Tiêm chủng vaccine COVID-19 là hình thức tiêm tự nguyện và theo lịch

Phó Cục trưởng Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết: "Tiêm chủng vaccine COVID-19 là hình thức tiêm tự nguyện và theo lịch tiêm; cơ sở tiêm trên địa bàn căn cứ thông tin này sẽ xác nhận lịch tiêm."
Triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Bệnh viện Thanh Nhàn của Sở Y tế Hà Nội. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19, Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử, đã được chính thức phát động ngày 10/7 và kéo dài từ tháng 7/2021đến tháng 4/2022.

Một trong những điểm mới của chiến dịch tiêm chủng lần này là triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong cả quy trình tiêm chủng.

Toàn bộ quy trình, từ đăng ký tiêm vaccine online cũng như việc tra cứu lịch sử, kết quả tiêm chủng đều có thể thao tác qua ứng dụng "Sổ sức khỏe điện tử.” Qua đó, ngành Y tế sẽ theo dõi được có bao nhiêu người đăng ký tiêm chủng, số lượng vaccine được chuyển đến các điểm tiêm, tiêm cho bao nhiêu người, còn lại bao nhiêu người chưa tiêm..

Theo Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin thuộc Bộ Y tế Nguyễn Trường Nam, người dân từ 18 tuổi trở lên có thể đăng ký tiêm phòng vaccine COVID-19 cho cá nhân qua Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19.

Hai cách để đăng ký tiêm chủng vaccine COVID-19 online:

Cách thứ nhất: truy cập Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 ở đường dẫn: https://tiemchungcovid19.gov.vn/portal/register-person để đăng ký trực tiếp trên website.

Cách thứ hai: Đăng ký tiêm vaccine COVID-19 bằng cách truy cập đường dẫn https://hssk.kcb.vn/#/sskdt để tải ứng dụng "Sổ sức khỏe điện tử" cho điện thoại dùng hệ điều hành Android và iOS. Khi tải về sẽ có phần đăng ký, đăng nhập với số điện thoại. Sau khi xác thực thông tin trên phần mềm, người dân sẽ thấy thông tin về hướng dẫn đăng ký tiêm vaccine.

Để đăng ký tiêm, người dân phải cung cấp thông tin cá nhân, kê khai trên bảng đăng ký. Các thông tin được chuyển đến các điểm tiêm chủng mà người dân đã đăng ký. Các điểm tiêm sẽ sàng lọc, đánh giá tính chính xác của thông tin, lên danh sách. Khi có vaccine sẽ báo cho người dân, hẹn thời gian đến khám sàng lọc và thông báo lịch tiêm cụ thể.

Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin của Bộ Y tế nhấn mạnh không phải cứ đăng ký trước là được tiêm trước. Việc đăng ký tiêm qua mạng chỉ là hình thức giúp người dân không phải đến cơ sở tiêm chủng, các thông tin khai báo được tiếp nhận nhanh nhất, tránh thất lạc, trùng lặp thông tin. Hệ thống sẽ không thể hiện việc đăng ký trước sẽ được tiêm trước.

[Có thể đăng ký tiêm vaccine trên nền tảng quản lý tiêm chủng quốc gia]

"Tiêm chủng vaccine COVID-19 là hình thức tiêm tự nguyện và theo lịch tiêm. Cơ sở tiêm chủng trên địa bàn căn cứ vào thông tin này sẽ xác nhận lịch tiêm chủng cho người dân trong cùng thời điểm đó. Hệ thống sẽ chia theo các nhóm đối tượng ưu tiên theo quy định. Khi cung cấp thông tin, người dân sẽ cung cấp theo nhóm đối tượng trên hệ thống, dựa vào đó hệ thống sẽ phân loại để sắp xếp lịch tiêm phù hợp," ông Nguyễn Trường Nam cho biết.

Chia sẻ về thông tin trên sẽ được thể hiện trên “Sổ sức khỏe điện tử” đối với các trường hợp chưa tiêm, đã tiêm 1 mũi vaccine hoặc tiêm đủ 2 mũi vaccine, ông Nguyễn Trường Nam cho biết sau khi đăng ký thông tin cá nhân trên Sổ sức khỏe điện tử, hệ thống sẽ tạo ra mã QR Code. Mã này có màu đen và trắng, khi cá nhân người đó đã tiêm 1 mũi vaccine, mã này sẽ chuyển sang màu vàng và tiêm đủ 2 mũi sẽ chuyển sang màu xanh. Như vậy, từ bảng màu của mã QR Code sẽ biết tình trạng tiêm vaccine của người đó như thế nào.

Hiện nay, việc nhập các dữ liệu đang được tiến hành nên có thể một thời gian nữa những người đã tiêm vaccine trước đó mới có thông tin trên hệ thống. Mã QR Code trên sổ chứng nhận điện tử cá nhân này sẽ thay thế cho các giấy chứng nhận trước đó rằng người này đã tiêm ngừa vaccine COVID-19, ông Nguyễn Trường Nam cho biết.

Cũng theo ông Nguyễn Trường Nam, trên cơ sở dữ liệu tiêm chủng có thông tin người đã được tiêm (số mũi vaccine, chủng loại vaccine), sau khi tiêm xong, dựa trên “Sổ sức khỏe điện tử” khi di chuyển trong nước, qua các điểm kiểm dịch có thể quét QR Code để biết được tình trạng tiêm chủng của cá nhân đó. Mã QR Code chính là căn cứ để đảm bảo “hộ chiếu vaccine” sau này.

Phó Cục trưởng Nguyễn Trường Nam thông tin thêm hiện nhà cung cấp dịch vụ đã có phương án để bổ sung thêm năng lực xử lý của máy chủ cũng như băng thông đường truyền để giảm thiểu tối đa hiện tượng nghẽn mạng khi đăng ký tiêm chủng online.

"Tới đây, chúng tôi sẽ tăng cường công tác truyền thông để người dân biết được kế hoạch phân bổ vaccine COVID-19 sẽ được ưu tiên cho khu vực nào và nhóm đối tượng nào để người dân khu vực đó chủ động đăng ký cho phù hợp. Tất cả người dân trong đối tượng cần tiêm sẽ được tiêm. Do vậy, người dân không nên quá vội vàng, sốt ruột khi chưa đăng ký được ngay," ông Nam cho biết.

16 nhóm đối tượng ưu tiên tiêm chủng vaccine COVID-19:

Ngày 8/7 vừa qua, Bộ trưởng Y tế đã ký ban hành Quyết định số 3355/QĐ-BYT về việc ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 năm 2021-2022, trong đó quy định 16 nhóm đối tượng được tiêm chủng và 4 nhóm tỉnh, thành phố được ưu tiên tiêm vaccine COVID-19.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Bình tại điểm tiêm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)

Trong kế hoạch này, Bộ Y tế đặt mục tiêu tối thiểu 50% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm phòng vaccine COVID-19 trong năm 2021. Hết quý 1/2022, trên 70% dân số được tiêm vaccine. Đảm bảo an toàn tiêm chủng khi sử dụng vaccine phòng COVID-19.

16 nhóm đối tượng gồm: cán bộ y tế; người tham gia công tác phòng chống dịch (thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, người làm công tác truy vết, làm việc ở khu cách ly, điều tra dịch tễ...);

Lực lượng Công an; Quân đội; cán bộ ngoại giao, giáo viên, học sinh, sinh viên, cán bộ hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh, người cung cấp dịch vụ thiết yếu ( hàng không, vận tải, du lịch, điện, nước)…

Người mắc bệnh mạn tính; người trên 65 tuổi; người sinh sống ở vùng có dịch; người nghèo, các đối tượng chính sách, người bán hàng ăn, buôn bán ở chợ, xây dựng, lao động tự do; người được cơ quan Nhà nước cử đi công tác, học tập và lao động ở nước ngoài...;

Các chức sắc, chức việc các tôn giáo và các đối tượng khác theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố và đề xuất của các đơn vị viện trợ vaccine cho Bộ Y tế...

Bốn nhóm tỉnh, thành phố được ưu tiên gồm:

Các tỉnh, thành đang có dịch, trong đó ưu tiên tiêm trước cho đối tượng ở vùng đang có dịch;

Các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm hoặc có thực hiện thí điểm các đề án phát triển kinh tế của Chính phủ;

Các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đông công nhân và dân cư;

Các tỉnh, thành phố có biên giới, giao lưu đi lại lớn, có cửa khẩu quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục