Tiêm chủng bắt buộc có phải là giải pháp cho khủng hoảng COVID-19?

Trong nỗ lực nhằm giảm thiểu mối đe dọa đặt ra bởi sự lây lan của Omicron và tỷ lệ ca nhiễm tăng cao, các chính phủ đang đưa ra các chính sách mới nhằm gia tăng tỷ lệ tiêm vaccine tại các nước mình.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Vienna, Áo. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trang mạng aljazeera.com đưa tin tại Bắc Bán cầu, mùa Đông đến mang theo những nỗi lo ngại về sự quay trở lại mạnh mẽ của dịch COVID-19, trong đó hàng loạt quốc gia đã ghi nhận tỷ lệ ca nhiễm tăng cao, đồng thời cảnh báo về sức ép ngày càng lớn đối với ngành y tế.

Tình hình này đã buộc Áo, một nước nhỏ trong Liên minh châu Âu (EU), nơi tỷ lệ ca nhiễm hàng ngày tăng lên đến gần 15.000 ca vào giữa tháng 11/2021, phải đi đến lựa chọn quan trọng: nước này không chỉ tái áp đặt lệnh phong tỏa kéo dài 3 tuần mà còn ra lệnh tiêm chủng bắt buộc đối với người lớn kể từ tháng 2/2022 trong một nỗ lực nhằm tăng tỷ lệ tiêm chủng quốc gia mà hiện mới chỉ đạt 66%.

Sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron càng làm tăng áp lực buộc các chính phủ phải có những can thiệp mang tính quyết định trước khi các hệ thống y tế bị quá tải.

Với mức độ đột biến cao bất thường, biến thể Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn và làm giảm tác dụng của các loại vaccine mà chúng ta có hiện nay.

May mắn thay, những nghiên cứu ban đầu từ Nam Phi cho thấy các vaccine hiện nay và các mũi tiêm tăng cường vẫn có thể mang lại một giải pháp bảo vệ để giảm tỷ lệ nhập viện, nếu không tình hình sẽ rất tồi tệ.

[Mối liên hệ giữa vaccine của Moderna và chứng viêm cơ tim]

Thêm vào đó, các phương pháp nghiên cứu phát triển và sản xuất hiện đại hiện cho phép việc chế tạo một loại vaccine phù hợp chỉ trong vài tháng, thay vì vài năm như trước kia.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia phát triển - nơi các loại vaccine luôn khả dụng - lại cũng ghi nhận tỷ lệ tiêm chủng tương đối khiêm tốn.

Chẳng hạn, các thành viên EU là Rumania và Bulgaria chỉ có dưới 40% dân số được tiêm chủng đầy đủ.

Tiến sỹ Anthony Fauci, cố vấn y tế trưởng cho tổng thống Mỹ, ước tính rằng các nước chỉ có thể đạt được sự bảo vệ lâu dài cho toàn cộng đồng sau khi gần 90% dân số được tiêm chủng.

Vì vậy, trong nỗ lực nhằm giảm thiểu mối đe dọa đặt ra bởi sự lây lan của Omicron và tỷ lệ ca nhiễm tăng cao, các chính phủ đang đưa ra các chính sách mới nhằm gia tăng tỷ lệ tiêm vaccine tại các nước mình.

Phương án mang tính chính trị có thể chấp nhận được là yêu cầu người dân phải có hộ chiếu vaccine thì mới tham gia một số sự kiện tập thể hoặc các cửa hàng, khiến cho những người chưa tiêm chủng bị hạn chế hoạt động, đã được áp dụng một cách rộng rãi trên khắp châu Âu, bất chấp việc nó đã kích động những làn sóng phản ứng lớn tại nhiều nước, trong đó có Italy, Croatia và Hà Lan.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách tại nhiều quốc gia có thể sẽ mạo hiểm noi theo Áo để áp dụng các chính sách bắt buộc tiêm chủng trong tương lai gần nhằm giảm tỉ lệ nhập viện và tránh phải đưa ra những quy định hạn chế gây tổn hại về kinh tế.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng đã kêu gọi tiến hành một cuộc thảo luận về việc bắt buộc tiêm vaccine và tân Thủ tướng Đức Olaf Schulz cũng đã lên tiếng ủng hộ phương án này.

Tuy nhiên, lệnh tiêm chủng bắt buộc mà các chính phủ áp dụng có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng về lâu dài: nó có thể nuôi dưỡng sự bất ổn xã hội, làm gia tăng sự hoài nghi đối với chính phủ và gây ra những tổn thương nghiêm trọng giống như đại dịch đã gây ra cho các xã hội.

Tại Áo, dự thảo luật đề xuất những người chưa tiêm chủng có thể bị “triệu tập” đến một số cơ đơn vị hành chính có chức năng và rốt cuộc sẽ phải nộp phạt số tiền lên tới 3.600 euro (khoảng 4.060 USD).

Trong bối cảnh có hàng triệu người vẫn chưa được tiêm chủng, viễn cảnh hàng trăm nghìn người Áo sắp sửa bị phạt sẽ không còn quá xa.

Hiện hàng nghìn người Áo đã lên tiếng phản đối vì cho rằng chính phủ đang hành động quá đáng.

Hầu hết những người còn chần chừ trong việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 không phải những thành phần chống vaccine kịch liệt và đôi khi là mất kiểm soát, những người lo ngại về việc khi tiêm chủng có thể bị đưa các con chip theo dõi vào người.

Nhiều người trong số họ thật sự lo ngại về việc đưa cái gì đó mới vào cơ thể mình, hoặc đơn giản chỉ muốn hiểu được các nguy cơ và lợi ích của việc tiêm phòng.

Tuy nhiên, lệnh bắt buộc tiêm chủng có thể thay đổi điều đó. Nếu các chính phủ áp đặt lệnh tiêm chủng bắt buộc với những người còn chần chừ bằng một biện pháp cứng rắn, họ có thể trở nên càng dễ bị tổn thương hơn trước hàng loạt tin giả và các thuyết âm mưu, và rốt cuộc là sẽ tham gia các phong trào chống vaccine cực đoan hơn.

Thay vì bắt buộc người dân tiêm phòng, các nhà hoạch định chính sách nên cố gắng tìm hiểu lý do tại sao người dân lại ngần ngại tiêm, và tập trung vào các nỗ lực thay đổi suy nghĩ của họ.

Điều này có thể cải giúp thiện tỷ lệ tiêm chủng về lâu dài, điều đặc biệt quan trọng nếu như các mũi tiêm nhắc lại hàng năm trở thành điều cần thiết.

Khi một đề xuất của chính phủ trở thành một yêu cầu bắt buộc, nó sẽ làm thay đổi động cơ sức mạnh giữa nhà nước và cá nhân.

Các mệnh lệnh do chính phủ áp đặt vốn đã mang lại cảm giác không tốt, ngay cả khi các động cơ đằng sau chúng hoàn toàn là tốt.

Đó là lý do vì sao Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo về việc thực thi các lệnh bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19, trừ khi tất cả các phương án khả thi khác nhằm thuyết phục người dân tiêm chủng đều đã được thử.

Lệnh tiêm chủng có thể khiến niềm tin vào các thể chế của một số người giảm đi, và điều này ngược lại có thể khiến tỷ lệ tiêm chủng còn giảm nữa.

Một nghiên cứu về thái độ đối với vấn đề tiêm chủng tại châu Âu do Tạp chí Khoa học Xã hội và Y khoa công bố năm 2014 cho thấy những người tin tưởng vào các thể chế tham gia tiến trình tiêm chủng có khả năng sẽ tiêm chủng nhiều hơn, và những người không tin tưởng thì sẽ không nắm được thông tin và trở nên do dự trong việc tiêm chủng.

Cuộc tranh luận đang tiếp diễn xung quanh lệnh bắt buộc tiêm chủng tại các nước giàu cũng đang gây khó chịu khi mà các nước nghèo vẫn tiếp tục không được tiếp cận với nhiều vaccine.

Thực vậy, tỷ lệ người dân được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 hiện đã đạt hơn 76% tại các nước thu nhập cao, nhưng chỉ có 6% ở các nước thu nhập thấp.

COVAX - một sáng kiến do WHO dẫn đầu nhằm giảm sự chênh lệch vaccine giữa các nước giàu và nghèo - ban đầu đặt mục tiêu phân bổ 2,2 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 cho các nước không thể tự mua được vaccine, bắt đầu từ năm 2022.

Tuy nhiên, tham vọng quá lớn này đã được điều chỉnh xuống còn 1,4 tỷ liều, chủ yếu do các vấn đề về cung ứng.

Vaccine phòng COVID-19 của hãng dược Sinovac tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

WHO hiện lo ngại rằng sự xuất hiện của biến thể Omicron sẽ khiến các nước giàu hơn tích trữ thêm nhiều vaccine hơn, từ đó càng làm gia tăng sự bất bình đẳng trong phân bổ vaccine.

Xét về mặt tích cực, bộ công cụ để đối phó với COVID-19 đang liên tục gia tăng, và điều này là rất tốt cho các nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Các phương pháp điều trị bằng kháng thể, bao gồm thuốc Xevudy từ hãng GSK vừa được Anh phê duyệt, cho thấy đã giúp giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong tới gần 80% ở nhóm người trưởng thành có nguy cơ cao. Loại thuốc uống kháng virus molnupiravir cũng đã chứng tỏ công dụng giảm nguy cơ biến chứng nặng ít nhất là 1/3 lần.

Trong một thế giới lý tưởng, tất cả những ai có thể tiếp cận với một loại vaccine an toàn giúp bảo vệ họ trước đại dịch COVID-19 và giúp giảm thiểu sự lây lan của loại virus đều sẽ chấp nhận tiêm chủng.

Nhưng trong thế giới thực tế, nơi nhiều người vẫn còn lo ngại về vaccine và hàng ngày bị tin giả đầu độc, việc thuyết phục tất cả chấp nhận tiêm chủng không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.

Tuy nhiên, việc bắt buộc người dân tiêm chủng bằng cách áp đặt các lệnh trừng phạt và hạn chế hà khắc có thể gây hại nhiều hơn là lợi.

Điều đó có thể xác nhận những nỗi sợ hãi của người dân rằng “giới tinh hoa chính trị” đang chống lại họ, và rằng họ đang mất đi các quyền và sự tự do của mình.

Tất cả những điều này sẽ khiến những người còn do dự tiêm vaccine hiện nay trở nên càng chần chừ hơn trong việc nghe theo lời khuyên của giới chức trong các giai đoạn khủng hoảng y tế sau này.

Các chương trình y tế công luôn đòi hỏi sự đồng lòng của công chúng thì mới có thể thành công.

Các chính phủ đang cân nhắc việc áp đặt lệnh bắt buộc tiêm vaccine vì thế nên nhận thức rằng mặc dù trong ngắn hạn, các chính sách như vậy có thể rất hay, nhưng chúng có nguy cơ gây ra những hậu quả nghiêm trọng về lâu dài./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục