Tiềm ẩn rủi ro từ việc "khoác áo" doanh nghiệp cho hộ kinh doanh

Việt Nam hiện có khoảng 500.000 doanh nghiệp, để đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, rất dễ rơi vào bẫy "khoác áo" doanh nghiệp cho hộ kinh doanh không đạt chất lượng.
Tiềm ẩn rủi ro từ việc "khoác áo" doanh nghiệp cho hộ kinh doanh ảnh 1Cửa hàng kinh doanh dụng cụ chế tác kim hoàn trên đường Nhiêu Tâm, TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Sáng 28/4, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo thực trạng, khuyến nghị chính sách để “chính thức hóa” hộ kinh doanh.

Hội thảo nhằm công bố kết quả nghiên cứu về việc “chính thức hóa” hộ kinh doanh ở Việt Nam để cung cấp những thông tin về cơ sở chuyển đổi hộ kinh doanh sang hoạt động theo các loại hình doanh nghiệp quy định tại Luật Doanh nghiệp nhằm hướng tới mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phan Đức Hiếu, Viện phó CIEM cho rằng, chương trình khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp tiềm ẩn nguy cơ rơi vào bẫy “khoác áo” doanh nghiệp cho hộ kinh doanh. 

Lý giải rõ hơn về điều này, ông Hiếu cho biết: “Nước ta hiện có khoảng 500.000 doanh nghiệp, để đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, số doanh nghiệp cần thành lập mới rất lớn. Trước thực trạng, không lấy đâu ra doanh nghiệp để đủ mục tiêu, cơ quan quản lý đành nhìn xuống hộ kinh doanh, dùng mệnh lệnh hành chính yêu cầu họ chuyển lên doanh nghiệp. Nếu như vậy, chúng ta sẽ rơi vào bẫy khoác áo doanh nghiệp cho hộ kinh doanh, chỉ đạt số lượng mà không có chất lượng.”

[Làm rõ cơ chế khuyến khích hộ kinh doanh nâng lên doanh nghiệp]

Theo đại diện CIEM, quan trọng nhất là các biện pháp giúp thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh để nâng cao hiệu quả hoạt động của hộ kinh doanh. Còn việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp chỉ là một mục tiêu trong tổng thể đó. Tiền lệ chuyển từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp rất ít, chỉ chiếm 18% trong tổng số doanh nghiệp được khảo sát.

Hơn nữa, đa số hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi lên doanh nghiệp. Trong số 11% doanh nghiệp được khảo sát có quy mô trên 10 lao động, chỉ có 5% dự định chuyển sang hoạt động theo hình thức doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Luyến, Trưởng ban thể chế (CIEM) cho biết, dù đóng góp quan trọng cho nền kinh tế nhưng hộ kinh doanh có năng suất lao động hạn chế, mô hình kinh doanh hẹp, chỉ nằm trong một số nhóm ngành. Khảo sát về hộ kinh doanh cho thấy đa số sử dụng vốn tự có, bởi không có khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay.

“Hộ kinh doanh ngại chuyển đổi sang doanh nghiệp vì phải bổ sung nhân lực, hồ sơ, kế toán phát sinh nhiều chi phí. Thậm chí nhiều chủ hộ kinh doanh e ngại gây đảo lộn hoạt động, thường xuyên bị thanh tra, kiểm tra,” bà Luyến cho biết.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Minh Đức, chuyên viên phòng pháp chế, VCCI cũng cho biết, theo khảo sát của VCCI, có 66% kết quả điều tra năm 2016 doanh nghiệp có trả lời từng là hộ kinh doanh. Nhưng hiện việc thanh kiểm tra đang là một trong những ngại ngần của hộ kinh doanh, không muốn chuyển lên thành doanh nghiệp...

Để khuyến khích và thực hiện tốt chương trình chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp, CIEM đưa ra khuyến nghị tới cơ quan quản lý nhà nước cần đơn giản hóa quy trình, thủ tục chuyển đổi. Đồng thời, thể chế hóa cơ chế, chính sách khuyến khích hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp trong Luật Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cơ chế khuyến khích như hỗ trợ gia nhập, rút lui khỏi thị trường, miễn thuế môn bài; ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; áp dụng chế độ kế toán đơn giản, được cơ quan quản lý nhà nước cung cấp phần mềm kế toán miễn phí…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục