Tiêm chủng mở rộng: Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất nhu cầu 1,4 triệu liều vaccine

Theo đề xuất của Thành phố Hồ Chí Minh, từ nay đến đầu năm 2026, thành phố cần khoảng 1,4 triệu liều vaccine các loại phục vụ nhu cầu tiêm chủng mở rộng trên địa bàn.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đề xuất nhu cầu vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng 6 tháng cuối năm 2024, toàn bộ năm 2025 và 6 tháng đầu năm 2026.

Theo đề xuất, từ nay đến đầu năm 2026, thành phố cần khoảng 1,4 triệu liều vaccine các loại phục vụ nhu cầu tiêm chủng mở rộng trên địa bàn.

Theo đề xuất, Thành phố Hồ Chí Minh cần 102.470 liều vaccine viêm gan B sơ sinh, 169.370 liều vaccine lao, 67.668 liều DPT-VGB-Hib (vaccine 5 trong 1), 223.660 liều bại liệt uống, 140.270 liều bại liệt tiêm, 76.020 liều sởi, 73.970 liều sởi-rubella, 26.090 liều viêm não Nhật Bản, 187.640 liều uốn ván, 28.900 liều bạch hầu-ho gà-uốn ván (DPT), 155.340 liều rota và 158.280 liều uốn ván-bạch hầu (Td)…

Tổng lượng vaccine các loại mà Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất là 1,4 triệu liều nhằm phục vụ nhu cầu tiêm chủng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn.

Ủy ban Nhân dân Thành phố Chí Minh cũng báo cáo kinh phí cho hoạt động tiêm chủng năm 2025 trên địa bàn dự kiến hơn 4 tỷ đồng, bao gồm mua sắm vật tư tiêm chủng, tổ chức tiêm chủng, truyền thông, đào tạo-tập huấn, sửa chữa…

Như phóng viên Thông tấn xã Việt nam đã đưa tin, từ tháng 5/2022 đến cuối năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh liên tục thiếu vaccine phục vụ Chương trình tiêm chủng mở rộng. Điều này khiến tỷ lệ tiêm chủng trong cộng đồng thấp hơn mục tiêu đề ra.

Theo các chuyên gia lĩnh vực y tế, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến một số bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa được bằng vaccine xuất hiện trở lại. Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện nhiều ca bệnh sởi, ho gà…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục