm khác và những vấn đề dài hơi hơn thì tuỳ theo đặc điểm, thế mạnh của từng địa bàn mà mỗi đại sứ, tổng lãnh sự sẽ đề ra những trọng tâm riêng.

Theo Tổng Lãnh sự Phạm Bình Đàm, điểm chung của tất cả các địa bàn sẽ là vận động nguồn lực tại địa bàn để phục vụ cho phục hồi kinh tế và tận dụng các cơ hội mới xuất hiện khi đại dịch COVID-19 đã được kiểm soát, cuộc sống đi vào bình thường mới.

[Việt Nam thúc đẩy quan hệ hợp tác với Hong Kong (Trung Quốc)]

Điều chung nhất là làm cho các địa phương của Việt Nam và Hong Kong đã gần càng gần hơn, nghĩa là góp phần để lãnh đạo, doanh nghiệp, người dân hai bên hiểu nhau hơn, quan hệ gắn bó, sâu sắc, hiệu quả hơn, giao lưu, qua lại nhau thường xuyên hơn. 

Hong Kong là trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu, là kênh dẫn vốn chính vào Trung Quốc đại lục trong những thập kỷ qua.

Hiện Hong Kong là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 tại Việt Nam, sau Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc) với 2.001 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 26,9 tỷ USD nhưng rõ ràng so với thực lực, tiềm năng của Hong Kong thì vị trí này còn khá khiêm tốn.

Một số doanh nghiệp Hong Kong cho biết đang có nhà máy sản xuất ở Trung Quốc, giờ có kế hoạch chuyển sang Việt Nam. Vì vậy, xúc tiến đầu tư sẽ là một ưu tiên hàng đầu trong triển khai ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển.

Ưu tiên thứ hai là xúc tiến du lịch. Hong Kong có hơn 60.000 người có tài sản trị giá trên 5 triệu USD. Ngoài ra, người nước ngoài làm việc tại Hong Kong cũng có mặt bằng thu nhập rất cao.

Đây là thị trường du lịch quan trọng, khả năng chi tiêu cao, trong khi Việt Nam có lợi thế về khoảng cách địa lý, số lượng chuyến bay đến cả 3 miền và cũng đang là điểm đến khá ưa thích của người Hong Kong.

Tuy nhiên, sau đại dịch, tất cả các nước đều tung ra các gói kích cầu du lịch, đều nhanh nhạy trong việc đưa ra những sản phẩm mới đáp ứng với thay đổi của thị trường do tác động của đại dịch.

Việt Nam có cơ hội lớn, nhưng thách thức cũng không nhỏ. Khôi phục và phát triển thị trường du lịch Hong Kong là một nhiệm vụ quan trọng.

Tiềm năng hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Hong Kong sau dịch ảnh 2Cục trưởng Phát triển Thương mại và kinh tế Hong Kong Khâu Đằng Hoa (trái) và Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Hong Kong Phạm Bình Đàm tại gian hàng trưng bày của Việt Nam. (Ảnh: Lê Anh/TTXVN)

Thứ 3 là về thương mại. Hong Kong ngoài thị trường nội địa còn là một trung tâm trung chuyển thương mại quốc tế.

6 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hong Kong đạt 13,3 tỷ USD tăng 25,2% so với cùng kỳ năm 2020 (Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hong Kong), trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Hong Kong 7,1 tỷ USD tăng 23,4% (đứng thứ 8); nhập khẩu từ Hong Kong 6,2 tỷ USD tăng 27,4% (đứng thứ 6).

Việt Nam đang ở vị thế xuất siêu trong 6 tháng đầu năm theo số liệu thống kê của Hong Kong.

Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội lớn ở thị trường Hong Kong, khuyến khích, hỗ trợ các startup.

Thứ 4 là về giáo dục. Trong 8 trường đại học công của Hong Kong có 4 trường nằm trong tốp 50 thế giới: Đại học Hong Kong đứng thứ 22, Đại học Khoa học công nghệ Hong Kong đứng thứ 27, Đại học Trung Văn Hong Kong đứng thứ 43, Đại học Thành phố Hong Kong đứng thứ 47. 

Thứ 5 là bảo hộ công dân, xây dựng cộng đồng: có nhóm lao động phổ thông, có nhóm trí thức, chuyên gia, sinh viên. Nhiệm vụ là xây dựng cộng đồng đoàn kết, vững mạnh, tương trợ, hướng về đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục